| Hotline: 0983.970.780

Vui buồn nghiệp chụp ảnh dạo

Thứ Ba 20/05/2025 , 19:03 (GMT+7)

'Hiếm hoi lắm mới có người thuê chụp ảnh với mục đích trải nghiệm chút ký ức cũ, thế mà tôi vui cả ngày' - người thợ chụp ảnh dạo chia sẻ.

Người thợ chụp ảnh ấy tên là N.V.Thành. Thấy tôi quan tâm đến công việc của mình, ông bắt đầu nhẩn nha kể chuyện.

"Nhiếp ảnh không chỉ là nghề, mà còn là nghiệp. Nghề có thể thay, chứ nghiệp thì không thể dứt. Nhưng để nói về nghiệp thì trước tiên phải nói về nghề".

Theo ông Thành, nghề ảnh có cái hay ở chỗ, qua ống kính, ta không cần phải tốn một lời hay bất kỳ giấy mực nào, tự bức ảnh đã thể hiện được thực tiễn  cuộc sống, có khi chỉ một khoảnh khắc ảnh mà chớp được khoảnh khắc đại diện của cả một cuộc đời. Xưa, nghề chụp ảnh khá thịnh hành. Nhưng rồi sự phát triển của công nghệ, sự xuất hiện của những chiếc điện thoại thông minh, máy ảnh kỹ thuật số... khiến nghề chụp ảnh dạo đang lùi về thành quá khứ...

Nghệ thuật đường phố một thời vang bóng

Câu chuyện đưa ông trở về quá khứ. Ông bảo, vào những thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước, nghề chụp ảnh dạo chiếm vị trí rất quan trọng trong xã hội. Thợ chụp ảnh dạo, hay còn gọi là "xạ thủ ảnh" thường rong ruổi khắp nơi, nhất là ở những danh thắng, bãi biển, khu du lịch, vui chơi, giải trí... giúp mọi người ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc sống bằng những bức ảnh. 

Ông N.V.Thành - người 'nghệ sỹ nhiếp ảnh dạo' hiếm hoi còn theo nghề. Ảnh: Phương Nhi.

Ông N.V.Thành - người "nghệ sỹ nhiếp ảnh dạo" hiếm hoi còn theo nghề. Ảnh: Phương Nhi.

Trước khi công nghệ số phát triển, những người làm nghề chụp ảnh như ông Thành sử dụng máy ảnh chụp film và phải xử lý các khâu bằng phương pháp thủ công để cho ra thành phẩm là các bức ảnh. Khi công nghệ nhiếp ảnh phát triển hơn một bước, thay bằng chụp film, ảnh đen trắng, công nghệ chụp ảnh pfilm màu ra đời. Thời của máy ảnh film có lẽ là thời hoàng kim của những người làm nghề như ông bởi những năm 1980, không phải ai cũng có điều kiện để sắm cho mình một chiếc máy ảnh khi đi tham quan, du lịch. Vì thế, cứ ở đâu có du khách là ở đó có thợ chụp ảnh dạo. "Ở Hà Nội, chúng tôi thường tập trung nhiều tại công viên Thủ Lệ, Hồ Tây, Hồ Gươm, phố Phan Đình Phùng"...

Ông Thành gắn bó với nghề này đã hơn 30 năm với bao thăng trầm. Chia sẻ cơ duyên gắn với chiếc máy ảnh, ông Thành kể: thời bao cấp vừa được xóa bỏ, ông vừa đỡ mẹ bán hàng buổi sáng, chiều đi dạy học. Khi ấy lương giáo viên không đủ để nuôi gia đình, bản thân ông lại đam mê với nghệ thuật và thích chụp ảnh, vì thế, ông gom hết tiền mua cho mình một chiếc máy ảnh.

Một thời gian sau kinh tế đi lên, đời sống vật chất lẫn tinh thần người dân càng cao, khi ấy nghề ảnh  là nghề "có giá". Ông đã đỡ đần được gia đình rất nhiều từ nghề "tay trái" rẽ ngang này.

Trong câu chuyện với tôi, có lúc ông rơi vào lặng lẽ. Ông nhìn những người trẻ tuổi chụp ảnh cho nhau bằng điện thoại thông minh, thậm chí có người còn sử dụng chiếc máy ảnh kỹ thuật số nhỏ gọn cầm tay. Ánh mắt ông thoáng vui rồi lại chợt buồn, khó tả. Ông nói: “Thời xưa ấy, chỉ với chiếc máy ảnh, chúng tôi cứ thế rong ruổi khắp Hà Nội. Đi đâu cũng có người chụp ảnh, niềm vui khi ấy là khi chụp được cho khách những bức ảnh đẹp. Giờ cánh chụp ảnh dạo ít lắm, toàn cánh già như tôi. Mà có ngồi cả ngày chắc cũng chỉ mời được 1-2 người. Nghệ thuật đường phố một thời vang bóng giờ lẻ bóng".

Người già cập nhật "công nghệ trẻ"

Xã hội ngày càng phát triển, kèm theo đó là cơ hội của một số công việc như chụp ảnh dạo đang dần bị thu hẹp. Song, không thể phủ nhận tay nghề và chất lượng chụp ảnh của những “nghệ sĩ” đã có thâm niên 20-30 năm với nghề như ông Thành.

Chị Thúy Hà ở quận Cầu Giấy, Hà Nội luôn cất giữ cẩn thận cuốn album có những tấm ảnh chứa đựng nhiều kỷ niệm của bản thân và gia đình. Ảnh: Phương Nhi.

Chị Thúy Hà ở quận Cầu Giấy, Hà Nội luôn cất giữ cẩn thận cuốn album có những tấm ảnh chứa đựng nhiều kỷ niệm của bản thân và gia đình. Ảnh: Phương Nhi.

Ông Thành kể, bản thân thấy rất mừng khi thi thoảng có đoàn khách du lịch, thậm chí người dân Hà Nội từ chối chụp ảnh bằng điện thoại mà thuê ông chụp, thường khách ấy sẽ đến vào dịp cuối tuần. Họ muốn lưu lại hình ảnh của mình với phố cổ, Nhà thờ Lớn Hà Nội, khung cảnh hồ Gươm. Họ diện áo dài, chụp ảnh có chủ đích chứ không bột phát.

“Khi tôi hỏi sao không chụp ảnh bằng điện thoại để đăng lên mạng, họ cười bảo lâu rồi không chụp ảnh lấy ngay như ngày xưa. Một phần muốn trải nghiệm chút kí ức cũ, phần vì muốn có bức ảnh đem về làm kỷ niệm. Ấy thế mà tôi vui cả ngày!”.

Bây giờ những người như thế không nhiều. Họ thuộc về những người "sống chậm". Ví dụ như chị Nguyễn Thị Thúy Hà (46 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội), dù bản thân đã quen với việc chụp ảnh bằng điện thoại thông minh, nhưng công nghệ nhiều chức năng phức tạp, nếu không biết lưu trữ thì khi đổi máy hoặc mất điện thoại sẽ mất luôn cả ảnh đẹp. Do vậy dù quen chụp ảnh với điện thoại thông minh, thi thoảng chị và nhóm bạn vẫn chọn dịch vụ chụp ảnh dạo khi đi chơi cùng nhau. Chị cho biết: “Chúng tôi đều có vài cuốn album chỉ để cất riêng những bức ảnh đẹp. Ảnh từ bé của con tôi nhưng 15 năm rồi vẫn rất đẹp và rõ nét. Bên cạnh đấy thì tôi cũng muốn chụp ảnh bằng máy kỹ thuật để làm kỷ niệm, phần vì muốn ủng hộ các chú thợ ảnh dạo”.

Tôi mang chuyện về chị Hà nói với ông Thành, ông tủm tỉm cười. Ông bảo nói vậy thôi chứ cũng phải thích nghi. Những năm gần đây, nhiều người đã tìm ra giải pháp để “cứu cánh” cho nghề nhiếp ảnh dạo, cánh “phó nháy” cũng dần thích nghi để phù hợp hơn với nhu cầu của xã hội và khách hàng.

Ai chẳng nhớ một thời xưa cũ huy hoàng, ai cũng bồi hồi khi sống lại ký ức quãng thời gian đó. Thế nhưng xã hội là phải vận động đi lên, nếu muốn tồn tại và đứng vững giữa xã hội phát triển, bất kể là ai cũng cần phải thay đổi và thích nghi.

Ông nói rồi mở chiếc túi nhỏ đeo chéo bên hông, từ tốn lấy ra một chiếc hộp được cất kỹ.

Với những thiết bị hiện đại, thông minh, ai cũng có thể tự chụp cho mình một khoảnh khắc đẹp. Ảnh: Hùng Khang.

Với những thiết bị hiện đại, thông minh, ai cũng có thể tự chụp cho mình một khoảnh khắc đẹp. Ảnh: Hùng Khang.

“Cái này là dây để cắm thẻ nhớ máy ảnh, còn đây là cục phát mạng cháu à. Năm ngoái con gái tôi mua tặng, nó bảo "để những "người bạn” ấy đồng hành cùng đam mê của bố". Nó còn bảo bây giờ người ta dùng cái này nhiều lắm, lấy ảnh rất nhanh mà tiện, còn hướng dẫn ông cách làm. Hơi phức tạp nhưng làm nhiều cũng quen”, ông Thành kể.

Trong số những người chụp ảnh dạo như ông Thành, có người vì mưu sinh (số đó giờ không nhiều), nhưng có những người hoàn toàn vì nhớ nghề mà cứ đeo đuổi mãi. Ông bảo, ấy là cái nghiệp. Buông không được, dứt không ra, xa cái máy ảnh vài hôm thấy nhớ, bàn chân ngồi nhà không đi mấy hôm như phát cuồng. Là nghiệp nên có chút niềm vui nhỏ cứ nhấm nháp cả ngày. Là nghiệp nên dẫu có ngậm ngùi về cái sự “vang bóng một thời” mà bây giờ lẻ bóng hay có phải chạy đua với cánh trẻ để làm quen với công nghệ thì cũng lấy làm lẽ thường, miễn là giữ được nghề để nuôi nghiệp.

Xem thêm
Sân Quy Nhơn mở cửa tự do 3 vòng đấu giải vô địch quốc gia

Công ty CP Thể thao MerryLand Quy Nhơn Bình Định mở cửa tự do sân Quy Nhơn 3 vòng đấu cuối giải vô địch quốc gia LPBank V.League 2024-2025 diễn ra tại Bình Định…

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

36 hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Văn hóa - Du lịch biển

KHÁNH HÒA Lễ hội Văn hóa - Du lịch biển năm 2025 được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 7/6 - 9/7 với 36 sự kiện văn hóa, thể thao và nghệ thuật đặc sắc.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.