Dự kiến ngày 19/8 tới, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024.
Bên cạnh việc bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2028 cũng như sửa đổi một số nội dung trong Điều lệ, quy chế, thì một trong những nội dung quan trọng của cuộc họp là nhằm thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ của ngân hàng (Phương án tăng vốn năm 2024).
Được biết, kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần đã ban lãnh đạo Vietcombank đề cập từ năm 2022 nhưng chưa được triển khai trong năm 2023 do điều kiện kinh tế vĩ mô chưa thuận lợi.
Tại Đại hội năm 2023, nguyên Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài của nhà băng này đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn. Theo kế hoạch, Vietcombank sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2023 - 2024.
Còn theo dự báo mới nhất từ công ty chứng khoán ACBS, dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất trong quý I/2025.
Vào năm 2019, Vietcombank đã thực hiện một thương vụ tương tự, với giá phát hành thời điểm đó tương đương P/E trượt 12 tháng (trước khi bán vốn) là 16 lần và P/B sau phát hành là 2,8 lần. Dựa trên định giá của thương vụ trước đây, ACBS ước tính giá cổ phiếu trong thương vụ phát hành riêng lẻ tỷ lệ 6,5% lần này của ngân hàng sẽ rơi vào khoảng 96.000 - 100.000 đồng/cổ phiếu.
Đánh giá về thương vụ này, các chuyên gia phân tích cho rằng việc phát hành sẽ tác động tích cực đến tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cũng như khả năng tăng trưởng tín dụng của Vietcombank. Cụ thể, ACBS kỳ vọng tỷ lệ an toàn vốn CAR của ngân hàng sẽ cải thiện thêm khoản 2 điểm % sau khi phát hành.
Tuy nhiên, với việc tăng gần 20% quy mô vốn chủ sở hữu, Vietcombank sẽ phải đối mặt với áp lực duy trì hiệu quả sinh lời đang ở mức khá tốt của mình. ACBS dự báo ROE của VCB sẽ giảm từ mức 20% hiện tại xuống 15% đến năm 2026 - tương đương với trung bình ngành.
Lợi nhuận đi xuống, tổng tài sản bất ngờ giảm mạnh sau 3 tháng đầu năm
Về tình hình hoạt động kinh doanh, kết thúc quý đầu tiên của năm, Vietcombank ghi nhận kết quả không mấy khả quan khi phần lớn các mảng kinh doanh đều đi xuống.
Trong đó, thu nhập lãi thuần giảm 1% so với cùng kỳ, còn 14.078 tỷ đồng.Các nguồn thu ngoài lãi cũng ghi nhận sụt giảm, trong đó giảm mạnh nhất là lãi thuần từ hoạt động khác giảm tới 53% còn 508 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 30% còn 1.197 tỷ đồng, lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh giảm 24% còn hơn 22 tỷ đồng, lãi từ dịch vụ giảm 1% còn hơn 1.411 tỷ đồng.
Theo đó, kết thúc quý đầu tiên của năm, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.718 tỷ đồng, giảm 4% so với quý I/2023.
Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của Vietcombank thu hẹp tới 4% so với đầu năm, chỉ còn hơn 1,77 triệu tỷ đồng. Cho vay khách hàng giảm 3%, còn gần 1,23 triệu tỷ đồng; tiền gửi khách hàng cũng giảm 3% còn gần 1,35 triệu tỷ đồng.
Về chất lượng cho vay, thuyết minh báo cáo cho thấy đến cuối tháng 3/2024, tổng số nợ xấu nội bảng của Vietcombank là 15.459 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm, trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất, tới 47% lên 2.557 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng 21%; nợ có khả năng mất vốn tăng 20% so với đầu năm. Điều này đã đẩy tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng của ngân hàng tăng từ 0,98% đầu năm lên 1,26%.