Lấy khoa học công nghệ, chuyển đổi số làm nền tảng phát triển
Thứ Bảy 10/05/2025 , 12:35 (GMT+7)
Lấy khoa học công nghệ, chuyển đổi số làm nền tảng phát triển; Nâng cao hiệu quả quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm; Thúc đẩy Tín dụng Xanh và Khu Công Nghiệp Xanh tại Đà Nẵng; Thống nhất quy định quản lý đất đai sau sáp nhập
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong ngành nông nghiệp và môi trường, sáng 10/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, rằng chuyển đổi số hiện nay không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu. Ngành nông nghiệp và môi trường đang đối mặt với biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và áp lực tăng trưởng xanh, đòi hỏi chuyển đổi mạnh mẽ. Bộ trưởng nhấn mạnh cần đổi mới tư duy, lấy khoa học công nghệ và chuyển đổi số làm nền tảng phát triển.
Dù đã đạt một số kết quả tích cực, ngành vẫn cần nỗ lực hơn để tạo đột phá, Bộ trưởng gợi mở 5 nhóm nội dung: hoàn thiện thể chế, cải tổ nghiên cứu, đổi mới đặt hàng khoa học, phát triển nhân lực và đẩy mạnh chuyển đổi số.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kỳ vọng, hội nghị sẽ là bước khởi đầu tích cực, thúc đẩy quá trình hiện thực hóa các định hướng lớn trong Nghị quyết 57-NQ/TW vào thực tiễn ngành nông nghiệp và môi trường. Cùng sự đồng hành của các địa phương, doanh nghiệp, giới khoa học và truyền thông, cùng quyết tâm hành động mạnh mẽ, ngành hoàn toàn có thể bứt phá, hình thành các động lực tăng trưởng mới trong kỷ nguyên số.
Tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký kết văn bản hợp tác phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo với Liên hiệp các Hội Khoa khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
Tin2: Nâng cao hiệu quả quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm
Thực hiện: TRUNG TRANG- VIẾT DŨNG
Chiều 9/5, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cùng Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nghe báo cáo về dự thảo Nghị định quy định về quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm (CITES).
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, Nghị định lần này không chỉ thuận lợi cho tổ chức, cá nhân mà còn giúp các cơ quan nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý, thanh tra, kiểm tra trong công tác bảo tồn thiên nhiên và thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.
Trao đổi, thảo luận trong quá trình xây dựng Nghị định, các đại biểu tán thành việc thống nhất tích hợp các quy định trước đây vốn được phân tán tại hai luật là “loài nguy cấp, quý, hiếm” và “loài nguy cấp, quý, hiếm ưu tiên bảo vệ”. Lần tích hợp này được đánh giá là cần thiết, hợp lý và là bước đi đúng hướng.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh cần gắn bảo tồn với phát triển loài động vật quý hiếm. Về phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng chỉ đạo cần xây dựng linh hoạt, thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã và đang thực hiện tốt công tác này.
Về cải cách thủ tục, Nghị định cần cụ thể hóa các mục tiêu: giảm 30% thủ tục hành chính, 30% thời gian thực hiện và 30% chi phí tuân thủ, thể hiện bằng các bảng biểu so sánh cụ thể.
Ngày 09/05/2025, tại Đà Nẵng, Thời báo Ngân hàng tổ chức Diễn đàn "Kết nối Tín dụng Xanh - Khu công nghiệp Xanh" với sự tham gia của hơn 100 đại biểu, gồm lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia trong nước và quốc tế, cùng đại diện các tổ chức tín dụng và khu công nghiệp. Diễn đàn tập trung vào các vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển khu công nghiệp (KCN) xanh và thúc đẩy tín dụng xanh.
Việt Nam hiện có 290 KCN, trong đó khoảng 1-2% chuyển đổi sang mô hình xanh, đặc biệt tại Đà Nẵng, nơi đang thí điểm chuyển đổi các KCN thành khu công nghiệp sinh thái.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tín dụng xanh đang phát triển mạnh mẽ với tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh trên 22% mỗi năm. Tuy nhiên, tín dụng xanh vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng và gặp phải một số thách thức, như thiếu quy định cụ thể về tiêu chuẩn KCN xanh.
Diễn đàn cũng đánh giá các mô hình KCN xanh hiện tại, tìm kiếm giải pháp tài chính và chính sách để thúc đẩy hợp tác giữa ngân hàng và khu công nghiệp trong hành trình phát triển bền vững.
Theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cần thống nhất các quy định về quản lý đất đai để tránh tình trạng so bì "thiệt - hơn" giữa các xã, phường, giữa các trường hợp sử dụng đất, sau khi các tỉnh, thành tiến hành sáp nhập.
Các quy định không thống nhất xuất hiện ở những nội dung như: thời gian thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, mức bồi thường vật nuôi cây trồng, mức hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, suất tái định cư tối thiểu, đơn giá bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất, hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất...
Bên cạnh đó, điều kiện và diện tích tối thiểu để tách, hợp thửa đất đối với từng loại đất hay tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất... có thể sẽ dẫn đến tình trạng so bì "thiệt - hơn" giữa các xã, phường, giữa các trường hợp sử dụng đất.
Để chủ động khắc phục những bất cập trên, Ban Chỉ đạo và các tỉnh, thành phố, cần chủ động rà soát những nội dung được giao quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và những nghị định quy định chi tiết thi hành luật thuộc thẩm quyền, để sửa đổi, bổ sung theo hướng thống nhất việc áp dụng hoặc áp dụng chính sách đặc thù tại địa phương sau sáp nhập.