Mảnh đất ấy vốn là một phần của khu sản xuất gạch của xã. Khi những lò gạch không còn hoạt động nữa, xã bán cho các hộ dân làm đất ở. Thấy bảo Khê mua đất ấy với giá chỉ 200 ngàn đồng mỗi mét vuông. Thế mà thời đất đai đang lên cơn sốt, giá mỗi mét vuông vọt lên đến 15 triệu đồng.
Mảnh đất ấy vẫn được Khê cho một người làng thuê để làm xưởng sản xuất đồ mộc, còn gia đình hắn ở trong một ngôi nhà cấp bốn cách đó chừng trăm mét, được dựng trên một mảnh đất khoảng 300 m2, tuy nằm sâu trong ngõ, nhưng cũng là một mảnh đất khá đẹp. Trong cái làng Đại Hòa đất chật người đông này, có thể nói Khê là một người khá giàu, nếu xét về mặt đất đai.
Trước Tết Bính Thân chừng một tháng, Khê bỗng cho xây ở góc mảnh đất một cái miếu con, diện tích lòng miếu chỉ độ hai mét vuông, vừa đủ chỗ cho một cái bệ thờ.
Tuy nhỏ, nhưng miếu cũng được xây khá đẹp, mái lợp ngói mũi hài đỏ, trên nóc cũng có cả lưỡng long chầu nguyệt và rất nhiều họa tiết khác. Xây xong, hắn mời thầy về cúng. Lễ cúng khá hậu hĩnh, ngoài xôi, gà, hương, trầu, rượu và hoa quả, còn có đôi ngựa mã khá to cùng vô số tiền mã.
Thầy cúng, nghe đâu là một vị rất cao tay. Vì đất ở cạnh nhà tôi, nên khi tiếng chập cheng nổi lên, tôi tự hỏi: Hay là hắn xây nhà mới? Nhưng nếu xây nhà mới mà làm lễ động thổ, thì người ta chỉ đặt lễ vật trên đất để cúng, chứ sao phải xây hẳn một cái miếu lên rồi mới cúng?
Vì tính tò mò, tôi dạo sang chơi. Sang đến nơi thì phần đầu của bài cúng, gồm tên các vị thần thánh được mời về chứng giám và tên của gia chủ đã được thầy đọc xong, tôi chỉ nghe lõm bõm được phần giữa, thế này:
- …Vợ chồng lục đục, tài lộc ra đi, làm nhà nhà cháy, con cái ốm đau, học hành trắc trở, nuôi gà gà cúm, nuôi lợn lợn toi, trồng rau rau héo…
Nội dung lời khấn khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Thông thường, người ta cầu cúng trên đất là cầu cho những người sống trên đất ấy được mọi sự tốt lành, vợ chồng con cái hòa thuận, mạnh khỏe, đường công việc hanh thông, con cái học hành tiến bộ, nuôi lợn nuôi gà thì lợn gà sinh sôi nẩy nở, chứ sao lại cầu mong cho mọi thứ lụn bại, lụi tàn? Thôi chết, hay là hắn cầu cho nhà mình bị những chuyện đó? Nghĩ vậy, tôi đâm lo, nhưng vì đang khóa lễ của thầy, nên tôi không dám hỏi, đành chỉ biết đứng yên để xem.
Chưa hết khóa lễ tôi đã về nhà, mang theo điều thắc mắc không sao giải thích được ấy. Rồi bị công việc và chuyện tết nhất cuốn đi, tôi không để ý đến nữa. Nhưng mùng năm Tết Bính Thân, thấy Khê lại mời thầy đến, lại cúng và lại khấn như trên. Lần này thì không chịu nổi sự tò mò nữa, mùng sáu Tết, tôi dạo quanh làng, và cố ý rẽ vào nhà Khê chơi. Thấy tôi đến ngõ, hắn chạy ra, niềm nở:
- Chào bác, gớm quý hóa quá, mời bác vào uống với em chén rượu.
- Năm mới, tôi sang chúc cô chú và các cháu mạnh khỏe, hạnh phúc, làm ăn tấn tới bằng năm bằng mười năm ngoái. Còn rượu thì xin cô chú miễn cho. Tôi bị tiểu đường, thứ phải kiêng đầu tiên là rượu.
- Không sao bác ạ. Kiêng là kiêng cái chuyện uống nhiều, say sưa thôi, chứ một vài chén thì có ảnh hưởng gì. Với lại các cụ vẫn bảo sống chết có số còn gì. Trời đã cho bác sống đến chín mươi tuổi, thì đến năm tám mươi chín tuổi, dù có bị tiểu đường hay hàng trăm bệnh khác, bác cũng chưa được chết. Nào mời bác.
Phần vì sợ hắn phật lòng, phần vì để cho “có không khí” cho dễ hỏi cái điều thắc mắc của mình, nên tôi chấp nhận phá lệ. Nhấp một ngụm rượu, tôi hỏi hắn:
- Tôi có một điều thắc mắc, muốn hỏi chú.
- Có việc gì thế bác?
- Năm mới, lẽ ra không nên hỏi những chuyện này, nhưng mà không hỏi thì không yên lòng được. Đó là cái chuyện trước Tết với lại hôm qua, chú làm lễ ở mảnh đất nhà chú ấy mà. Thông thường thì người ta làm lễ là để cầu mong mọi chuyện tốt lành. Nhưng sao mà khi làm lễ ở đất nhà chú, thầy lại khấn toàn những chuyện kinh khủng thế?
- Có gì đâu bác. Nó là thế này: Cái mảnh đất ấy, em đã mang thế chấp để vay tiền ngân hàng. Vay được một tỷ tám, lãi suất một phần trăm.
Nhưng rồi em không trả được cả gốc lẫn lãi, giờ đã thành hơn hai tỷ rồi, nên bị ngân hàng siết mất. Vừa rồi ngân hàng mang đấu giá để thu hồi lại tiền, chỉ được có tám trăm triệu. Biết là lỗ to, nhưng ngân hàng cũng đành chấp nhận, vì giá đất lúc em vay khác, bây giờ khác. Người đấu trúng mảnh đất ấy là thằng Lâm, giáo viên cấp 2.
Thấy vậy, em bảo nó nhường lại cho em. Nếu nó đồng ý thì em chỉ mất có tám trăm triệu, mà xóa được món nợ trên hai tỷ, lại không mất đất. Nhưng thằng Lâm không nghe. Bực mình, em mới mời thầy đến làm lễ, yểm bùa, để nếu nó có làm nhà trên đất ấy thì vợ chồng lục đục, con cái ốm đau…
Cuối cùng nó sẽ không sống nổi, phải bán lại cho em. Mà có bán vào lúc đó, thì giá còn dưới tám trăm ấy chứ. Mà này, chuyện này em chỉ nói riêng với bác thôi đấy nhá.