| Hotline: 0983.970.780

Gửi về Quốc hội: Chạy ăn ở… xã Chúa Chổm

Thứ Năm 15/05/2008 , 07:00 (GMT+7)

Nuôi tôm bị lũ cuốn. Nuôi trâu bò thì chết vì rét. Nuôi lợn dính dịch "tai xanh". Trồng lúa thì lúa ngập lụt…Hậu quả là 100% hộ dân đều ôm nợ ngân hàng. Điều đó lý giải tại sao Quảng Phước, huyện Quảng Điền, TT-Huế còn được gọi bằng những cái tên khác: xã Chúa Chổm, xã nợ.

>>Gửi về Quốc hội: Xã có tới 95% hộ đói!

>>Gửi về Quốc hội: Sơn Động đói!

"Triệu phú" chạy ăn từng bữa

Về xã “Chúa Chổm” mùa giáp hạt mới thấy hết sự bi đát của người nông dân. Làng xóm tiêu điều xơ xác, những con đường rải vôi trắng xoá minh chứng rằng đây là vùng bị dịch "tai xanh" tàn phá nhiều nhất tỉnh. Thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những người nông dân kéo lợn đi chôn. Vào nhà nào, ngồi nơi đâu cũng nghe phàn nàn chuyện đói và nợ. Thiếu ăn đã bao trùm lên Quảng Phước.

Đã từ lâu gia đình ông Thê chỉ ăn mỗi ngày một bữa

Dưới con kênh cạnh đường, một đôi vợ chồng già đang mày mò thả lưới. Hỏi chuyện mới biết ông là Lê Đình Diệp, 76 tuổi, thôn Thủ Lễ. Cảnh ‘thiếu ăn truyền kiếp” nên mặc dù đã già nhưng ngày ngày hai ông bà vẫn phải rong ruổi kiếm sống. Cùng cảnh ngộ là hộ ông bà Đặng Thê- Hoàng Du ở thôn Mai Dương. Đã từ nhiều năm nay, gia đình này luôn sống trong cảnh “thiếu ăn nhưng thừa nợ”. Trông vào tôm thì tôm chết, trông vào lợn thì lợn bị “tai xanh”, toàn bộ lúa gạo thu hoạch được từ 4,5 sào vụ trước thì đã hết sạch sành sanh từ…năm ngoái. Lúa năm nay lại ngập, thành ra “bữa rau bữa cháo” đối với gia đình ông là chuyện thường ngày.

“Người ta nói “lá lành đùm lá rách” nhưng ở xã này ai cũng “rách” cả thành ra cứ đến mùa này lại…đói. Nhà nào nhà nấy đều phải chạy ăn, chẳng ai nhờ được ai. Nhiều nhà phải bán lúa non để lấy tiền mua gạo nấu cháo húp qua ngày. "Nhà tôi cũng bán hơn 1 sào rồi”, ông Thê cay đắng. Rồi những ông Phúng, ông Thông ở Thủ Lễ, ông Tuấn, ông Định ở Khuông Phò...họ đã từng là những triệu phú nuôi tôm, ông chủ nuôi lợn nhưng bây giờ cũng tất bật chạy ăn từng bữa.

Cũng chính vì nợ và đói mà 7 đứa con ông phải bỏ học giữa chừng. Ngay cả cô con gái Đặng Phước Tuý dù học rất khá và đã đậu đại học cũng đành từ bỏ giấc mơ bước chân vào giảng đường. Trong căn lều dột nát, chật chội, không khí não nề bao trùm lên bữa ăn của gia đình. Hiện số nợ ông bà đang gánh rất kinh hoàng: xấp xỉ 200 triệu đồng. “Cứ nghĩ đến nợ là tui trào nước mắt. Toàn bộ đều đầu tư vào nuôi tôm, nuôi lợn. Mà không riêng chi gia đình tui, dân xã này phần lớn đều bị con tôm, con lợn vật chết”.

Nhớ lại, những năm 1993 dân Quảng Phước ồ ạt rủ nhau vay tiền ngân hàng đổ vào hồ ao. Khí thế cứ hừng hực như làm đại công trình thuỷ nông Bắc Hưng Hải. Nhưng rồi thiên tai, dịch bệnh đã đẩy người dân vào họ hàng nhà Chúa Chổm. Nhà nào ít thì nợ 20-30 triệu, nhà nhiều cỡ như ông bà Đặng Thê- Hoàng Du tới hơn 200 triệu đồng. Tổng số nợ ngân hàng của cả 315 hộ dân xã Quảng Phước khoảng…23 tỷ đồng.

Nợ và đói "trói" nông dân

Đối mặt với cái đói đã khốn đốn, thêm vào đó tiền lãi suất ngân hàng sinh ra từ số nợ khổng lồ ngày một tăng khiến dân Quảng Phước chỉ biết ngước mặt kêu trời.

Đã hơn một năm nay, ông Thê không thể trả tiền lãi cho ngân hàng. Cứ đến thời hạn ông lại “sơ tán” vợ con ra ngoài căn chòi chật hẹp ở hồ nuôi tôm. Còn ông ngày ngày rong ruổi bắt tôm bắt tép, chỉ chờ đêm khuya mới dám ghé qua nhà. Thành ra lần nào người của ngân hàng về thu tiền lãi ông cũng tránh được. “Ăn còn không đủ thì lấy đâu ra tiền mà trả lãi. Tính sơ sơ mỗi tháng gần 5 triệu đồng mà thu nhập một ngày của cả hai vợ chồng chưa đầy 50 ngàn. Thành thử ông ấy đưa vợ con ra ngoài này trốn, đến đâu thì đến”- bà Du nói.

Ngoài 70 tuổi nhưng ngày ngày hai vợ chồng ông Lê Đình Diệp vẫn phải chài lưới kiếm sống

Không chỉ hộ ông Thê mà nhiều gia đình khác ở Quảng Phước khi được hỏi về số nợ lơ lửng trên đầu đều ngao ngán: “Tiền lãi còn không trả nổi huống hồ gốc. Chắc là phải chờ đến…kiếp sau”. Từ mấy tháng nay anh Nguyễn Đình Thắng ở Mai Dương như người mất trí. Ngày ngày đập phá, chửi bới, kêu trời. Số tiền nợ hơn trăm triệu đồng, lãi mẹ đẻ lãi con cũng gần gấp đôi số đó. Trong khi nguồn thu chính của gia đình chỉ là con tôm con tép. Gạo trong nhà đã hết, chị Hà vợ anh lại phải tất tả chạy về nhà mẹ đẻ giật tạm bất kể cái gì có thể cho vào mồm. “Lâu rồi cả nhà tui mỗi ngày chỉ được ăn một bữa. Mấy đứa trẻ không chịu đến trường vì đói”- chị Hà, vợ anh chua xót.

Ông Lê Đức Ưa, Chủ tịch UBND xã Quảng Phước: “Với tình hình hiện tại thì 100% hộ dân trong xã không thể trả nổi nợ cho ngân hàng. Số lãnh đạo, cán bộ xã mắc nợ cũng hàng chục người. Làm cái gì mất cái đó. Anh bảo lấy đâu ra mà trả”. Ngay bản thân ông Ưa là cũng lao đao vì nợ.Thành ra ở UBND xã Quảng Phước có nhiều cán bộ không biết mặt mũi đồng lương ra sao. “Cứ đến kỳ nhận luơng là ngân hàng họ thu lãi. Nhưng cũng may còn có đồng lương mà trả chứ không thì nguy”- ông Ưa tâm sự.

Xem thêm
Nước sạch đổi màu, dân nghi ngờ chất lượng, công ty nói xả cặn

Trà Vinh Nhiều hộ dân cho biết nước sinh hoạt thường xuyên đổi màu, trong khi đại diện công ty cấp nước khẳng định nguyên nhân là do quá trình xả cặn định kỳ đường ống.

Bình luận mới nhất