| Hotline: 0983.970.780

Có tới 2 công trình của cố GS. Đỗ Hữu Châu bị "xâm hại"

Thứ Ba 30/06/2009 , 12:00 (GMT+7)

Đã có thêm chứng cớ cho thấy: việc “đạo văn” của TS Mai Hảo Yến không chỉ dừng lại ở hai công trình trên.

Trên NNVN số ra ngày 24/6, chúng tôi đã có bài phản ánh về vụ việc hy hữu: Một vị TS của trường ĐH Hồng Đức trong nhiều năm đã ngang nhiên “đạo” hai công trình khoa học của GS.TS Diệp Quang Ban (“Ngữ pháp tiếng Việt”) và cố GS.TS Đỗ Hữu Châu (“Ngữ dụng học”) rồi đề tên mình, bán cho SV…gây bất bình dư luận trong chính nhà trường.

>> Gửi về ĐH Hồng Đức: Một tiến sĩ ''đạo văn'' bán công khai

Ấy thế nhưng trong khi chúng tôi đang chờ ý kiến của các cơ quan chức năng (ĐH Hồng Đức cũng như NXB Giáo dục - đơn vị giữ bản quyền cuốn sách gốc) nghiêm túc kết luận, xử lý vụ việc thì đã có thêm chứng cớ cho thấy: việc “đạo văn” của TS Mai Hảo Yến không chỉ dừng lại ở hai công trình trên.

Thật vậy, bên cạnh hai công trình “hồn người khác, gắn mác mình” là “Ngữ pháp tiếng Việt”, “Ngữ dụng học”… TS Mai Hảo Yến còn tung ra một sản phẩm khác có tên gọi “Giáo trình Từ vựng tiếng Việt” gồm 98 trang. Rõ ràng, so với “Ngữ pháp tiếng Việt” (206 trang) hay “Ngữ dụng học” (104 trang), “công trình” này tuy có mỏng hơn nhưng đã được nâng cấp khi thêm hai chữ “giáo trình”. Song điều đáng nói là nó lại hợp với hai cuốn tài liệu học tập kia thành một “bộ ba đạo văn” rất đáng để các nhà giáo, nhà khoa học và đọc giả suy ngẫm về thực trạng giảng dạy, nghiên cứu ở một cơ sở đào tạo.

 

Nếu đối chiếu “Giáo trình Từ vựng tiếng Việt” của TS Mai Hảo Yến với phần viết về “Từ vựng - Ngữ nghĩa tiếng Việt” trong “Đỗ Hữu Châu tuyển tập” (Tập 1, NXB Giáo dục, 2005) thì sẽ thấy nó đã copy khoảng 80% nội dung kiến thức trong công trình của vị GS đã quá cố. Thậm chí, nếu người đọc không tinh, cũng khó mà nhận ra ngay con số 80% kia vì vị TS đã có sự gia công, xáo trộn kết cấu đáng kể. Tuy nhiên, những luận điểm, kiến thức cơ bản GS Châu cung cấp thì “không lẫn vào đâu”, khác chăng là các ví dụ được thêm - bớt khoảng 20%.

Có thể khẳng định một cách chính xác rằng, toàn bộ phần chương 6 (trang 91- 96) trong giáo trình của TS Mai Hảo Yến (Hệ thống từ Hán Việt và các từ vay mượn), đã “bê” trọn vẹn nội dung trong “Đỗ Hữu Châu tuyển tập” (tập 1) các trang từ 658 - 663; tương tự, phần “Từ vựng địa phương” (trang 85 - 86) hay các ví dụ về thuật ngữ khoa học (trang 81); ví dụ hiện tượng trái nghĩa (trang 77 - 79); ví dụ và nhận định về hiện tượng đồng nghĩa trong tiếng Việt (trang 74 - 75)… cũng chẳng khác các phần có cùng tên gọi trong sách của vị GS khả kính (trang 653 - 654; trang 641; trang 622 - 624 và trang 619 - 620) dù chỉ một chữ.

Mới đây, ba vị GS, PGS thuộc Trường Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) đã chính thức bị cho thôi việc do dính líu đến vụ đạo văn khoa học ngành Đông y.

Sự kiện gióng lên hồi chuông báo động về nạn giả mạo công trình nghiên cứu khoa học đang như mạch nước ngầm chảy trong giới học thuật nước bạn. Còn ở Việt Nam?

Nhà ngôn ngữ học lừng danh Trung Hoa Vương Lực từng nhận định chí lý rằng: “Cần phải thoát ra khỏi bàn tay của phật Như Lai, rồi sau mới mong không bị đè bẹp dưới chân núi Ngũ Hành”. Trong “Giáo trình Từ vựng tiếng Việt”, TS Mai Hảo Yến chưa vượt thoát ra khỏi - thậm chí bê nguyên xi những luận điểm, nhận xét và cả ví dụ của GS Đỗ Hữu Châu, sao không bị “đè”, sao tránh khỏi tiếng “đạo văn” cho được?

 

Nhưng với một tiến sĩ, việc “đạo” tới 3 công trình của 2 vị GS (Đỗ Hữu Châu, Diệp Quang Ban) đầu ngành thì có bình thường không? Xin tiếp tục gửi câu hỏi này về ĐH Hồng Đức!

Xem thêm

Bình luận mới nhất