| Hotline: 0983.970.780

Hành động quyết liệt và đồng bộ để giữ vững thị trường sầu riêng

Thứ Năm 08/05/2025 , 13:53 (GMT+7)

Trước thực trạng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sụt giảm trong những tháng đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường họp bàn nhằm đưa ra các giải pháp giữ thị trường và nâng giá trị ngành hàng.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy họp bàn tháo gỡ khó khăn trước mắt và xây dựng nền tảng phát triển bền vững cho ngành hàng sầu riêng. Ảnh: Khương Trung.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy họp bàn tháo gỡ khó khăn trước mắt và xây dựng nền tảng phát triển bền vững cho ngành hàng sầu riêng. Ảnh: Khương Trung.

Sáng 8/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về thực trạng công tác quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và giải pháp tăng cường hoạt động xuất khẩu sầu riêng. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Hoàng Trung, cùng lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ.

Sầu riêng đang khẳng định vị thế là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực, đặc biệt với thị trường Trung Quốc vẫn giữ vai trò then chốt trong chiến lược phát triển của ngành hàng này. Giá trị gia tăng khi xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc cao gấp hơn hai lần so với tiêu thụ nội địa, đóng góp tích cực vào kim ngạch nông sản. Tuy nhiên, bên cạnh những con số tăng trưởng ấn tượng là những thách thức đang ngày một bộc lộ rõ nét.

Theo báo cáo, những tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt khoảng 20% kế hoạch đề ra. Hệ quả không chỉ khiến chỉ tiêu chung của toàn ngành bị ảnh hưởng, mà còn kéo giá sầu riêng trong nước xuống thấp, chỉ bằng một phần tư so với giá xuất khẩu.

Nguyên nhân được xác định không nằm ngoài những điểm đã tồn tại được chỉ ra như: thiếu cơ sở pháp lý và quy trình kiểm dịch rõ ràng; công tác quản lý nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm còn chậm chạp.

Việc cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và hệ thống phòng kiểm nghiệm vẫn chưa bắt kịp yêu cầu khắt khe từ phía bạn hàng Trung Quốc, là thị trường tiêu thụ lớn nhưng cũng đầy rủi ro nếu thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Sầu riêng đang khẳng định vị thế là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực, đặc biệt với thị trường Trung Quốc giữ vai trò then chốt trong chiến lược phát triển ngành hàng này. Ảnh: Khương Trung.

Sầu riêng đang khẳng định vị thế là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực, đặc biệt với thị trường Trung Quốc giữ vai trò then chốt trong chiến lược phát triển ngành hàng này. Ảnh: Khương Trung.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy trên cơ sở các ý kiến của các cơ quan chuyên môn, đã đưa ra hàng loạt giải pháp mang tính đồng bộ, nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt và xây dựng nền tảng phát triển bền vững cho ngành hàng sầu riêng.

Về ngắn hạn, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan Trung Quốc để xử lý các vướng mắc liên quan đến những yếu tố kỹ thuật đang cản trở đáng kể dòng chảy xuất khẩu. Đồng thời, Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và các phòng thí nghiệm phục vụ xuất khẩu.

Quy trình kiểm dịch thực vật cho sầu riêng sẽ được khẩn trương ban hành, làm cơ sở đánh giá lại khả năng xuất khẩu trong năm 2025 và điều chỉnh kế hoạch phù hợp với thực tiễn.

Về dài hạn, Bộ trưởng đề nghị trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý xuất khẩu nông sản, với quy định cụ thể hơn về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, và kiểm nghiệm, giám định…

Cùng với đó là việc xây dựng, chuẩn hóa hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật từ sản xuất, thu hoạch, chế biến đến xuất khẩu. Bộ cũng xác định tái cơ cấu ngành sầu riêng theo hướng bền vững là yêu cầu cấp thiết.

Bộ trưởng cũng đề nghị cần khuyến khích phát triển các dòng sản phẩm chế biến sâu, nhất là sầu riêng đông lạnh, để nâng cao giá trị gia tăng và giảm lệ thuộc vào thị trường tươi.

Để hiện thực hóa các giải pháp nêu trên, một số nhiệm vụ trọng tâm đang được Bộ trưởng đề nghị triển khai ngay, đó là: Xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn quy trình, thủ tục cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; Thiết lập chương trình kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng xuất khẩu.

Bộ trưởng cũng đề nghị cần tổ chức hội nghị chuyên đề với doanh nghiệp và các địa phương trọng điểm để thống nhất phương án hành động.

Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chuyên môn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, nội dung và chương trình để báo cáo các cấp lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cho chuyến công tác sắp tới của đoàn Bộ sang Trung Quốc trao đổi về các chương trình hợp tác toàn diện trong lĩnh vực Nông nghiệp và Môi trường.

Trước bối cảnh thị trường nhiều biến động, việc giữ vững vị thế sầu riêng Việt Nam không thể chỉ dựa vào sự tăng trưởng nóng mà cần nền tảng pháp lý vững chắc, tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ và một hệ thống quản lý chủ động, minh bạch.

Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chuyên môn phải nỗ lực hơn nữa cùng đồng hành cùng doanh nghiệp, sát cánh với địa phương, phối hợp cùng các cơ quan liên quan để bảo vệ thị trường, nâng cao giá trị và từng bước xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên bản đồ nông sản thế giới.

Theo các số liệu ước tính, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt khoảng 120-130 triệu USD, với khối lượng xuất khẩu ước tính 35.000 tấn.

Xem thêm
Đề xuất cán bộ, công chức được tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung cán bộ, công chức, viên chức vào diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm quyền lợi trong bối cảnh tinh giản biên chế.