Bắc Kạn dồn lực khắc phục hậu quả thiên tai; Thanh Hóa: Trại lợn xả thải ra môi trường; Nghị quyết 68 cởi trói nhiều dự án bất động sản; 2.700 ha lúa vụ xuân tại Nghệ An sinh trưởng kém.
BẮC KẠN DỒN LỰC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI
Thực hiện: NGỌC TÚ
Những ngày qua, tại tỉnh Bắc Kạn xảy ra 2 trận lũ quét là chết 4 người, nhiều người bị thương, đất đá lấp hàng chục căn nhà của người dân. Mưa lũ cũng khiến hơn 335 ha ngô, lúa và hoa màu bị ngập, 90 con bò bị chết hoặc bị cuốn trôi. Toàn tỉnh có 60 ngôi nhà bị hư hỏng. Sau khi cơn lũ đi qua, chính quyền, bộ đội, công an và lực lượng ở cơ sở đã nỗ lực ngày đêm giúp người dân khắc phục hậu quả. Quân khu I đã cử lực lượng giúp bà con và trích 55 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” của Quân khu để hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại.
Hiện, các lực lượng tập trung giúp người dân dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa, công sở bị hư hỏng. Di dời toàn bộ những hộ ở vùng nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Ngành giao thông tập trung nhân lực, máy móc hót dọn sạt lở trên các tuyến đường xung yếu. Tại Bắc Kạn hiện vẫn có mưa to ở nhiều nơi, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống đang ở mức cao.
THANH HÓA: TRẠI LỢN XẢ THẢI RA MÔI TRƯỜNG
Thực hiện: QUỐC TOẢN
Nhiều năm nay, các hộ dân tại thôn Xuân Quan, xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa phải chịu cảnh sống chung với mùi hôi thối từ trại lợn nằm ngay giữa khu dân cư. Chủ trang trại là vợ chồng ông Nguyễn Hồng Quân và bà Đặng Thị Thảo.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường, khu vực chăn nuôi này rộng gần 200 m2, với 9 chuồng nuôi, nằm tiếp giáp với nhà ở hộ gia đình. Hiện trại lợn nuôi nhốt hơn 80 con, gồm lợn thịt và lợn giống. Phân lợn sau khi thu gom được xử lý sơ bộ qua 2 bể biogas. Tuy nhiên, nước thải từ phân lợn có màu đen đặc, bốc mùi hôi thối nồng nặc vẫn tiếp tục được dẫn qua mương thoát và xả trực tiếp vào một ao tù rộng hơn 100 m2, cách đó không xa. Tại hiện trường, nước trong ao có màu đen, dưới đáy ao lắng đọng một lớp bùn đặc, bốc mùi đặc trưng của chất thải từ phân lợn chưa qua xử lý triệt để.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, UBND xã Thiệu Công đã phối hợp với các phòng, ban của huyện tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
NGHỊ QUYẾT 68 CỞI TRÓI NHIỀU DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN
Thực hiện: THÙY LINH - ĐỨC VIỆT
Nghị quyết 68 được kỳ vọng giải phóng bất động sản khỏi ách tắc thủ tục, khơi thông nguồn cung và ổn định giá. Tại TP.HCM, có tới 156 dự án vướng thủ tục có thể được tái kích hoạt nếu được tháo gỡ, qua đó đưa ra thị trường hàng nghìn sản phẩm trong vòng 1 đến 2 năm tới. Nguồn cung tăng mạnh ở các phân khúc trung cấp và bình dân sẽ góp phần kéo mặt bằng giá về gần giá trị thực, nhất là sau giai đoạn giá bị đẩy lên bất hợp lý từ năm 2020 đến 2022 do lệch pha cung cầu.
Khi hệ thống quản lý đất đai được tinh gọn, minh bạch hơn và chi phí hành chính, chi phí vốn được giảm đáng kể nhờ thủ tục nhanh gọn, các chủ đầu tư sẽ không còn phải cộng dồn các chi phí ẩn vào giá bán, từ đó giúp thị trường tiếp cận người mua thực dễ dàng hơn.
Khi hành lang pháp lý rõ ràng, dữ liệu đất đai minh bạch và cơ chế cấp phép công khai, thì đầu cơ sẽ không còn đất sống. Khi đó, thị trường mới thu hút được dòng vốn dài hạn, hướng đến giá trị thực.
2.700 HA LÚA VỤ XUÂN TẠI NGHỆ AN SINH TRƯỞNG KÉM
Thực hiện: VIỆT KHÁNH - NGỌC LINH – ĐÌNH TIỆP
Liên quan đến diện tích hơn 2.700 ha lúa sinh trưởng kém, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An cho biết, có 2 nguyên nhân chính, thứ nhất do tác động của thời tiết bất thuận, thứ hai do chính quyền địa phương và người dân không tuân thủ nghiêm túc lịch thời vụ. Bên cạnh đó, Sở này cũng khẳng định, sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua khâu giống.
Được biết Nghệ An cơ cấu 74 giống tại vụ xuân 2025, nhưng thực chất có đến 102 giống lúa hiện diện trên ruộng đồng, con số chênh lệch rất lớn. Càng đáng lo hơn khi có đến 34 giống lúa không phát triển như kỳ vọng, trong đó có những giống nằm ngoài cơ cấu thời vụ như: LC 25, Syn 12, Syn 18, Khang dân 18, Q5, Ngọc Nương 9, KOJI, DT 82.