| Hotline: 0983.970.780

70 năm tập kết ra Bắc, chiều dài ký ức thiêng liêng

Thứ Bảy 17/05/2025 , 10:13 (GMT+7)

Lễ kỷ niệm 70 năm chuyển quân tập kết ra Bắc của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam diễn ra tại Quy Nhơn vào tối 16/5 dạt dào cảm xúc…

Tham dự lễ kỷ niệm có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước; ông Ngô Đông Hải, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo; Trung tướng Nguyễn Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng…

Chương trình nghệ thuật trong lễ kỷ niệm 70 năm chuyển quân tập kết ra Bắc của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam. Ảnh: V.Đ.T.

Chương trình nghệ thuật trong lễ kỷ niệm 70 năm chuyển quân tập kết ra Bắc của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam. Ảnh: V.Đ.T.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cho hay: Với vị trí chiến lược quan trọng là cửa ngõ nối liền khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, cảng Quy Nhơn (Bình Định) được Trung ương Đảng chọn là một trong những khu vực chính có 300 ngày để tập kết, chuyển quân, cán bộ, học sinh và đồng bào ở miền Trung và Tây Nguyên ra miền Bắc. Đây vừa là vinh dự lớn lao, vừa là trách nhiệm nặng nề mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng giao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định đã đón nhận sứ mệnh lịch sử được Đảng và Bác Hồ giao cho bằng tất cả trách nhiệm, quyết tâm cao nhất. Bình Định đã triển khai nhiệm vụ một cách chủ động, bài bản, toàn diện, khoa học; từ công tác lập kế hoạch, tổ chức triển khai, phối hợp đảm bảo hậu cần, thông tin liên lạc, y tế, vận tải… đến công tác đảm bảo bí mật, giữ an toàn tuyệt đối cho lực lượng chuyển quân…

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: V.Đ.T.

Tỉnh ủy Bình Định đã mở hai đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng cho đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân; thành lập các phái đoàn, tổ chức cuộc họp đặc biệt để phổ biến tình hình, chủ trương của Đảng, Chính phủ, Mặt trận và triển khai nhiệm vụ mới trước bước ngoặt lịch sử của đất nước; qua đó, bồi đắp thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, vào thắng lợi của cuộc đấu tranh mới; động viên người đi tập kết phấn khởi nhận nhiệm vụ lên đường, người ở lại sẵn sàng với những khó khăn thách thức, vượt lên trên tất cả là mục tiêu thống nhất nước nhà.

“Trải qua 300 ngày lịch sử, Đảng bộ và nhân dân Bình Định đã đoàn kết, đồng lòng, vượt qua bao khó khăn, thử thách, tổ chức đón tiếp, giúp đỡ, tiễn đưa hơn 20.000  cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh từ các tỉnh, thành trong khu vực tập kết ra Bắc theo kế hoạch; đảm bảo an toàn, kể cả trong bối cảnh Trung ương cho mở rộng diện đối tượng được tập kết đến cán bộ xã, thôn sau các vụ thảm sát ở Phú Yên, Quảng Nam vào tháng 9/1954, góp phần vào thành công chung của nhiệm vụ tập kết chuyển quân ra miền Bắc”, ông Hồ Quốc Dũng cho biết.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, cho rằng: Sau khi tập kết ra Bắc, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam của tỉnh Bình Định nói riêng và của Liên khu V nói chung đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập, lao động, sản xuất, đóng góp công sức của mình vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: V.Đ.T.

Nhiều đồng bào, cán bộ, học sinh sau khi học tập, rèn luyện đã trở về quê hương, kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội chiến đấu để giải phóng tỉnh Bình Định, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều thế hệ con em học sinh được Đảng, nhà nước đào tạo, trong đó nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và các địa phương; các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, các nhà giáo, bác sĩ, nhà khoa học, các doanh nhân thành đạt, các văn nghệ sĩ tên tuổi… đã và đang cống hiến cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“70 năm trôi qua, kể từ sự kiện cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn, cũng là ngần ấy năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định ra sức xây dựng và phát triển tỉnh nhà”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận.

Ông Trần Liên Hỷ, năm nay tròn 80 tuổi, hiện ở thành phố Quy Nhơn cho hay: Năm 1955, ông cùng hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, thực hiện theo Hiệp định Giơnevơ, chờ ngày thống nhất đất nước. Sau ngày giải phóng, ông Hỷ tiếp tục công tác trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Lãnh đạo thành phố Quy Nhơn (Bình Định) đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia cảng Quy Nhơn, địa điểm 300 ngày tập kết ra Bắc. Ảnh: V.Đ.T.

Lãnh đạo thành phố Quy Nhơn (Bình Định) đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia cảng Quy Nhơn, địa điểm 300 ngày tập kết ra Bắc. Ảnh: V.Đ.T.

Ngày đi tập kết, ông Hỷ mới 10 tuổi, là học sinh tiểu học, nhưng ông đã lựa chọn rời quê hương, xa gia đình để ra Bắc học tập, tiếp tục đóng góp cho cuộc kháng chiến lâu dài. Khi ra đi, ông Hỷ tin chắc một điều: Sự ra đi hôm nay chỉ là tạm thời chia cắt để rồi thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà.

Ông Hỷ nhớ lại: Từ Quy Nhơn, chúng tôi vượt biển ra Bắc, rồi được đưa về các trường học ở Thanh Hóa, Hà Nội, Nam Định... Ở đó, chúng tôi tiếp tục được học văn hóa, được rèn luyện lý tưởng, để sau này phục vụ cho công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Có những người bạn học cùng tôi năm ấy sau này trở thành những anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; cũng có người đã ngã xuống tại chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; có người khi trở lại, mái tóc đã bạc trắng, cha mẹ, làng xóm chỉ còn trong ký ức.

“Là một trong những người may mắn trở về, chúng tôi nhận thức rằng đây là một phần ký ức thiêng liêng không thể nào quên của thời tuổi trẻ đáng tự hào. Thế hệ chúng tôi, những cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam tập kết năm xưa, giờ đây tóc đã bạc, lưng đã còng, người còn, người mất, nhưng chúng tôi chưa bao giờ ngừng tin tưởng và hy vọng. Được rèn luyện, thử thách trong khói lửa chiến tranh, hơn ai hết, mỗi người chúng tôi luôn hiểu rất rõ giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, thành quả cách mạng đã được đánh đổi bằng sự hy sinh xương máu của bao thế hệ đồng bào, chiến sĩ và chính bản thân mình mới có được ngày hôm nay”, ông Trần Liên Hỷ chia sẻ.

Xem thêm
Hiệu quả từ xóa nhà tạm, dột nát ở huyện vùng cao Quảng Ngãi

Các địa phương vùng cao ở Quảng Ngãi đã có cách làm hay, sáng tạo, vừa ngăn được tình trạng phá rừng làm nhà, vừa sớm về đích xóa nhà tạm.

Chuyện đất công, đất tư và kinh tế tư nhân

Đọc loạt bài 'Nỗi đau của đất' trên Báo Nông nghiệp và Môi trường, GS Đặng Hùng Võ ngẫm ngợi: Suy cho cùng những nhọc nhằn từ đất là do pháp luật còn khoảng trống.