| Hotline: 0983.970.780

Xử lý vụ nước tương có 3-MCPD: Bỏ quên trách nhiệm của Trưởng, phó Ban chỉ đạo VSATTP?!

Thứ Tư 24/10/2007 , 20:03 (GMT+7)

Sau thông tin BS Nguyễn Thế Dũng thôi giữ chức GĐ Sở Y tế TPHCM, dư luận đặt ra câu hỏi: Vai trò của PGĐ Sở Y tế-TS Lê Trường Giang-Phó Trưởng ban thường trực BCĐ liên ngành về chất lượng VSATTP TPHCM (Trưởng ban là một Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM) trong vụ nước tương có 3-MCPD ra sao? Để bạn đọc hình dung những “góc khuất” này, NNVN cung cấp thêm một số thông tin.

Biết nhưng không công bố

Sự thật đáng sợ về vụ nước tương có 3 MCPD

Trên thực tế, TS-BS. Lê Trường Giang là người được phân công trực tiếp phụ trách lĩnh vực VSATTP đã có đầy đủ các thông tin về tình hình nước tương có 3-MCPD trước khi dư luận xã hội đặt vấn đề về việc công bố danh sách các cơ sở sản xuất nước tương không đạt tiêu chuẩn 3-MCPD theo quy định của Bộ Y tế.

Những chứng cứ đã khẳng định rằng: Ông Lê Trường Giang đã thừa nhận khi kết thúc đợt thanh tra năm 2005, Thanh tra Sở đã có báo cáo miệng với BS Giang về tình hình sản xuất, lưu thông nước tương có hàm lượng 3-MCPD vượt quá quy định của Bộ Y tế. Ngoài Thanh tra Sở, Trung tâm Y tế Dự phòng cũng đã có công văn số 1574/YTDP/VSATTP ngày 28/12/2006 báo cáo sơ kết công tác kiểm tra VSATTP cơ sở sản xuất nước tương, tàu vị yểu năm 2006 cho BS Giang. Khi nhận được công văn này, BS Giang đã không đưa vào hệ thống quản lý công văn đến của Sở Y tế mà tự ý đưa thẳng cho Trưởng phòng Quản lý VSATTP và Chánh Thanh tra Sở Y tế, không báo cáo cho GĐ Sở Y tế.

Cũng chính ông Giang thừa nhận “Với trách nhiệm của mình tôi đã chấp thuận theo đề nghị của Trung tâm Y tế Dự phòng TP phối hợp với Viện Vệ sinh y tế công cộng tổ chức Hội thảo về công nghệ sản xuất nước chấm an toàn vào tháng 12/2006…Trong hội thảo, cả Trung tâm Y tế Dự phòng, Viện Vệ sinh y tế công cộng và GS Chu Phạm Ngọc Sơn cũng đã thông báo các số liệu thống kê về kết quả kiểm tra và kiểm nghiệm của các cơ sở trong thời gian qua…”. Mặt khác, trong công văn số 3002/SYT-Ttra ngày 28/5/2007 về việc báo cáo tình hình phát hiện và xử lý nước tương có chất 3-MCPD do BS. Lê Trường Giang tự soạn thảo và ký phát hành đã xác định đối tượng dự Hội thảo nước chấm an toàn là “các chuyên gia về VSATTP, chủ các cơ sở sản xuất nước chấm trên địa bàn thành phố”. 

Thực chất, những việc trên chỉ được lột tả khi dư luận xã hội quá bức xúc vì các thông tin về tình hình sản xuất, lưu thông nước tương có hàm lượng 3-MCPD gây ung thư được phát hiện từ năm 2005 mà Sở Y tế TPHCM không công bố, để mặc người dân tiêu thụ. Nhưng khi cộng đồng phẫn nộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã tìm mọi cách để kết luận việc không công bố thông tin về tình hình nước tương có 3-MCPD là do Đoàn Thanh tra Sở Y tế thành lập theo Quyết định thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành VSATTP TP số 587/SYT-QĐ ngày 11/8/2005 do GĐ Sở Y tế ký đã không có báo cáo kết quả cho Ban giám đốc Sở. Đây là việc gán ghép sai nguyên nhân. Cho nên, giờ này ai cũng thấy, nguyên Chánh thanh tra Sở Y tế Nguyễn Đức An bị cách chức, và GĐ Sở Y tế đã “an toạ" trước những câu hỏi còn bỏ dở: Trách nhiệm chính có thuộc về Trưởng, phó BCĐ VSATTP TPHCM hay không?!

Cố tình xác định sai nguyên nhân vi phạm?

Ngày 5/10/2007, chính Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM trả lời trên một tờ báo rằng “BS. Lê Trường Giang có biết về tồn dư chất 3-MCPD trong nước tương và với vai trò trách nhiệm của mình BS. Giang đã tổ chức hội thảo về vấn đề này và nhắc nhở Trung tâm Y tế Dự phòng cảnh báo cho doanh nghiệp”. Liệu có dũng cảm không khi một đảng viên được giao nhiệm vụ lãnh đạo công tác quản lý VSATTP lo cho cả chục triệu người mà khi biết “về tồn dư chất 3-MCPD trong nước tương” thì chỉ tổ chức hội thảo, cảnh báo cho DN, còn người dân thế nào thì mặc kệ?

Một điều mà NNVN từng phân tích, là chính BS. Lê Trường Giang không xin ý kiến BGĐ Sở (vi phạm nguyên tắc công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép), tự ký công văn số 4820/SYT-NVY ngày 17/10/2005 gia hạn việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm nước tương đến hết tháng 2/2006, trong khi Quyết định số 11/2005/QĐ-BYT ngày 25/03/2007 của Bộ Y tế về việc ban hành “Quy định về hàm lượng 3-MCPD trong nước tương, xì dầu, dầu hào” phải được cụ thể hóa trong tiêu chuẩn sản phẩm của các DN sản xuất (theo quy định tại Điều 33 của Pháp lệnh VSATTP năm 2003) thì mới có thể xác định được vi phạm (Điều 15 Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06/04/2005 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).

Theo một luật sư, các chứng cứ trên đã chứng minh người có trách nhiệm đề xuất biện pháp xử lý triệt để đối với việc sản xuất nước tương có 3-MCPD vượt mức quy định của Bộ Y tế là BS Giang: “Ông ấy đã có đầy đủ các thông tin nhưng đã không thực hiện trách nhiệm được giao”. Điều này thể hiện qua “Báo cáo tổng kết hoạt động chương trình đảm bảo VSATTP TPHCM năm 2006” và “Kế hoạch hành động đảm bảo VSATTP năm 2007” (ban hành ngày 12/04/2007), đều do BS. Lê Trường Giang ký với tư cách Phó Trưởng ban thường trực BCĐ liên ngành  không hề có kết luận, chỉ đạo xử lý triệt để vi phạm, không công bố công khai cho người dân mà chỉ tiến hành công bố cho các DN, cho phép các DN tiếp tục sản xuất nước tương có hàm lượng 3-MCPD vượt quá quy định của Bộ Y tế.

Hậu quả của nó là ngành Y tế TPHCM bị tổn hại danh dự. Người ta đã “hy sinh” cán bộ nhưng mọi chuyện chưa hoàn toàn sáng tỏ!

Sơn Định

Xem thêm

Bình luận mới nhất