Mưa đến, mặn đi
ĐBSCL đang bước vào đầu mùa mưa năm 2025, hiện tại khu vực này ghi nhận lượng mưa khá lớn, dao động từ 30-50mm, có nơi trên 70mm. Lượng mưa đáng kể này đã góp phần làm giảm mức độ xâm nhập mặn so với dự báo trước đó.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, xâm nhập mặn có hàm lượng 4g/l hiện chỉ vào sâu khoảng 30km tính từ các cửa sông, mức được xem là thấp hơn trung bình nhiều năm.

ĐBSCL đang bước vào đầu mùa mưa, nông dân tranh thủ lấy nước ngọt để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo các tỉnh trong vùng không nên chủ quan, bởi diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là khi gió chướng hoạt động mạnh có thể đẩy mặn vào sâu trong nội đồng. Việc vận hành hợp lý các cống kiểm soát mặn, tranh thủ tích nước ngọt và giám sát chất lượng nước trước khi đưa vào sản xuất được xem là giải pháp then chốt để đảm bảo an toàn mùa vụ.
Hiện tại, toàn vùng ĐBSCL đã xuống giống vụ hè thu 2025 được hơn 780.000 ha, đạt khoảng 53,6% kế hoạch, tập trung chủ yếu ở các vùng ngọt như: Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang... Số diện tích còn lại dự kiến hoàn tất gieo sạ trong tháng 5-6 này.
Tại huyện Tri Tôn (An Giang), do địa hình núi cao nên việc tích trữ và dẫn nước gặp nhiều khó khăn hơn so với các địa bàn khác. Ông Trần Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết: Địa phương chia lịch xuống giống lúa hè thu làm 3 đợt từ giữa tháng 3 đến 10/5, căn cứ vào điều kiện thủy lợi và khả năng chia sẻ nguồn nước giữa các tiểu vùng. Cùng với đó, huyện yêu cầu nông dân vệ sinh đồng ruộng trước gieo sạ, tập trung xuống giống đồng loạt để né hạn đầu vụ, phòng tránh dịch hại, đồng thời áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến như IPM, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”.

Những cơn mưa xuất hiện góp phần làm giảm mức độ xâm nhập mặn so với dự báo trước đó, người dân An Giang rất yên tâm sản xuất. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ngoài việc điều chỉnh thời vụ, Tri Tôn còn đẩy mạnh các hoạt động khơi thông dòng chảy. Các xã trọng điểm như Lạc Quới, Vĩnh Gia, Ba Chúc đã và đang khảo sát, lên kế hoạch nạo vét kênh mương nhằm bảo đảm lượng nước tưới tiêu cho gần 44.637 ha diện tích cây trồng vụ này.
Chuyển đổi cây trồng vùng khan hiếm nước
Tại Đồng Tháp - địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn của vùng ĐBSCL, công tác phòng chống hạn, mặn đã được chủ động triển khai từ đầu mùa khô.
Ông Huỳnh Minh Đường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Tháp cho biết: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, việc tăng cường trữ nước, kiểm soát mặn và điều tiết thời vụ đang được xem là giải pháp căn cơ, góp phần giúp Đồng Tháp chủ động hơn trong ứng phó với hạn mặn và đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp bền vững.
Hiện nay, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch ứng phó hạn mặn trên toàn tỉnh, tập trung vào các giải pháp như nạo vét kênh rạch, tích trữ nước tại chỗ, chuyển đổi cây trồng ở vùng khan hiếm nước, đồng thời theo dõi sát tình hình nguồn nước để có điều chỉnh phù hợp.

Việc tích nước và vận hành linh hoạt các công trình thủy lợi là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an toàn cho mùa vụ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Vụ hè thu năm nay, Đồng Tháp gieo trồng hơn 186.500 ha lúa, 13.500 ha hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, 46.500 ha cây lâu năm. Để đảm bảo nước tưới, tỉnh đã huy động các nguồn lực sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi, nhất là tại các vùng có địa hình cao hoặc khó tiếp cận nguồn nước.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) cho biết: Cần chuyển đổi tư duy canh tác từ chủ động nước sang chủ động mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó có việc sử dụng giống ngắn ngày, tiết kiệm nước.