Giá thuê bất động sản công nghiệp tăng 70%
Theo báo cáo “Tọa độ động lực công nghiệp toàn cầu 2025” của Cushman & Wakefield, trong vòng 6 năm qua, giá thuê kho xưởng công nghiệp tại Việt Nam thuộc nhóm cao nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Diễn biến này không chỉ cho thấy sức nóng ngày càng lớn của thị trường bất động sản công nghiệp trong nước, mà còn phản ánh bức tranh cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt trên bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giá thuê bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đã tăng tới 70% trong vòng 6 năm qua. Ảnh: Thục Vy.
Cụ thể, từ năm 2019 đến 2025, mức tăng giá thuê kho xưởng công nghiệp tại Việt Nam đạt khoảng 70%, chỉ đứng sau một số thị trường như Thổ Nhĩ Kỳ (90%) và Mỹ (57%). Đây là mức tăng vượt xa mức trung bình khu vực châu Á – Thái Bình Dương (25%), trong khi các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Thái Lan gần như không có nhiều biến động đáng kể.
Hiện giá thuê trung bình kho xưởng công nghiệp tại Hà Nội vào khoảng 5,3 USD/m²/tháng, tại TP.HCM là 4,9 USD/m²/tháng - vẫn ở ngưỡng được đánh giá là “cạnh tranh toàn cầu”, nhưng đã tăng rõ rệt so với mặt bằng chung vài năm trước.
Theo nhận định của các chuyên gia, đà tăng giá đến từ lực hút FDI mạnh mẽ và chỉ số sản xuất công nghiệp cải thiện ổn định. Chỉ riêng quý I/2025, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 11 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dòng vốn FDI vào bất động sản đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng vọt 46%, chủ yếu chảy vào các khu công nghiệp, kho vận hiện đại.
Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao CBRE Hà Nội cho biết: “Mức tăng giá thuê thể hiện rõ rệt trong quý I/2025. Cụ thể, tại miền Bắc, giá thuê kho xưởng xây sẵn tăng 2,3–2,6%, miền Nam tăng mạnh 7,6%; giá thuê đất công nghiệp tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên… tăng trung bình 3,7% so với cùng kỳ năm trước”.
Mặt bằng chi phí cạnh tranh
Mặc dù giá cho thuê tăng cao, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, mặt bằng chi phí của Việt Nam vẫn rất cạnh tranh so với các trung tâm sản xuất toàn cầu. Cụ thể, mức giá thuê kho xưởng trung bình tại Việt Nam dưới 5 USD/m²/tháng, ngang Ấn Độ, Thái Lan, Nigeria.
Trong đó, nguồn lao động dồi dào và chi phí nhân công hợp lý là những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn địa điểm đặt cơ sở, cũng như chiến lược vận hành của doanh nghiệp. Chi phí lao động tại Việt Nam hiện chỉ bằng chưa đến 25% mức lương trung vị toàn cầu và nằm trong nhóm có chi phí nhân công thấp nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục ghi điểm khi chi phí điện cho sản xuất công nghiệp thuộc nhóm thấp nhất toàn cầu, chỉ cao hơn Indonesia và Nigeria.
Bà Trang Bùi - Tổng Giám Đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định: Sự kết hợp của ba yếu tố chi phí cốt lõi lao động, điện năng và giá thuê bất động sản đã giúp Việt Nam trở thành một tọa độ đầu tư hấp dẫn trên bản đồ công nghiệp toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và logistics.
“Các nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm kiếm quỹ đất, hợp tác với nhà phát triển nội địa hoặc thuê lại tài sản hiện hữu để nhanh chóng triển khai hoạt động. Để tối ưu hiệu quả sản xuất, tìm nguồn cung và phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược bất động sản phù hợp, gắn liền với mục tiêu vận hành dài hạn”, bà Trang Bùi nhấn mạnh.
Theo bà Trang Bùi, giai đoạn 2025–2027 sẽ là thời điểm then chốt của bất động sản công nghiệp Việt Nam, với nhu cầu tăng cao đến từ thương mại điện tử bùng nổ, phân phối bán lẻ đa kênh và các ngành công nghệ cao, sản xuất chất bán dẫn và ô tô điện. Tuy nhiên, chỉ những doanh nghiệp biết tận dụng thời cơ, quản trị rủi ro và đầu tư bài bản mới có thể đứng vững trước những biến động đang đến gần.