| Hotline: 0983.970.780

Cần có quỹ dự phòng dinh dưỡng khẩn cấp trong tình huống thiên tai

Thứ Hai 28/04/2025 , 16:13 (GMT+7)

Một trong những giải pháp hỗ trợ dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp là tăng cường dự trữ lương thực, thực phẩm cứu trợ; tổ chức hệ thống giám sát dinh dưỡng khẩn cấp.

Ngày 28/4, tại TP Tuy Hòa, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường Phú Yên tổ chức hội thảo về ứng phó dinh dưỡng khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai (PCTT).

Lãnh đạo Cục Quản lý đê điều và PCTT, đại diện Cục Phòng bệnh (Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế) cùng đại diện Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam tham dự.

Đảm bảo dinh dưỡng khi thiên tai cô lập cộng đồng

Trong 2 ngày 28-29/4, hội thảo tập trung chia sẻ công tác PCTT tại khu vực duyên hải miền Trung; chính sách, kế hoạch can thiệp dinh dưỡng với một số loại hình thiên tai chủ yếu cũng như các giải pháp đảm bảo dinh dưỡng khi thiên tai gây cô lập kéo dài tại cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai - chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai - chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Kim Sơ.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCTT, biến đổi khí hậu cùng với sự ấm lên toàn cầu khiến cho tình hình thiên tai trên thế giới diễn ra ngày càng phức tạp với xu thế gia tăng cả tần suất và cường độ. Trong 5 năm gần đây, thế giới chứng kiến những trận thiên tai thảm khốc như động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, lũ lụt tại Trung Quốc, cháy rừng tại Hoa Kỳ, hay mưa lũ bất thường tại Tây Ban Nha.

Gần đây nhất, ngày 28/3/2025, một trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã xảy ra tại vùng Sagaing (Myanmar) gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản…

Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai cực đoan. Trong vòng 20 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm trên 300 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế từ 1-1,5% GDP.

Ứng phó dinh dưỡng trong PCTT là một vấn đề khá mới, song rất quan trọng, cần được quan tâm trong giai đoạn tới. Hoạt động này cũng là một trong những nội dung trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời triển khai thực hiện đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cần chính sách can thiệp dinh dưỡng khẩn cấp

Theo TS. Hoàng Thị Đức Ngàn, khoa Dinh dưỡng cộng đồng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có 4 nguyên tắc chính của ứng phó trong dinh dưỡng khẩn cấp, đó là: đảm bảo quyền con người (đảm bảo quyền của người dân, môi trường, gia đình, dân tộc, tôn giáo); không thiên vị (sự hỗ trợ tập trung vào nhóm dễ bị tổn thương nhất và có nhu cầu cao nhất); trung lập và độc lập.

TS. Hoàng Thị Đức Ngàn, khoa Dinh dưỡng cộng đồng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chia sẻ về 4 nguyên tắc chính của ứng phó trong dinh dưỡng khẩn cấp. Ảnh: Minh Phúc.

TS. Hoàng Thị Đức Ngàn, khoa Dinh dưỡng cộng đồng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chia sẻ về 4 nguyên tắc chính của ứng phó trong dinh dưỡng khẩn cấp. Ảnh: Minh Phúc.

Để có phương án hỗ trợ dinh dưỡng khẩn cấp hiệu quả, cần phải đặc biệt quan tâm đến công tác đánh giá thực địa thông qua việc xác định sự kiện thảm họa chính là gì? Vị trí ảnh hưởng - nơi người dân cần được hỗ trợ khẩn cấp? Các nguy cơ xảy ra đối với người dân, số thương vong? Trên cơ sở đó đưa ra các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp.

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Diễm - Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế - cho biết: Có 3 nhóm tình huống khẩn tác động đến dinh dưỡng, đó là: Thiên tai; dịch bệnh truyền nhiễm; xung đột, di dời chỗ ở, thiếu lương thực, mất an ninh lương thực... Do đặc điểm địa lý, Việt Nam là một trong 10 nước có số thảm họa tự nhiên nhiều nhất trên thế giới. Việt Nam chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai, trong đó bão, lũ lụt, sạt lở đất và hạn hán xảy ra với tần suất cao nhất, gây hậu quả nặng nề đối với sức khỏe, đời sống kinh tế và môi trường.

Một trong những giải pháp quan trọng để hỗ trợ dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp, đó là tăng cường dự trữ lương thực, thực phẩm cứu trợ; tổ chức hệ thống giám sát dinh dưỡng khẩn cấp; truyền thông nguy cơ dinh dưỡng và khôi phục. Cuối cùng là hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế.

Cũng theo TS.BS Nguyễn Thị Hồng Diễm, hiện nay Việt Nam chưa có chính sách riêng, rõ ràng về can thiệp dinh dưỡng khẩn cấp. Hệ thống cảnh báo sớm thiếu tính tích hợp giữa y tế - nông nghiệp - thiên tai - xã hội. Cơ chế điều phối liên ngành chưa hiệu quả. Thiếu công cụ giám sát dinh dưỡng khẩn cấp theo thời gian thực.

Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu và giám sát vi chất, tình trạng gầy còm, thấp còi ở vùng nguy cơ chưa đầy đủ và thiếu tích hợp dữ liệu với hệ thống quản lý thiên tai và xã hội. Năng lực chuyên môn về dinh dưỡng khẩn cấp còn hạn chế ở cấp tỉnh và huyện. Đồng thời, thiếu cán bộ có kỹ năng đánh giá nhanh và tổ chức cứu trợ lồng ghép dinh dưỡng.

Đề xuất xây dựng quỹ dự phòng dinh dưỡng khẩn cấp

Bài học then chốt được BS Diễm đưa ra là, cần xây dựng một khung chính sách hoặc chương trình quốc gia về dinh dưỡng khẩn cấp, lồng ghép vào Chiến lược dinh dưỡng quốc gia, Luật Phòng chống thiên tai, Chiến lược an sinh xã hội. Đồng thời, thành lập ban điều phối liên ngành về dinh dưỡng - y tế - xã hội - thiên tai với cơ chế phản ứng nhanh.

Chúng ta có thể học hỏi mô hình "điều phối cụm" của UNICEF, WHO. Bên cạnh đó, cần có quỹ dự phòng dinh dưỡng khẩn cấp quốc gia, phân bổ theo vùng nguy cơ thiên tai, dịch bệnh cao. Đầu tư xây dựng kho, chuỗi cung ứng RUTE, vitamin A, bộ kít sàng lọc dinh dưỡng nhanh.

Tại hội thảo này, có 8 tham luận được trình bày gồm: Đặc điểm thiên tai khu vực duyên hải miền Trung và công tác ứng phó; các cơ chế, chính sách về dinh dưỡng và nâng cao khả năng ứng phó dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp; hướng dẫn về dinh dưỡng trong PCTT; hệ thống ứng phó khẩn cấp tại Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm từ các đáp ứng khẩn cấp đã thực hiện; đánh giá trong tình huống khẩn cấp và ứng phó thiên tai; các can thiệp trong dinh dưỡng khẩn cấp và ứng phó thiên tai; hướng dẫn lập kế hoạch phòng, chống và ứng phó dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp…

Tham gia hội thảo có gần 50 cán bộ, công chức, viên chức đến từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Hội Chữ thập đỏ (tỉnh và cấp huyện), Hội Liên hiệp phụ nữ (tỉnh và cấp huyện), Hội Người cao tuổi tỉnh và Trung tâm Y tế cấp huyện.

Xem thêm
Rủ nhau đi mò trai bắt ốc, một học sinh lớp 7 đuối nước tử vong

QUẢNG NINH Trên địa bàn phường Vàng Danh (TP Uông Bí, Quảng Ninh) vừa xảy ra vụ đuối nước khiến một học sinh lớp 7 tử vong khi cùng nhóm bạn đi mò trai, bắt ốc.

Phú Thọ, vì sao người Mường ruồng bỏ nhà sàn?: [Bài 2] Cốt không hồn

Anh Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết trước năm 2000 gần như 100% người Mường trong xã đều ở nhà sàn.