“Việc xây dựng văn kiện Đại hội lần thứ nhất của Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường không chỉ là một nhiệm vụ hành chính, mà còn là quá trình mang tính chiến lược, thể hiện trí tuệ tập thể, tinh thần trách nhiệm và khát vọng phát triển của toàn ngành.”
Phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Nông nghiệp và Môi trường lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030 sáng 7/5, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Bí thư Đảng ủy Bộ, nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của công tác xây dựng văn kiện lần này.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban văn kiện đại hội đại biểu Đảng bộ Nông nghiệp và Môi trường lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030. Ảnh: Khương Trung.
Nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng
Phiên họp được đánh giá là bước khởi đầu quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển mới của Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sau khi được thành lập theo quyết định của Chính phủ vào tháng 2 năm 2025. Một trong những nội dung trọng tâm được thảo luận là xây dựng Báo cáo chính trị và Nghị quyết Đại hội, những văn kiện có tính định hướng cho toàn bộ nhiệm kỳ tới.
Bộ trưởng ghi nhận tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương và hiệu quả của Tổ Biên tập và Tiểu ban Văn kiện. Các nhóm công tác đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, thể hiện rõ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chuyên môn và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ.
Tính đến thời điểm hiện tại, dữ liệu phục vụ việc xây dựng báo cáo được đánh giá là khá đầy đủ. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, thách thức lớn nhất không nằm ở lượng thông tin, mà ở cách tổ chức, chọn lọc và cô đọng nội dung để mỗi câu chữ đều “đắt giá”, phản ánh đúng và trúng thông điệp cốt lõi.
Đáng chú ý, với sự tham gia đóng góp ý kiến từ 30 đơn vị chuyên ngành, nguy cơ dàn trải và thiếu điểm nhấn là điều không thể xem nhẹ. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải tinh gọn, đảm bảo dung lượng vừa phải nhưng hàm lượng thông tin cao, đồng thời dễ triển khai trong thực tiễn.
Định vị rõ chiến lược ngành
Từ những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng đề nghị văn kiện cần tập trung đánh giá toàn diện kết quả nhiệm kỳ vừa qua, làm rõ các quan điểm, mục tiêu, nhóm giải pháp trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược.
Bố cục văn kiện dự kiến gồm bốn phần chính. Thứ nhất là đánh giá kết quả nhiệm kỳ qua, bám sát chỉ tiêu và các lĩnh vực chuyên ngành. Thứ hai là chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân – cả khách quan lẫn chủ quan. Thứ ba là đúc kết bài học kinh nghiệm từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Và cuối cùng, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho nhiệm kỳ tới, thể hiện rõ tầm nhìn, khát vọng phát triển và tính khả thi.
Một điểm nhấn đặc biệt là các lĩnh vực khoa học – công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế sẽ được trình bày thành các phần độc lập, phản ánh vai trò liên ngành, bao trùm toàn bộ chiến lược phát triển của Bộ.
Trên nền tảng các nghị quyết lớn của Trung ương, Bộ trưởng đề nghị báo cáo chính trị cần cụ thể hóa các quan điểm phát triển phù hợp với đặc thù của ngành nông nghiệp, tài nguyên và môi trường. Trong đó, phát triển nông nghiệp hiện đại, đa giá trị, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới là trục xuyên suốt; cùng với đó là khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Mục tiêu rõ ràng – Chỉ tiêu cụ thể – Đột phá chiến lược
Về mục tiêu, Bộ trưởng nhấn mạnh cần tách bạch hai cấp độ: mục tiêu tổng quát mang tính định hướng dài hạn và hệ thống các chỉ tiêu cụ thể, có thể đo lường và so sánh. Trên cơ sở đó, báo cáo sẽ xác định rõ các khâu đột phá chiến lược mang tính đặc thù của ngành bên cạnh bốn đột phá chung của Trung ương.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kết luận phiên họp sáng 7/5. Ảnh: Khương Trung.
Cụ thể, đó là: Đột phá thể chế và chính sách quản lý tài nguyên; Đột phá về khoa học – công nghệ và chuyển đổi số trong nông nghiệp; Đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Đột phá về hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, các đề án quan trọng đã và đang triển khai cần được trình bày rõ tên gọi, mục tiêu, vai trò và tiến độ, nhằm tạo cơ sở vững chắc để hiện thực hóa trong nhiệm kỳ tới.
Một trong những gợi ý quan trọng từ Bộ trưởng là chủ đề của Đại hội cần được xây dựng xoay quanh ba trụ cột: truyền thống – trách nhiệm – khát vọng. Trong đó, phải thể hiện được sự tự hào về truyền thống ngành, quyết tâm vượt qua thách thức để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn 2045. “Chủ đề Đại hội có tầm cỡ sẽ là kim chỉ nam cho toàn bộ văn kiện và hành động sau đó”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh nội dung, yêu cầu về hình thức trình bày cũng được đặt ra rất cao. Văn kiện cần ngắn gọn, súc tích, có hệ thống luận điểm rõ ràng, thông điệp mạnh mẽ. Mỗi phần nên mở đầu bằng câu khái quát, kết thúc bằng thông điệp đúc kết. Các nhận định, đánh giá cần được củng cố bằng dữ liệu cụ thể, có cơ sở rõ ràng.
Chốt lại phiên họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định: Nếu thống nhất được tư duy, phương pháp và cách tiếp cận, chắc chắn văn kiện Đại hội lần này sẽ trở thành kim chỉ nam cho hành động của toàn ngành, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa mở ra tầm nhìn dài hạn, thể hiện đầy đủ trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng vươn xa của ngành Nông nghiệp và Môi trường trong giai đoạn phát triển mới.