Tạo sinh kế
Hơn 10 năm nay, bà Trần Thị Xuân (65 tuổi, trú tổ dân phố Nhì Đông, phường An Cựu, TP Huế) vất vả mưu sinh bằng công việc rong ruổi khắp các con ngõ lớn, nhỏ để thu mua ve chai.
Cơ duyên đến cách đây 2 năm, khi bà Xuân tham gia Tổ hợp tác nghề ve chai công nghệ, thu gom phế liệu phường An Đông (nay là phường An Cựu), một mô hình mới ứng dụng công nghệ số nhằm hiện đại hóa nghề thu gom phế liệu.
Tại đây, bà Xuân được tiếp cận và sử dụng ứng dụng mGreen Collector - nền tảng di động giúp dễ dàng đặt lịch thu gom rác tái chế. Nhờ ứng dụng này, bà và các thành viên trong Tổ có thể tiếp nhận đơn hàng nhanh chóng, biết trước lộ trình di chuyển, tiết kiệm thời gian và công sức. Không chỉ vậy, mGreen Collector còn hỗ trợ người thu gom quản lý lịch sử giao dịch, dòng tiền và khách hàng một cách khoa học, chuyên nghiệp hơn.
“Nhờ tham gia Tổ hợp tác và sử dụng công nghệ, công việc của tôi không chỉ trở nên thuận lợi hơn mà thu nhập cũng ổn định, cuộc sống dần cải thiện. Mặt khác, khi đi thu mua rác tái chế, các thành viên trong Tổ cũng kết hợp tuyên truyền cho người dân phân loại rác thải tại nguồn”, bà Xuân chia sẻ.

Tham gia các Tổ hợp tác và sử dụng công nghệ, công việc của nhiều phụ nữ trở nên thuận lợi, cuộc sống dần cải thiện. Ảnh: V.D.
Bà Trương Thị Xuân Hằng, thành viên Tổ hợp tác nghề ve chai Hương Sơ (nay là phường Hương An) thổ lộ, ban đầu khi tham gia Tổ, các thành viên đi lại xa, phải 5-10km, ảnh hưởng đến công sức và thời gian. Sau này, sáng kiến mGreen thay đổi chính sách nhận đơn tối thiểu từ 5-10kg, nhờ đó việc thu gom hợp lý hơn, tiết kiệm sức lực, chi phí và các chị em cũng có thêm nguồn thu nhập phù hợp.
Theo chị Hồ Phương Uyên Nhi - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Cựu, Tổ hợp tác làm nghề ve chai - thu gom phế liệu phường An Đông (cũ) được thành lập gồm 11 thành viên, tất cả đều có thâm niên trong nghề. Việc đưa các cô, các chị tham gia vào Tổ và tạo điều kiện được sinh hoạt đúng ngành nghề đã tạo thêm động lực, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong công việc.
“Trong thời gian qua, chị em làm nghề ve chai, thu gom tái chế phế liệu được tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn xoay vòng để hỗ trợ việc mua bán của mình. Thông qua nguồn vốn, các thành viên trong tổ hợp tác cũng đã thống nhất trích lại 20% từ lợi nhuận các đơn hàng mua chung, đến nay tiết kiệm được 7.589.000 đồng, làm quỹ dùng để hoạt động sinh hoạt thường xuyên, thăm hỏi khi ốm đau, hiếu hỷ… Trong tháng 6 vừa qua, tổng số đơn thu gom của Tổ hợp tác qua ứng dụng mGreen là 112 đơn với 11.760 kg rác. Một trong những niềm vui của các chị là được tiếp cận với nhiều chủ nguồn thải hơn và tự hào bản thân mình đã góp phần trong công tác tuyên truyền cho người dân thói quen phân loại rác tại nguồn”, chị Nhi nói.

Chương trình đổi rác lấy quà trên điện thoại (mGreenDay) thu hút nhiều người tham gia. Ảnh: V.D.
Hướng đến đô thị xanh bền vững
Ứng dụng mGreen Collector là sáng kiến của Doanh nghiệp xã hội mGreen, đạt giải thưởng tại Cuộc thi sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa Huế năm 2023 do Dự án “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” (Dự án TVA) tổ chức.
Từ năm 2023, Dự án TVA đã thành lập hai Tổ hợp tác nghề ve chai công nghệ tại phường An Đông (nay là phường An Cựu) và Hương Sơ (nay là phường Hương An). Ngoài ra, mới đây vào tháng 7, Tổ hợp tác mới ra đời với 10 thành viên, hoạt động trên nhiều địa bàn khác nhau như phường Vỹ Dạ, Thuận Hóa, Phú Xuân…

Dự án TVA còn tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của người làm nghề ve chai. Ảnh: V.D.
Tham gia vào các Tổ hợp tác, từ những người chỉ biết sử dụng điện thoại để nghe gọi, các thành viên trong Tổ được tiếp cận với ứng dụng mGreen. Lợi thế mà ứng dụng mang lại đó là người sử dụng ứng dụng sau khi phân loại rác tái chế có thể lựa chọn đặt lịch thu gom tại nhà hoặc mang đến các điểm đổi rác lấy quà trên điện thoại, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phân loại rác thải tại nguồn.
Ngoài ra Dự án TVA còn tổ chức Ngày hội Tôn vinh phụ nữ làm nghề ve chai, cuộc thi ảnh “Tôi trân quý người làm nghề ve chai”, với nhiều hoạt động ý nghĩa như các gian hàng quảng diễn, giới thiệu các sản phẩm từ mô hình IMO, enzym; gian hàng đổi phế liệu lấy nhu yếu phẩm; chụp ảnh miễn phí và tặng túi lưới bảo vệ môi trường; tập huấn an toàn vệ sinh lao động trong các cơ sở tái chế phế liệu trên địa bàn thành phố…

Việc thu mua ve chai thông qua nền tảng số ở TP Huế không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả thu gom rác mà còn nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phân loại rác thải tại nguồn. Ảnh: V.D.
Bà Trần Thị Thoa - Giám đốc điều hành Doanh nghiệp xã hội mGreen cho biết, đến nay, sáng kiến mGreen đã thu gom được hơn 100 tấn rác tái chế, gồm có bao bì, giấy, nhựa, kim loại... Kiểm tra trên hệ thống, chúng tôi thấy mỗi tháng, các Tổ nhận được trung bình 100-200 đơn thu gom tại nhà, có đơn lên đến 60-80 kg. Đó là sự nỗ lực lớn, vượt qua nhiều thách thức nhất là việc tiếp cận công nghệ của hơn 20 thành viên của Tổ hợp tác nghề ve chai tại Hương Sơ (cũ) và An Đông (cũ). Dự án TVA, sáng kiến mGreen và Hội Phụ nữ ở cơ sở đã kết nối để tập huấn, phân công một số đoàn viên trẻ theo dõi hỗ trợ cho các cô, các chị trong thời gian đầu. Cùng với đó, các thành viên của từng Tổ hợp tác cũng cùng quản lý, kết nối, tạo điều kiện, chia sẻ “đơn hàng” và “thị trường” cho nhau.
“Nay, việc có thêm Tổ hợp tác thứ 3 với quy mô hoạt động rộng hơn, sẽ hỗ trợ thu gom rác tái chế ở nhiều phường xã ở xa, qua đó sẽ lan tỏa và thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và thu gom rác tái chế trên địa bàn toàn TP Huế. Ứng dụng di động mGreen dễ cài đặt, sử dụng được kỳ vọng sẽ được cộng đồng cư dân và chính quyền TP Huế đón nhận, góp phần vào chiến lược xây dựng đô thị xanh - thông minh của thành phố”, bà Thoa nói.
Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do WWF-NaUy tài trợ, thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và được UBND TP Huế tiếp nhận, nhằm mục tiêu hỗ trợ thành phố bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, thông qua một loạt các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương.