Thuế carbon là mức phí mà quốc gia hoặc liên minh kinh tế như EU áp dụng đối với hàng hóa có lượng phát thải khí nhà kính cao trong quá trình sản xuất. Mục tiêu là buộc doanh nghiệp phải cắt giảm khí thải, sử dụng năng lượng sạch và minh bạch về chuỗi cung ứng. Từ năm 2026, EU sẽ tính thuế trực tiếp vào sản phẩm nhập khẩu, bắt đầu với các ngành như thép, xi măng, phân bón, nhôm và điện.

Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Ảnh: VITR.
Tại Tọa đàm “Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” do Tạp chí Công Thương phối hợp tổ chức ngày 5/6, ông Đặng Hải Dũng, Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) cho biết, một trong những thay đổi mang tính bước ngoặt thời gian tới là sự chuyển dịch từ các rào cản kỹ thuật sang rào cản thuế quan dựa trên phát thải.
“Chưa đầy 1 năm nữa, Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp thuế carbon, tính toán lượng phát thải ngay trên từng sản phẩm nhập khẩu”, ông nói.
Theo ông Dũng, khoảng 80% phát thải của một sản phẩm đến từ việc sử dụng năng lượng trong toàn bộ chuỗi sản xuất, từ khai thác đến chế biến. Điều này buộc doanh nghiệp Việt phải tái cấu trúc dây chuyền theo hướng tiết kiệm và hiệu quả nếu không muốn đánh mất lợi thế cạnh tranh.
Áp lực đang hiện hữu rõ nét ở các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, sắt thép, xi măng và thủy sản. Không chỉ chất lượng, đối tác quốc tế còn yêu cầu truy xuất nguồn gốc năng lượng. “Nước để tưới, điện để sấy phải đáp ứng tiêu chuẩn xanh”, ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh.
Ông Tuấn cho rằng “xanh hóa” phải bắt đầu từ nhận thức và hành động cụ thể, từ động cơ, đèn chiếu sáng đến lò nung. Đây không còn là một lựa chọn, mà là chiến lược sống còn.
Tuy nhiên, với hơn 90% doanh nghiệp Việt là nhỏ và vừa, rào cản lớn nhất vẫn là vốn, công nghệ và nhân lực. Để hỗ trợ, dự thảo Luật sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã đưa ra nhiều công cụ chính sách mới.

Các dây chuyền sản xuất phải tăng cường sử dụng nguồn năng lượng sạch hơn, ít phát thải hơn. Ảnh: minh họa.
Một trong số đó là mô hình Quỹ tiết kiệm năng lượng và cơ chế xã hội hóa nhằm hỗ trợ tài chính, bảo lãnh tín dụng, giảm lãi suất vay. Đồng thời, mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO), nơi doanh nghiệp có thể “thuê” giải pháp tiết kiệm năng lượng thay vì tự đầu tư toàn bộ, cũng đang được thúc đẩy.
“Đây là cách để doanh nghiệp nhỏ tiếp cận công nghệ mà không phải bỏ vốn lớn ban đầu”, ông Dũng nhìn nhận.
Ngoài ra, các quy định về dán nhãn năng lượng, kiểm soát tổn thất điện, đấu nối điện mặt trời cũng đang được rà soát để phù hợp thực tiễn hơn. Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, Tập đoàn đang cùng Bộ Công Thương đơn giản hóa thủ tục đấu nối điện tái tạo, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp kiểm toán năng lượng và tư vấn chuyển đổi phụ tải.
Theo ông Lâm, thách thức phát thải cũng là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu thị trường năng lượng, hình thành hệ sinh thái xanh toàn diện từ sản xuất đến tiêu dùng.
“Nếu được thông qua, Luật mới không chỉ giúp đảm bảo an ninh năng lượng, mà còn là điều kiện để Việt Nam giữ vững vị thế trên bản đồ thương mại toàn cầu, nơi tiêu chuẩn xanh đang dần trở thành mặc định”, ông nói.