Trần Thị Ngọc Cẩm (34 tuổi, thôn 7, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức) vốn học ngành kế toán- Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh và có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp.
Bước ngoặt xảy ra bất ngờ khi chị Cẩm bị rụng tóc, dị ứng trong đoạn mang thai con đầu lòng. Được những người lớn tuổi khuyên mua bồ kết về gội, chị làm theo và bất ngờ khi thấy hiệu quả của loại quả này. Từ đó, ý tưởng kinh doanh của chị cũng khởi nguồn.
Chia sẻ với chồng và được anh ủng hộ, cặp đôi bắt tay vào nghiên cứu, thử nghiệm các công thức nấu dân gian; cách pha trộn bồ kết với cây sả, chanh, gừng hay vỏ bưởi... để cô đặc thành dầu gội đầu đóng chai bán thương phẩm.

Chị Trần Thị Ngọc Cẩm trong một lần giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng. Ảnh: Võ Hà.
Hiện tại, chị Cẩm sở hữu hàng chục sản phẩm chăm sóc tóc, xà phòng, son dưỡng, nước rửa chén… mang thương hiệu Boboon. Đây là thành quả sau chặng đường khởi nghiệp 6 năm trải qua không ít khó khăn, vất vả.
“Chữ “Bo” trong Boboon là chữ “bồ” của “bồ kết” - loại quả gắn liền với chặng đường khởi nghiệp và phát triển các dòng sản phẩm từ thiên nhiên của tôi ”, chị Cẩm cho hay.
Nhớ lại hành trình đã qua, chị Cẩm cho biết, năm đầu thử nghiệm các công thức, hướng đến việc sản xuất số lượng sản phẩm lớn là giai đoạn khó khăn nhất của hai vợ chồng. Cả hai đều nghỉ việc để tập trung cho việc sản xuất, kinh doanh.
“Không chỉ khó khăn về vốn, chúng tôi còn vấp phải sự phản đối của gia đình, người thân. Mọi người ai cũng khuyên nên dừng lại, chỉ cần làm công ăn lương, có thu nhâp ổn định là được, còn khởi nghiệp thì rất rủi ro. Thế nhưng, chúng tôi luôn tin mình sẽ làm được và quyết tâm theo đuổi ước mơ khởi nghiệp”, chị chia sẻ.

Hiện xưởng sản xuất của chỉ sử dụng gần 20 loại thảo dược. Ảnh: Võ Hà
Mỗi sản phẩm làm ra là kết quả của rất nhiều lần thử nghiệm công thức, chưa vừa ý lại tiếp tục nấu. Những thành phẩm đầu tiên được gửi tặng cho bà con, bạn bè, người thân sử dụng để họ trải nghiệm và cho nhận xét. Từ đó, công thức dần hoàn thiện và được đăng ký bản quyền.
Đầu năm 2021, chị Cẩm cho ra mắt dòng sản phẩm đầu tiên mang tên dầu gội bồ kết thảo dược. Sản phẩm này được người tiêu dùng đón nhận, phản hồi tích cực. Sau đó, chị tiếp tục cho ra mắt các dòng sản phẩm như dầu gội bồ kết thảo dược cô đặc, dầu xả tóc bưởi - dừa, tinh dầu bưởi xịt kích thích mọc tóc,...
Để chủ động nguồn nguyên liệu sạch, chị Cẩm liên kết với 4 hộ dân chuyên sản xuất các cây dược liệu cung cấp cho xưởng. Từ các khâu xuống giống, chăm sóc, thu hoạch đều được các hộ dân cam kết thực hiện đúng quy trình, sản xuất sạch với sản lượng cung cấp mỗi tháng hơn 200kg. Hiện xưởng sản xuất của chỉ sử dụng gần 20 loại thảo dược và mỗi sản phẩm sẽ có công thức, quy trình sản xuất riêng.

Cơ sở sản xuất của chị Cẩm giúp tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nông thôn. Ảnh: Võ Hà.
Cuối năm 2023, dầu gội bồ kết thảo dược BoBoon đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Đầu năm 2024, chị Cẩm mạnh dạn tham gia Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi xanh” do Hội LHPN tỉnh tổ chức và đoạt giải Ba. Dự án khởi nghiệp dầu gội bồ kết thảo dược BoBoon của chị Cẩm là 1 trong 2 dự án của phụ nữ trong tỉnh được chọn tham gia cuộc thi khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
Trải qua nhiều vòng thi, dự án của chị Cẩm xuất sắc đoạt giải Ba tại Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 cấp vùng khu vực miền Trung và giải Khuyến khích toàn quốc.
Chia sẻ dự định trong tương lai, chị Cẩm cho biết ngoài sản phẩm dầu gội bồ kết thảo dược đã đạt OCOP 3 sao, chị sẽ đầu tư để có thêm một số sản phẩm đạt OCOP. Đồng thời, hướng tới chuyên biệt hóa đối tượng khách hàng thông qua phát triển dòng sản phẩm dành cho nam giới; mở thêm kho hàng ở Hà Nội để đưa sản phẩm đến tay khách hàng nhanh nhất
Tạo dựng thương hiệu thành công và được thị trường đón nhận, cơ sở sản xuất của chị Cẩm cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương.
“Trước đây, tôi đi phụ hồ nhưng từ năm 2021 đến nay làm việc tại công ty của chị Cẩm. Nhiệm vụ chính là phơi, sấy, chế biến các loại cây cỏ. Làm tại đây công việc nhẹ nhàng, lương ổn định, không lo mưa nắng”, chị Lê Thị Minh Thư (thôn 7, xã Đức Nhuận) cho biết.

Sản phẩm bồ kết của chị Cẩm đã tạo được thương hiệu. Ảnh: Võ Hà.
Theo Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua, nhiều hội viên, phụ nữ trong tỉnh Quảng Ngãi đã mạnh dạn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với nhiều ý tưởng, sản phẩm mang đặc trưng của địa phương và hướng đến chuyển đổi xanh, thân thiện với môi trường.
Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp, phụ nữ khởi nghiệp với chính quyền địa phương trong tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh để hành trình khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ đạt kết quả tốt hơn.