
Mohammad Abu Zeid, 12 tuổi, nếm thử món ăn được chuẩn bị cho bữa ăn trong lều của gia đình cậu bé ở Muwasi. Ảnh: Abdel Kareem Hana.
Tình trạng thiếu thốn thực phẩm, thuốc men và công tác viện trợ bị cắt giảm đột ngột đang đẩy Gaza đến bờ vực một thảm họa nhân đạo mới, khi các tổ chức cứu trợ và người dân địa phương đồng loạt lên tiếng cảnh báo.
Chỉ trong vài tuần ngắn ngủi kể từ khi lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas sụp đổ vào đầu tháng 3, kho dự trữ của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Cơ quan Cứu trợ Người tị nạn Palestine (UNRWA) đã cạn sạch. Các bếp ăn cộng đồng, vốn là cứu cánh cho hơn 2 triệu người dân Gaza, giờ chỉ còn lại những phần ăn đạm bạc từ những hạt gạo cuối cùng và vài hạt đậu lăng.
“Không còn gì để phát tiếp nữa. Khi nguồn cung cạn hẳn, các bếp sẽ buộc phải đóng cửa,” một quan chức cấp cao của Liên hợp quốc tại Gaza cho biết. Ông nhấn mạnh rằng hiện tại người dân vẫn gắng gượng, nhưng khi cuộc khủng hoảng leo thang, tình trạng tồi tệ sẽ bùng phát với tốc độ chóng mặt.

Gia đình al-Najjar ăn đậu hà lan với cơm, đôi khi gia đình chỉ ăn một bữa mỗi ngày. Ảnh: Abdel Kareem Hana.
Chỉ trong vòng hai tháng, đời sống ở Gaza đã biến thành một cuộc đấu tranh sinh tồn hàng ngày. Tại khu chợ Rafah, những sạp hàng gần như trống không. Những ai may mắn tìm thấy vài ký gạo hay đường cũng phải chấp nhận mức giá gấp 10 - 15 lần so với thời kỳ ngừng bắn. Cà chua, nếu còn bán, đã leo thang tới 8 USD/kg, một con số không tưởng đối với phần lớn người dân Gaza hiện nay. Thịt và sữa gần như đã biến mất khỏi thực đơn.
Ông Hani Abu Qasim, người điều hành Bếp ăn Từ thiện Rafah, lặng lẽ chia phần những đĩa cơm trắng và vài hạt đậu cho hàng dài người xếp hàng trước cửa. “Nếu chúng tôi đóng cửa, những người này sẽ đối mặt với nạn đói thực sự,” ông nói, đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ.
Trong một trại tị nạn tạm bợ bên ngoài Khan Younis, Mariam al-Najjar và mẹ chồng loay hoay nấu bữa tối cho 11 thành viên trong gia đình bằng bốn lon đậu, ít gạo, vài viên súp nêm và gia vị còn sót lại. “Trước chiến tranh, mỗi thứ Sáu gia đình tôi quây quần bên mâm cơm có thịt và rau nhồi. Giờ chúng tôi chỉ còn đậu đóng hộp và cơm trắng," Najjar nói, giọng nghẹn ngào.
Không chỉ thực phẩm cạn kiệt, hệ thống y tế Gaza cũng sụp đổ từng ngày. Các bệnh viện chỉ còn là những đống đổ nát, thiếu trầm trọng từ găng tay vô trùng cho tới túi đựng thi thể. “Chúng tôi đang đối mặt với số lượng bệnh nhân bị thương nặng và mắc bệnh cao chưa từng thấy, trong khi nguồn lực cạn kiệt nhanh chóng,” Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế cảnh báo.

Ngoài nạn đói nghiêm trọng do thiếu lương thực, các nạn nhân còn phải đối mặt với các cuộc tấn công ném bom từ Israel, trong khi hệ thống y tế và các bệnh viện ở Gaza đang dần sụp đổ từng ngày. Ảnh: Abdel Kareem Hana.
Theo dữ liệu từ Liên hợp quốc, số trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính tại Gaza đã tăng 80% chỉ trong tháng 3 so với tháng trước, lên tới 3.700 trường hợp. Một báo cáo mới về tình trạng an ninh lương thực đang được chuẩn bị và dự kiến công bố vào tháng tới.
Hiện gần 70% lãnh thổ Gaza nằm dưới lệnh di tản hoặc trong vùng đệm mở rộng do quân đội Israel kiểm soát. Hơn 400.000 người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi lệnh ngừng bắn sụp đổ. Trong vòng 24 giờ qua, các bệnh viện tại Gaza đã tiếp nhận thêm 51 thi thể nạn nhân thiệt mạng do không kích, nâng tổng số người chết lên 52.243, theo Bộ Y tế địa phương.
Israel đã siết chặt phong tỏa vì cho rằng Hamas chiếm đoạt viện trợ để phục vụ cho lực lượng chiến binh hoặc bán lấy tiền. Tuy nhiên, các tổ chức nhân đạo tại Gaza bác bỏ việc có sự chiếm đoạt viện trợ quy mô lớn trong những tháng gần đây.
Cộng đồng quốc tế tiếp tục theo dõi sát sao tình hình. Ngày 29/4, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) sẽ bắt đầu các phiên điều trần về việc Israel cấm toàn bộ hoạt động của UNRWA tại Gaza và Bờ Tây. Đồng thời, vụ kiện do Nam Phi đệ trình lên ICJ với cáo buộc Israel phạm tội diệt chủng vẫn đang được tiến hành, bất chấp việc Israel phủ nhận hoàn toàn các cáo buộc này.