| Hotline: 0983.970.780

‘Trẻ hóa’ công trình thủy lợi: [Bài 3] Nhàn như đóng mở cửa đập

Thứ Hai 12/05/2025 , 15:38 (GMT+7)

Khi đã vận hành đập bằng tời điện với cửa van thép, công nhân thủy lợi vẫn chưa quên nỗi ‘ám ảnh’ của những tấm ván phai.

Ám ảnh những tấm ván phai

Về đập Thạnh Hòa 1, con đập chắn ngang hạ lưu sông Kôn để đưa nước tưới cho đồng ruộng các xã Phước Sơn, Phước Hiệp, Phước Hòa, Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định), chúng tôi không còn thấy hình ảnh con đập bằng xi măng cũ kỹ, thấp lè tè, dày đặc cửa thoát lũ; thay vào đó là công trình bề thế, cầu giao thông trên đỉnh đập nối đôi bờ sông Kôn, tạo thuận lợi cho người dân xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) và phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) đi lại.

Đập Thạnh Hòa 1 sau khi được sửa chữa, nâng cấp. Ảnh: V.Đ.T.

Đập Thạnh Hòa 1 sau khi được sửa chữa, nâng cấp. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Nguyễn Uyên Thiện, tổ trưởng tổ thủy nông đập Thạnh Hòa 1 thuộc Xí nghiệp Thủy lợi IV (Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định), đơn vị quản lý, vận hành đập Thạnh Hòa 1 năm nay mới 40 tuổi mà đã có 15 năm làm việc trong ngành thủy lợi. Trong đó, anh Thiện đã có 8 năm gắn bó với đập Thạnh Hòa 1.

Nói về những cơ cực trong việc vận hành đập Thạnh Hòa 1 trước khi được sửa chữa, nâng cấp, anh Thiện nhớ lại: Đập Thạnh Hòa 1 cũ trước đây được thi công bằng đá chẻ, có đến 35 cửa, mỗi cửa rộng 2m, đóng mở bằng những tấm ván phai. Chiều sâu của đập là 2,5m, trong khi mỗi ván phai chỉ cao 20cm. Như vậy, mỗi cửa đập phải sử dụng 12 tấm ván phai mới đóng kín được.

Anh Nguyễn Uyên Thiện, tổ trưởng tổ thủy nông đập Thạnh Hòa 1, đứng bên thiết bị đo mực nước tại công trình. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Nguyễn Uyên Thiện, tổ trưởng tổ thủy nông đập Thạnh Hòa 1, đứng bên thiết bị đo mực nước tại công trình. Ảnh: V.Đ.T.

“Con đập cũ có cửa hẹp, nên việc thoát lũ rất hạn chế. Vào mùa mưa lũ, cây cối, rác rưởi từ thượng nguồn theo sông Kôn đổ về vướng vào các trụ phân cách giữa các cửa đập gây ách tắc dòng chảy, nhân viên trong tổ phải thường xuyên dùng cây có móc sắt móc rác lên. Sau thời gian dài vận hành, con đập lại nằm ngoài trời nên lớp vôi vữa bên ngoài bị bong tróc, các rãnh lộ ra sạn đá, không còn trơn tru, nên kéo được miếng ván phai từ dưới nước lên rất khổ”, anh Thiện cho hay.

Vận hành đập bây giờ chỉ cần nhấn nút

Anh Nguyễn Uyên Thiện chia sẻ thêm: Mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về dồn dập nên áp lực nước tại các con đập phía hạ lưu là rất lớn. Hơn nữa, những tấm ván phai nằm dưới nước từ năm này qua năm khác thường bị mục ruỗng trong ruột, nhiều khi đang kéo lên thì bị tuột móc sắt. Điều tiết nước trong mùa khô để tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp thì không vấn đề gì, nhưng vào mùa lũ phải 4 người mới thực hiện được việc kéo những tấm ván phai mở cửa đập để tiêu thoát lũ.

Anh Nguyễn Uyên Thiện bấm nút vận hành mở cửa đập. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Nguyễn Uyên Thiện bấm nút vận hành mở cửa đập. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo anh Thiện, sau khi được sửa chữa, nâng cấp, đập Thạnh Hòa 1 chỉ còn 7 cửa, mỗi cửa rộng 12m, vận hành bằng cửa van phẳng vật liệu thép, đóng mở bằng hệ thống tời điện. Hệ thống tời quay đặt ngay bên trên mỗi cửa đập và có gắn một hộp công tắc điện để vận hành.

“Hiện nay, mỗi khi vận hành cửa đập chỉ cần 2 người, 1 người lên cầu công tác vận hành tời, 1 người xuống bên dưới theo dõi khẩu độ cửa đập mở. Khi cửa đập đã mở đủ lưu lượng xả, người đứng bên dưới đập thông báo để người vận hành tời trên cầu công tác bấm nút tắt. Bây giờ, áp lực lũ có lớn đến mấy thì việc đóng mở cửa đập cũng khỏe re, công nhân thủy lợi cũng được an toàn”, anh Nguyễn Uyên Thiện cho hay.

“Trong mùa mưa lũ, khi Sở Nông nghiệp và Môi trường có văn bản trình UBND tỉnh xin điều tiết lũ hồ Định Bình thì các tổ thủy nông quản lý các con đập dưới hạ lưu chỉ cần bấm tời mở cửa đập là tiêu thoát lũ tức thì, không còn ách tắc như lúc còn vận hành bằng ván phai nữa”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định cho hay.

Xem thêm
Tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng'

Việc tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng', trong bảo vệ sức khỏe người dân và trong tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Rừng Cần Giờ - Nửa thế kỷ hồi sinh

Ngồi trên chiếc ca nô của lực lượng kiểm lâm, lướt trên sông Lòng Tàu mềm như dải lụa, len lỏi giữa những cánh rừng ngập mặn, tôi thầm thốt lên: 'Đúng là kỳ tích'.