Chế biến sâu là xu hướng thích ứng của doanh nghiệp nông nghiệp
Thứ Năm 07/07/2022 , 12:29 (GMT+7)
Chế biến sâu là xu hướng thích ứng của doanh nghiệp nông nghiệp. Dừa khô còn 2.000 đồng/trái, Bến Tre xin giải cứu. Vượt 2 tỷ USD, xuất khẩu cà phê tăng gần 50% về trị giá. Nông sản tiêu biểu Tây Nguyên hội tụ tại Đắk Lắk.
CHẾ BIẾN SÂU LÀ XU HƯỚNG THÍCH ỨNG CỦA DOANH NGHIỆP NÔNG NGHIỆP
Sáng 7/7, Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 tổ chức Diễn đàn trực tuyến với chủ đề “Đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến, bảo quản gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ”. Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổ trưởng Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Bộ NN-PTNT vừa sơ kết 6 tháng với nhiều tín hiệu vui về kết quả sản xuất, mở cửa thị trường, nhiều mặt hàng nông lâm sản và thủy sản có mức tăng trưởng xuất khẩu tốt và ổn định.Trong tâm thế đó, Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên ngày 7/7 đặt mục tiêu kết nối thông tin cung cầu, thúc đẩy họat động chế biến, tiêu thụ nông sản giữa các vùng sản xuất đến các thành phố lớn và các tỉnh trong cả nước, cũng như xuất khẩu.Ông Nguyễn Quốc Toản Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, xu hướng tiêu dùng đang thay đổi, khi tập trung chủ yếu vào các sản phẩm chế biến sâu và đa dụng hơn, do đó các doanh nghiệp buộc phải đầu tư công nghệ để đáp ứng nhu cầu thị trường.Thời gian tới, Bộ NN-PTNT xây dựng, cải thiện thêm các chính sách khuyến khích đầu tư vào chế biến sâu và bảo quản trái cây.
DỪA KHÔ CÒN 2.000 ĐỒNG/TRÁI, BẾN TRE XIN GIẢI CỨU
Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, địa phương vừa gửi văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm từ dừa.Tỉnh cũng kiến nghị các bộ ngành hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối các thị trường xuất khẩu như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Trung Đông, EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp ở địa phương cũng cần được hỗ trợ đưa sản phẩm vào các sàn giao dịch thương mại điện tử để mở rộng thị trường xuất khẩu.Động thái này được đưa ra trong bối cảnh giá dừa khô trên địa bàn giảm mạnh, từ 6.500 đồng xuống còn 2.000 đồng một trái. Nguyên nhân chính do thị trường nhập khẩu chủ lực là Trung Quốc thực hiện chính sách "zero covid", khiến sản lượng dừa khô xuất sang nước này giảm gần 80%.Bến Tre hiện có 77.000 ha trồng dừa (chiếm 80% diện tích dừa miền Tây), giá trị sản xuất ngành chế biến dừa mỗi đạt 3.500 tỷ đồng, chiếm gần 10% với giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
VƯỢT 2 TỶ USD, XUẤT KHẨU CÀ PHÊ TĂNG GẦN 50% VỀ TRỊ GIÁ
Theo Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê mang về trên 2,32 tỷ USD, đạt xấp xỉ 1,03 triệu tấn, tăng 21,7% về lượng và tăng 49,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân đạt 2.258 USD/ tấn, tăng 23,1%. Cuối tháng 6, giá cà phê thế giới duy trì đà giảm do áp lực từ chính sách thắt chặt tiền tệ tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường toàn cầu nói chung. Bên cạnh đó, nguồn cung dồi dào khiến giá cà phê tiếp tục giảm. Hiện Việt Nam là quốc gia lớn thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, chỉ đứng sau Brazil. Trong năm 2022, nguồn cà phê từ Brazil giảm sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nói chung, trong đó có doanh nghiệp Việt.
NÔNG SẢN TIÊU BIỂU TÂY NGUYÊN HỘI TỤ TẠI ĐẮK LẮK
Sáng 7/7, Hội nông dân tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Công thương Đắk Lắk tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn với bảo vệ môi trường” và “Tuần lễ giới thiệu tiêu thụ nông sản tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk năm 2022”.Chương trình bố trí 64 gian hàng trưng bày trực tiếp giới thiệu sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu của khu vực Tây Nguyên và các tỉnh/thành khác trong nước như: Bơ, sầu riêng, chuối, cà phê, mít… ông Y Biêr Niê, Phó bí thư Tỉnh ủy cho biết, Đắk Lắk sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn nông nghiệp với du lịch theo chuỗi giá trị. Các đơn vị chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp để giúp nông dân tiêu thị sản phẩm.