Khẩn trương khắc phục hậu quả sạt lở tại Lai Châu; Lan toả hành động xanh tại Vườn quốc gia Ba Vì; Trà Vinh công bố tình huống sạt lở khẩn cấp; Giá xuất khẩu gạo tăng trở lại.
Ngày 16/5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả sự cố sạt lở tại công trường thi công công trình thủy điện Tả Páo Hồ 1A, thuộc địa bàn xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân gia đình những người bị nạn, yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu trực tiếp chỉ đạo, huy động lực lượng tập trung tìm kiếm, cứu nạn những người còn mất tích với lưu ý phải bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, tổ chức cứu chữa miễn phí cho người bị thương.
Công điện giao Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương phối hợp điều tra, xác định rõ nguyên nhân sự cố để kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn thi công xây dựng, xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật. Thủ tướng cũng giao các địa phương kịp thời chỉ đạo, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ ngay các gia đình có người bị nạn theo đúng quy định.
LAN TOẢ HÀNH ĐỘNG XANH TẠI VƯỜN QUỐC GIA BA VÌ
Thực hiện: PHƯƠNG LINH – TRẦN VĂN
Hướng tới kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 -2030 và hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025, ngày 16/5, tại Vườn quốc gia Ba Vì, Đoàn Thanh niên Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức chương trình trồng cây, thực hiện công trình thanh niên “Triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh”.
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Tạ Hồng Sơn - Bí thư Đoàn TNCS HCM Bộ NN&MT khẳng định: “Mỗi cây xanh được trồng hôm nay là biểu tượng cho tình yêu thiên nhiên và khát vọng về một Việt Nam xanh - sạch - đẹp. Thanh niên chính là lực lượng tiên phong trong hành trình lan tỏa những giá trị xanh vì tương lai của đất nước.”
Tại chương trình đoàn viên, thanh niên đã tham gia trồng mới 5 ha rừng với các loài cây bản địa quý như Lim xanh, Dẻ đỏ, Chò chỉ – những loài cây có giá trị cao về sinh thái và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái rừng.
TRÀ VINH CÔNG BỐ TÌNH HUỐNG SẠT LỞ KHẨN CẤP
Thực hiện: VĂN VŨ
UBND tỉnh Trà Vinh vừa công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê bao tại khu vực Cồn Hô ở ấp Mỹ Hiệp A, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long. Nguyên nhân là do triều cường kết hợp gió mạnh tạo dòng chảy xiết, gây vỡ nhiều đoạn đê với tổng chiều dài khoảng 680m. Đặc biệt, đợt triều cường trong tháng 4 vượt mức báo động III đã làm vỡ 8 đoạn đê, khiến khu vực Cồn Hô ngập sâu từ 1 đến 1,5m, ảnh hưởng nghiêm trọng đến 25 ha cây ăn trái, chăn nuôi và thủy sản của 29 hộ dân.
Hiện nay, tình trạng sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp, ăn sâu vào thân đê, hiện tại mặt đê chỉ còn rộng 0,5–1m nên không còn khả năng ngăn triều cường. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Càng Long cắm biển cảnh báo, thông báo rộng rãi để người dân chủ động phòng tránh, đồng thời bố trí lực lượng theo dõi, chuẩn bị vật tư, nhân lực ứng phó khi cần thiết. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp chặt chẽ với địa phương theo dõi diễn biến, đề xuất giải pháp xử lý khẩn cấp nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và sản xuất.
GIÁ XUẤT KHẨU GẠO TĂNG TRỞ LẠI
Thực hiện: PHẠM HUY
Sau giai đoạn sụt giảm đầu năm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã phục hồi rõ rệt trong những ngày đầu tháng 5, đặc biệt ở phân khúc gạo 5% tấm.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tính đến ngày 15/5 dao động từ 398 - 402 USD/tấn, cao hơn so với mức giá của Ấn Độ (382 - 386 USD/tấn) và Pakistan (389 – 393 USD/tấn). Đây được xem là mức giá cao nhất kể từ tháng 4 đến nay, cho thấy tín hiệu phục hồi rõ nét sau chuỗi ngày giảm sâu đầu năm. Ở phân khúc cao cấp, gạo OM5451 và OM18 đang được giao dịch với giá từ 500 - 530 USD/tấn. Đặc biệt, các dòng gạo đặc sản như: ST25 hay gạo hữu cơ tiếp tục giữ mức giá cao, dao động từ 800 đến 1.200 USD/tấn. Vì vậy, giá bình quân gạo xuất khẩu Việt Nam hiện duy trì trên 500 USD/tấn (quy đổi giá khoảng 12.000 đồng/kg).
Diễn biến tích cực này đang thắp lên nhiều kỳ vọng cho cả doanh nghiệp xuất khẩu lẫn người trồng lúa, trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt và nhu cầu thị trường toàn cầu dần tăng cao trở lại.