
Hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Những ngày đầu tháng 5, không khí lao động rộn ràng bao trùm nhiều cánh đồng huyện Tháp Mười, Tam Nông, Tân Hồng... Nông dân Đồng Tháp phấn khởi xuống giống vụ hè thu 2025 với tâm thế chủ động nhờ vào các hệ thống thủy lợi được đầu tư hoàn thiện và giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 833 công trình kênh rạch các cấp, hơn 2.600 công trình điều tiết nước, hơn 1.200 trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu, cùng hơn 8.100km bờ bao chống tràn, xâm nhập mặn.
Đặc biệt, tuyến đê bao cấp III dài 7,7 km tại thị trấn Sa Rài (huyện Tân Hồng) đã hoàn thành, góp phần bảo vệ an toàn sản xuất và dân cư vùng biên giới. Không chỉ phục vụ sản xuất, hệ thống thủy lợi còn góp phần phân bổ dân cư, kết hợp giao thông thủy bộ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp bền vững.
Ông Lê Văn Hiếu, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phú Bình (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng) cho biết: “Chúng tôi quản lý 6 trạm bơm điện và hơn 20km kênh nội đồng. Nhờ được hỗ trợ nạo vét định kỳ, chủ động điều tiết nước nên bà con an tâm sản xuất. Vụ đông xuân vừa qua lúa trúng mùa, giá bán tương đối ổn nên nông dân có lãi cao. Còn vụ hè thu hiện nay đang canh tác rất thuận lợi, lấy nước vào đồng ruộng mà không lo thiếu nước”.
Tại cánh đồng xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, ông Nguyễn Văn Tám, một nông dân trồng lúa lâu năm cho biết: Mấy năm gần đây thủy lợi nội đồng ở địa phương được nhà nước đầu tư ngon lành lắm, cống điều tiết nước tự động, có máy bơm hỗ trợ nên dù nắng hạn kéo dài, lúa vẫn đủ nước. Hồi trước thiếu nước, lo lắm, giờ chỉ cần lo sâu bệnh và giá bán lúa thôi.

Hệ thống thủy lợi góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ông Huỳnh Minh Đường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Tháp, nhận định: Những năm gần đây, nhờ đầu tư mạnh vào hệ thống thủy lợi, tỉnh đã cơ bản kiểm soát được tình trạng hạn hán, thiếu nước ở các vùng khó khăn. Các trạm bơm điện, cống điều tiết, kênh mương liên hoàn không chỉ giúp tích trữ mà còn điều phối nước hiệu quả cho sản xuất và sinh hoạt người dân.

Nông dân Đồng Tháp phấn khởi xuống giống vụ hè thu 2025. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Để đảm bảo hiệu quả các giải pháp, tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện, xã, HTX và người dân cùng phối hợp triển khai. Việc kiểm kê, phân vùng hạn, điều chỉnh lịch thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng... sẽ được triển khai sát với thực tế từng vùng.
Theo dự báo, hiện tượng ENSO sẽ duy trì trạng thái trung tính đến giữa năm 2025. Tuy không quá khắc nghiệt như các năm El Nino trước, nhưng nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn cục bộ vẫn có thể xảy ra, nhất là vào cuối mùa khô từ tháng 3 đến tháng 5. Các địa phương ven sông như Tháp Mười, Châu Thành, Lai Vung được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể.
Để chủ động ứng phó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn theo tinh thần Công điện 128 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Theo đó, toàn tỉnh sẽ nạo vét các kênh mương nội đồng, bể hút trạm bơm. Song song đó, kiểm tra, sửa chữa cống, trạm bơm điện nhằm đảm bảo tích trữ đủ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Ngoài các giải pháp công trình, tỉnh cũng triển khai đồng bộ các giải pháp phi công trình như: tuyên truyền sử dụng nước tiết kiệm, bố trí lịch thời vụ phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sử dụng ít nước, áp dụng mô hình tưới tiết kiệm.