Thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp và cực đoan của thời tiết do tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh Yên Bái đã ban hành phương án ứng phó thiên tai năm 2025 với cách tiếp cận toàn diện, khoa học, bám sát thực tiễn và theo từng cấp độ rủi ro. Phương án thể hiện sự chủ động của tỉnh trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, đặt con người và sự an toàn của cộng đồng là trung tâm.

Yên Bái là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng do thiên tai gây ra. Ảnh: Thanh Ngà.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Yên Bái, thiên tai tại địa phương có xu hướng gia tăng về cường độ, tần suất, diễn biến bất thường và mức độ nguy hiểm. Trong nhiều năm qua, tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, lốc, sét, mưa đá, hạn hán, rét đậm, rét hại… Các loại hình thiên tai này không chỉ gây thiệt hại lớn về người, tài sản và sản xuất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết cấu hạ tầng và môi trường sống của người dân.
Đặc biệt, năm 2025 dự báo có khoảng 5 - 6 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam, trong đó từ 2-3 cơn có khả năng tác động trực tiếp đến địa bàn tỉnh Yên Bái. Lũ, ngập lụt được xác định có cấp độ rủi ro cao nhất (cấp 4), trong khi các hình thái khác như: mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, cháy rừng... cũng được đánh giá ở cấp độ từ 1 đến 3.
Là tỉnh miền núi phía Bắc, địa hình Yên Bái bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi và hệ thống sông ngòi dày đặc, với nhiều khu vực dân cư sinh sống ven sông, suối, triền núi và vùng trũng thấp, những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở, ngập úng. Tỉnh có 30 dân tộc sinh sống, trong đó trên 57% là người dân tộc thiểu số. Trình độ dân trí không đồng đều, điều kiện sinh kế còn nhiều khó khăn.
Tính đến năm 2024, toàn tỉnh có hơn 19.000 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm hơn 8,6% tổng số hộ. Huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải là hai địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, lần lượt là 42,66% và trên 30%. Toàn tỉnh có hơn 200.000 người thuộc nhóm dễ bị tổn thương, gồm trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người khuyết tật, hộ nghèo, người không nơi nương tựa... Đây là nhóm đối tượng được đặc biệt quan tâm trong phương án phòng, chống thiên tai.
Hệ thống ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai
Phương án phòng, chống thiên tai của tỉnh được xây dựng theo từng cấp độ rủi ro (từ cấp 1 đến cấp 4) và theo từng loại hình thiên tai, đảm bảo phù hợp với điều kiện địa phương. Cơ chế chỉ đạo, chỉ huy được phân cấp rõ ràng từ tỉnh đến huyện và xã. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh là đơn vị chủ trì trong các tình huống rủi ro cấp 3 trở lên. Các sở ngành, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Môi trường, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được huy động phối hợp thực hiện.
Lực lượng tham gia ứng phó lên đến 40.000 – 60.000 người, gồm quân đội, công an, đoàn thanh niên, dân quân tự vệ và người dân tại chỗ. Phương tiện, vật tư, trang thiết bị và nhu yếu phẩm được chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm bốn tại chỗ. Các phương án sơ tán dân, cứu hộ cứu nạn, bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu cũng đã được xác lập chi tiết theo từng tình huống.
Yên Bái đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống thiên tai. Các hoạt động truyền thông, cảnh báo sớm, diễn tập thực hành tại cơ sở được tổ chức thường xuyên. Tỉnh cũng tích cực rà soát, thống kê các hộ dân trong vùng có nguy cơ cao để có phương án di dời kịp thời khi cần thiết.

Phương tiện, vật tư, trang thiết bị và nhu yếu phẩm được chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm bốn tại chỗ. Ảnh: Thanh Ngà.
Bên cạnh đó, việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu được đẩy mạnh. Những khu vực có nguy cơ cao được ưu tiên đầu tư công trình phòng hộ như kè chống sạt lở, hồ điều tiết, cống tiêu nước, đường tránh lũ…
Phương án năm 2025 cũng đề cập rõ các giải pháp phục hồi sau thiên tai, bao gồm cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ sản xuất, sửa chữa nhà ở, ổn định đời sống nhân dân. Các nhóm dễ tổn thương sẽ được hỗ trợ ưu tiên cả về vật chất lẫn tinh thần. Việc tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ, viện trợ quốc tế được quy định rõ ràng nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả. Đồng thời, tỉnh cũng thực hiện đánh giá thiệt hại, báo cáo kịp thời về Trung ương để xin hỗ trợ khi thiên tai vượt quá khả năng ứng phó.
Với tinh thần chủ động, toàn diện và lấy con người làm trung tâm, phương án ứng phó thiên tai năm 2025 của tỉnh Yên Bái không chỉ nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai mà còn là định hướng lâu dài giúp địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.