Chiều 9/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cùng Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về dự thảo Nghị định quy định về quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm (CITES).
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, việc xây dựng một Nghị định mới tích hợp các quy định liên quan đến loài nguy cấp, quý, hiếm được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong công tác bảo tồn thiên nhiên, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nghe báo cáo về dự thảo Nghị định quy định về quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm (CITES). Ảnh: Khương Trung.
Với tinh thần rõ ràng, minh bạch, đơn giản hóa quy trình thủ tục, Nghị định lần này không chỉ thuận lợi cho tổ chức, cá nhân mà còn giúp các cơ quan nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý, thanh tra, kiểm tra.
Tích hợp hợp lý, loại trừ đúng chỗ
Trao đổi, thảo luận trong quá trình xây dựng Nghị định, các đại biểu tán thành việc thống nhất tích hợp các quy định trước đây vốn được phân tán tại hai luật: một bên quy định về “loài nguy cấp, quý, hiếm”, một bên là “loài nguy cấp, quý, hiếm ưu tiên bảo vệ”.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, thực chất đây là một nhóm đối tượng, nhưng do cách tiếp cận khác nhau nên trước kia tồn tại sự chồng chéo, thiếu nhất quán. Lần tích hợp này được đánh giá là cần thiết, hợp lý và là bước đi đúng hướng.
Tuy nhiên, để tránh mâu thuẫn với các luật chuyên ngành khác như Luật Thủy sản, Luật Trồng trọt hay Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật là những lĩnh vực đã có quy định rõ ràng, thì Nghị định cần xác định rành mạch phạm vi điều chỉnh.
Đồng thời, cần bổ sung điều khoản loại trừ áp dụng đối với các loài đã được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành nêu trên, nhằm tránh xung đột pháp lý và tăng tính minh bạch trong thực thi.
Chỉ một quy trình, một cơ quan, một bộ hồ sơ
Về nguyên tắc quản lý, một trong những kiến nghị quan trọng là: nếu cùng một đối tượng, cùng mục tiêu quản lý, thì chỉ nên có một quy trình duy nhất, thống nhất về nội dung và cơ quan xử lý. Đơn cử như nhóm loài nguy cấp, quý, hiếm và nhóm loài nguy cấp, quý, hiếm ưu tiên bảo vệ, về bản chất là một, nên cần một bộ hồ sơ, một quy trình và một cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Cùng với đó, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đưa ra quan điểm phát triển cần được đặt song hành với bảo tồn. Nhiều loài dù quý hiếm nhưng nếu được nhân giống thành công và đủ điều kiện, vẫn có thể đưa vào hoạt động kinh tế, thương mại hóa một cách hợp lý. Chẳng hạn, nếu trước đây chỉ có 200 cá thể, nhưng sau một thời gian đã nhân giống thành 500 cá thể thì việc cho phép khai thác, thương mại hóa một phần không chỉ không ảnh hưởng đến bảo tồn mà còn giúp nâng cao giá trị kinh tế, tạo động lực bảo vệ lâu dài.

Nguồn động vật tự nhiên ở Vĩnh Long trước đấy rất đa dạng, phong phú nhưng do tác động của nhiều yếu tố nên dần dà nhiều loài vắng bóng. Ảnh: Minh Đảm.
Đây là nguyên tắc kỹ thuật, nhưng rất nên được thể hiện cụ thể trong Nghị định để đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và khả thi trong áp dụng.
Phân quyền linh hoạt, giao đúng người, đúng việc
Về phân cấp, phân quyền, tinh thần chủ đạo là tăng tính chủ động, linh hoạt cho các cấp. Theo đó, từ Chính phủ có thể phân cấp cho Bộ trưởng; từ Bộ trưởng phân cấp tiếp cho Chủ tịch UBND các cấp.
Riêng việc ban hành danh mục loài, do đặc thù có thể xuất hiện những loài mới hoặc tiếp nhận từ hợp tác quốc tế, nên việc giao thẩm quyền cho Bộ trưởng sẽ phù hợp hơn là để Chính phủ hay Thủ tướng ban hành như trước.
Về mặt tổ chức thực hiện, nên mạnh dạn giao cho địa phương những nhiệm vụ cụ thể trong công tác bảo vệ, quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã và đang có đủ năng lực thực hiện tốt công tác này, nếu được phân quyền rõ ràng.
Cải cách thủ tục, cắt giảm chi phí và thời gian
Bám sát tinh thần của Nghị quyết 66, Nghị định cần cụ thể hóa các mục tiêu: giảm 30% thủ tục hành chính, 30% thời gian thực hiện và 30% chi phí tuân thủ. Không chỉ là con số trên giấy, việc cải cách này cần thể hiện bằng các bảng biểu so sánh cụ thể: quy trình cũ và mới, ai là người xử lý, mất bao lâu, tốn bao nhiêu chi phí…

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng Nghị định khi ban hành sẽ góp phần nâng cao năng lực bảo tồn, đồng thời mở ra không gian phát triển kinh tế sinh học và kinh tế tuần hoàn, góp phần phát triển bền vững. Ảnh: Khương Trung.
Chẳng hạn, nếu trước đây thủ tục do Bộ xử lý trong 30 ngày, thì nay giao về địa phương chỉ còn 20 ngày. Tính minh bạch và khả năng đo lường là điều kiện tiên quyết để cải cách thực chất.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, Nghị định mới không chỉ là một bước đi về mặt pháp lý, mà còn thể hiện cách tiếp cận hiện đại, thực tiễn và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Khi được ban hành và thực thi hiệu quả, Nghị định sẽ góp phần nâng cao năng lực bảo tồn, đồng thời mở ra không gian phát triển kinh tế sinh học và kinh tế tuần hoàn, đó là những trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước.