Yên Bái mong muốn được trang bị hệ thống cảnh báo sớm thiên tai
Thứ Năm 15/05/2025 , 12:32 (GMT+7)
Xuất khẩu sang Indonesia đứng trước áp lực mới; Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ổn định; Yên Bái mong muốn được trang bị hệ thống cảnh báo sớm thiên tai; Sóc Trăng không còn tàu cá ‘3 không’.
XUẤT KHẨU SANG INDONESIA ĐỨNG TRƯỚC ÁP LỰC MỚI
Để đối phó nguy cơ dịch bệnh xuyên biên giới và tăng cường kiểm soát sinh học, Cơ quan Kiểm dịch Quốc gia Indonesia, thuộc Bộ Nông nghiệp nước này, lần đầu áp dụng quy trình kiểm dịch và giám sát tích hợp đối với các lô hàng động vật, sản phẩm động vật và vật thể mang mầm bệnh nguy hiểm. Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, Chính sách này có hiệu lực từ ngày 4/6 tới. Theo quy trình mới, tất cả hoạt động xuất, nhập khẩu hoặc vận chuyển nội địa các đối tượng nêu trên đều phải khai báo trước từ 1-2 ngày, tùy theo mức độ rủi ro. Chủ hàng bắt buộc đăng ký kế hoạch vận chuyển, nộp danh mục hàng hóa, thông tin tuyến đường, cảng đi - đến và chứng nhận đã xử lý vệ sinh qua hệ thống kiểm dịch trực tuyến.
Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Indonesia đạt 16,7 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước. Siết chặt kiểm dịch có thể ảnh hưởng trực tiếp đến những mặt hàng nhạy cảm như thủy sản, rau quả và sản phẩm chăn nuôi, vốn đang trên đà tăng trưởng. Do đó, doanh nghiệp Việt cần chủ động cập nhật quy định mới, chuẩn bị đầy đủ chứng từ kiểm dịch, đặc biệt là hồ sơ khai báo trước khi xuất khẩu.
XUẤT KHẨU THỦY SẢN TĂNG TRƯỞNG ỔN ĐỊNH
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản những tháng đầu năm 2025 duy trì đà tăng ổn định.
Trong 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng tốt, đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2024.
Để duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh tiềm ẩn rủi ro về thuế, các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tối ưu hóa sản xuất, mở rộng sang các thị trường khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông … Người dân, doanh nghiệp thủy sản cần tránh tâm lý lo sợ dẫn đến tình trạng thu hoạch ồ ạt thủy sản nuôi hoặc hạn chế sản xuất, xuống giống, làm ảnh hưởng kế hoạch sản xuất và mục tiêu tăng trưởng của ngành.
YÊN BÁI MONG MUỐN ĐƯỢC TRANG BỊ HỆ THỐNG CẢNH BÁO SỚM THIÊN TAI
Thanh Tiến
Hôm qua 14/5, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Yên Bái và Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ NN-MT đã có buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản và các đối tác Nhật Bản.
Trong chương trình làm việc, đoàn công tác Nhật Bản đã đi thăm, khảo sát hiện trường khu vực sạt lở đất nghiêm trọng tại thôn Át Thượng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên. Trong đợt mưa lũ lịch sử hồi tháng 9/2024, tại đất đã xảy ra vụ sạt lở núi làm 9 người chết, 8 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, 28 nhà phải di dời làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Lãnh đạo Sở NN-MT tỉnh Yên Bái đề nghị Cục quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và đoàn công tác Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ kinh phí lắp đặt trang bị hệ thống thiết bị quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Qua đó nhằm nâng cao năng lực cảnh báo sớm thiên tai, giúp cho công tác phòng tránh, giảm nhẹ hậu quả thiên tai thực hiện tốt hơn. Huy động các nguồn lực của các nhà tài trợ quốc tế trong việc hỗ trợ người dân ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.
SÓC TRĂNG KHÔNG CÒN TÀU CÁ ‘3 KHÔNG’
Sở NN&MT Sóc Trăng thông tin, đến nay, tỉnh đã hoàn tất công tác đăng ký tàu cá “3 không” - không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác. Theo đó, Sở đã cấp giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 100% tàu cá và cập nhật đầy đủ lên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VnFishbase. Đồng thời hoàn thiện hồ sơ, quyết định xử phạt 15 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên mất kết nối VMS hơn 6 giờ trên biển mà không báo cáo vị trí về bờ. Chuẩn bị cho đợt thanh tra lần thứ 5 của EC về chống khai IUU dự kiến diễn ra cuối năm nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường Sóc Trăng đã phân công đầu mối để chủ động việc liên hệ với đoàn. Đồng thời, chú trọng bổ sung đầy đủ số điện thoại của các chủ tàu cá; công tác quản lý đội tàu và khai thác của ngư dân trên biển; kiểm soát sản lượng thủy hải sản khi tàu va vào cảng.