Sáng 10/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện tháng 4, 5 và 6/2025. Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt là vấn đề giáo dục, nhất là việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và chuẩn bị cho năm học mới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên họp. Ảnh: Quochoi.
Lo ngại về chất lượng đề thi tốt nghiệp THPT
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, thời gian qua, dư luận đã có nhiều phản ánh về độ khó của đề thi tốt nghiệp THPT ở một số môn học. Theo ông, đây là lần đầu tiên kỳ thi được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới, với sự song song tồn tại của nhiều bộ sách giáo khoa, dẫn đến sự chênh lệch nhất định về mức độ tiếp cận kiến thức giữa các địa phương, nhà trường và học sinh.
"Đề thi năm nay có xu hướng thiên về thực tiễn, nhưng thời lượng chương trình nhiều, trong khi học sinh chưa kịp thích nghi với phương pháp học và thi mới. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến điểm thi và kết quả xét tuyển đại học", ông Vinh phân tích.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Quochoi.
Từ thực tế trên, ông đề nghị các đề thi trong thời gian tới cần có tính phân loại cao, phù hợp với mục tiêu tuyển sinh, nhằm đảm bảo sự sàng lọc, tách bạch rõ ràng giữa các nhóm học sinh có năng lực khác nhau. “Không thể để tình trạng 'không phân loại được thì cứ xếp bằng với nhau'. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo ở bậc đại học và sau phổ thông”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội nhấn mạnh.
Giảm áp lực thi vào THPT bằng chính sách
Liên quan đến tuyển sinh vào lớp 10 THPT, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, đây cũng là nội dung cần được bàn thảo kỹ trong quá trình sửa đổi các đạo luật về giáo dục hiện hành như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp. Theo ông, nếu chính sách và pháp luật xử lý hợp lý từ gốc, đặc biệt trong việc phân luồng học sinh, phát triển hệ thống trường THPT nghề, thì áp lực thi cử sẽ giảm đi đáng kể.
“Việc phát triển hệ thống trường THPT nghề là hướng đi phù hợp để học sinh có thêm lựa chọn, phù hợp với khả năng và nhu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, cũng giảm tải cho hệ thống giáo dục phổ thông truyền thống”, ông Vinh phân tích.
Tán thành với những ý kiến của Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh, cho ý kiến về chuẩn bị cho năm học 2025–2026, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần chú ý đầy đủ đến các điều kiện cần thiết cho lễ khai giảng và hoạt động dạy, học. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Quốc hội vừa thông qua nghị quyết miễn và hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và người học chương trình giáo dục phổ thông trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
“Đây là một chủ trương rất lớn của Đảng, Nhà nước, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là niềm vui chung của các bậc phụ huynh trên cả nước”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính
Tại phiên họp, trình bày tóm tắt Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 4, 5 và 6/2025, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga cho biết, cử tri và Nhân dân cho rằng, thời gian qua Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính, nhất là việc triển khai khẩn trương, nghiêm túc các điều kiện phục vụ hoạt động của cấp ủy, chính quyền các xã (mới), tổ chức vận hành thử nghiệm hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã mới sau sắp xếp.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga. Ảnh: Quochoi.
Đây là những tiền đề quan trọng để sáng 30/6 trên địa bàn cả nước đồng loạt tổ chức Lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương về sáp nhập, thành lập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã được diễn ra trang trọng, nghiêm túc, đúng quy định.
“Lễ Công bố là sự kiện chính trị trọng đại, có tính lịch sử của đất nước, khi giang sơn sắp xếp lại không chỉ để gọn hơn mà còn để phát triển mạnh mẽ hơn. Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa chính trị, hành chính đặc biệt quan trọng mà còn thể hiện quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước trong việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; kết quả của sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; khẳng định tinh thần đổi mới, đoàn kết và thống nhất trong toàn quốc”, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát nhấn mạnh.
Cử tri cũng rất quan tâm đến việc triển khai và thực hiện 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị; hết sức quan tâm đến các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian qua. Cử tri cho rằng, các hoạt động này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, góp phần phát triển kinh tế của đất nước và tiếp tục lan tỏa, nâng cao hình ảnh về một Việt Nam thủy chung, nghĩa tình với các nước bạn bè truyền thống; đầy trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tạo thêm động lực, nguồn lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Cử tri và Nhân dân phản ánh một số tình trạng cần được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quan tâm, có giải pháp khắc phục hạn chế trong thời gian tới như: tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng; tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng; tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra như nhiều đợt mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ ở một số địa phương; việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân sẽ làm tăng chi phí sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.
Cùng với đó là, tình trạng cháy nổ vẫn diễn ra, nhiều vụ gây thiệt hại lớn về người và tài sản; tình hình đuối nước xảy ra vào mùa hè do nhu cầu vui chơi giải trí, đặc biệt là bơi lội của trẻ em và người lớn tăng lên; việc xác định nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp chia tách thửa đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật đất đai chưa phù hợp với thực tế…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Báo cáo công tác dân nguyện cần phải viết gọn hơn nữa, tập trung làm rõ những vấn đề nổi lên hiện nay, đưa ra những giải pháp để khi Chính phủ, bộ, ngành hoặc địa phương đọc báo cáo của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát sẽ thấy ngay “rút ra những kinh nghiệm nào”, “nhìn ra những việc gì cần triển khai trong thời gian tới”.