Ngày 30/4, khi những chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, khi khúc ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” vang lên khắp phố phường, đó không chỉ là một mốc lịch sử quan trọng của đất nước, mà còn là khoảnh khắc trọng đại trong lòng những người đã và đang trải qua cuộc chiến ấy. Trong đó, bà Đặng Thị Thiệp (tên thật là Đặng Thị Tuyết Mai) và con trai bà, ông Trần Kiến Xương, là những nhân chứng sống, mang trong mình ký ức về một thời kỳ gian khổ nhưng cũng đầy tự hào.

Phóng viên báo Nông Nghiệp và Môi Trường đã có dịp gặp bà Đặng Thị Thiệp (trái) vợ của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai - chiến sĩ biệt động nổi danh với các bí danh Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm USOM. Ảnh: Trần Phi.
Ở tuổi 80, bà Đặng Thị Thiệp hiện sống bình dị trong một căn nhà nhỏ ở TP.HCM. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau vẻ ngoài khiêm nhường ấy là một người phụ nữ đã từng nén mọi tổn thương, nuốt nước mắt để gìn giữ bí mật cách mạng, bảo vệ người chồng đang thực hiện nhiệm vụ đặc biệt ngay giữa lòng Sài Gòn.
Bà Thiệp là vợ thứ hai của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai - chiến sĩ biệt động nổi danh với các bí danh Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm USOM. Suốt hơn bảy năm, bà Thiệp sống dưới vỏ bọc “vợ bé”, chịu đựng bao lời đàm tiếu, bị hàng xóm coi khinh, thậm chí từng bị vợ của sĩ quan chế độ cũ hành hung, giật đồ.
“Lúc đó, tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất: nếu mình để lộ điều gì, không chỉ ảnh hưởng đến anh Lai mà còn nguy hiểm cho cả lực lượng. Tôi chọn nhẫn nhịn để giữ an toàn cho chồng và cho cách mạng,” bà Thiệp kể, giọng trầm lặng nhưng ánh lên niềm tự hào vô bờ. Đó là sự hy sinh thầm lặng của một người phụ nữ làm hậu phương vững chắc cho người chồng đang làm nhiệm vụ biệt động, đối mặt với hiểm nguy rình rập hàng ngày.
Ngày 30/4/1975, khi những chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, bà Thiệp như được sống lại. “Tôi mở toang cánh cửa, nhìn mọi người hân hoan mà nước mắt trào ra. Lần đầu tiên sau bao năm tôi được ngẩng cao đầu. Tôi nói với xóm giềng: Tôi không phải vợ bé. Tôi là vợ của chiến sĩ biệt động Sài Gòn,” bà xúc động nhớ lại.
Lớn lên trong một gia đình đặc biệt, ông Trần Kiến Xương - con trai của bà Đặng Thị Thiệp và ông Trần Văn Lai đã chứng kiến những năm tháng gian truân mà mẹ mình phải chịu đựng, cùng với sự bặt vô âm tín rồi bất ngờ trở về đầy bí ẩn của cha. Khi còn nhỏ, ông không hiểu vì sao gia đình mình lại không thể công khai như bao gia đình khác. “Khi ấy, tôi chỉ biết mẹ tôi rất mạnh mẽ, nhưng không hề biết mẹ đã hy sinh nhiều đến thế,” ông Xương chia sẻ.
Theo thời gian, ông nhận ra rằng chính sự hy sinh thầm lặng của mẹ mới là điều cao cả nhất. Bà đã dành cả cuộc đời để giữ gìn những bí mật và bảo vệ gia đình, dù phải sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm và sự công nhận. Đó là một tình yêu vô bờ bến mà bà dành cho gia đình, cho đất nước và cho sự nghiệp cách mạng của người chồng. Những ký ức ấy đã theo ông suốt cuộc đời, trở thành nền tảng cho hành trình theo đuổi ngành luật, bảo vệ lẽ phải và công lý.

Bà Đặng Thị Thiệp (giữa), kể về những năm tháng che giấu cho Biệt động Sài Gòn. Ảnh: Trần Phi.
Ông Xương đã có gần 30 năm công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân và từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, từ Chánh Văn phòng Viện KSND TP.HCM, Phó Chánh Văn phòng Viện KSND Tối cao, đến Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam của Tòa án Nhân dân Tối cao. Dù đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp, đối với ông, điều quý giá nhất đối với ông vẫn là được kế thừa lý tưởng của cha - một chiến sĩ biệt động gan dạ, và tình yêu bền bỉ của mẹ - người phụ nữ đã giữ lửa cho gia đình suốt những năm tháng đầy thử thách.
Ông Xương cũng đã góp phần phục dựng lại các di tích lịch sử như hầm chứa vũ khí, hộp thư bí mật, căn nhà biệt động trên đường Trần Quang Khải… nhằm lưu giữ lại một phần lịch sử sống động giữa lòng Sài Gòn hoa lệ. Những công trình này không chỉ là chứng tích của một thời kỳ khốc liệt mà còn là cách ông và gia đình thể hiện lòng tri ân đối với những người đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Ngày 30/4 đối với bà Thiệp và ông Xương không chỉ là một cột mốc lịch sử, mà còn là động lực để họ sống đẹp trong hiện tại. Đó là ngày đất nước thống nhất, nhưng cũng là khởi đầu cho một thời kỳ mới - thời kỳ hòa bình, kiến thiết và phát triển. Đối với bà Thiệp, nếu không có chiến thắng ngày 30/4, không biết bao nhiêu gia đình như bà sẽ còn phải tiếp tục âm thầm chịu đựng.
“Cảm giác khi đó thật sự không thể diễn tả được. Nếu ngày ấy không có chiến thắng, không biết bao nhiêu gia đình như chúng tôi sẽ còn phải chịu đựng. Tôi cảm thấy tự hào vì đã làm được điều gì đó cho đất nước,” bà Thiệp nghẹn ngào nói.

Theo bà Đặng Thị Thiệp vào ngày 30/4/1975, khi những chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, bà Thiệp như được sống lại và nói với tất cả mọi người rằng: "Tôi là vợ của chiến sĩ biệt động Sài Gòn". Ảnh: Trần Phi.
Còn ông Xương thì tin rằng: “Không có chiến thắng nào bền vững bằng chiến thắng lòng người. Cha tôi giấu thân trong bóng tối để góp phần làm nên ánh sáng độc lập. Còn mẹ tôi - chính là ánh sáng ấm áp, giữ cho gia đình đứng vững giữa giông bão.” Đó là niềm tin vào những giá trị tinh thần bền vững mà mỗi người đều có thể đóng góp để xây dựng một xã hội công bằng, văn minh.
Ký ức về ngày 30/4 không chỉ sống trong sử sách hay những bộ phim tài liệu mà còn hiện hữu trong từng câu chuyện đời thường - những ký ức của các nhân chứng sống như bà Thiệp và ông Xương. Mỗi chi tiết dù nhỏ, như chiếc khăn, đôi dép cao su, hay căn nhà biệt động cũ kỹ đều mang trong mình một phần máu thịt của cả dân tộc. Những gì bà Thiệp và ông Xương trải qua không phải là những câu chuyện bi hùng, mà là những câu chuyện giản dị, chân thành, đậm đà tình người.

Bà Thiệp và ông Xương - những người đã góp một phần đời, một phần máu và nước mắt cho sự thống nhất của Tổ quốc. Ảnh: NVCC.
Hôm nay, khi bước chân trên những con phố Sài Gòn rợp sắc cờ đỏ, giữa âm vang “Giải phóng miền Nam” phát ra từ loa truyền thanh, trong lòng mỗi người vẫn dành góc nhỏ để tưởng nhớ đến những nhân chứng sống như bà Thiệp và ông Xương - những người đã hiến dâng một phần đời, cả máu và nước mắt cho sự thống nhất của Tổ quốc.
Câu chuyện của họ là minh chứng cho thấy rằng, mỗi dịp tháng Tư về không chỉ là kỷ niệm một chiến thắng, mà còn là dịp để ghi nhớ lòng dũng cảm, tình yêu thương và niềm tin vào một tương lai hòa bình.
“Mẹ tôi bảo, ngày đất nước thống nhất cũng là ngày mẹ được sống thật. Và tôi nghĩ, ký ức đẹp nhất là được làm con của những người yêu nước bằng trái tim, chứ không phải khẩu hiệu.” - Trần Kiến Xương.