| Hotline: 0983.970.780

Giá điện tăng từ ngày 10/5, mỗi tháng người dân phải trả thêm bao nhiêu?

Thứ Sáu 09/05/2025 , 22:48 (GMT+7)

Từ ngày 10/5/2025, mức giá bán lẻ điện bình quân sau khi điều chỉnh là hơn 2.204 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đối với các hộ dân sử dụng điện sinh hoạt, mỗi hộ trong 1 tháng sẽ trả thêm từ 4.550 đồng đến hơn 65.050 đồng, tùy theo mức sử dụng.

Cụ thể, các hộ sử dụng điện dưới 50 kWh, mức tăng tiền điện tăng khoảng 4.550 đồng/hộ/tháng.

Các hộ sử dụng từ 51 - 100 kWh, mức tăng tiền điện khoảng 9.250 đồng/hộ/tháng.

Các hộ dân sử dụng từ 101 - 200 kWh (đang là nhóm khách hàng lớn nhất), mức tăng tiền điện khoảng 20.150 đồng/hộ/tháng.

Các hộ sử dụng điện từ 201 - 300 kWh, mức tăng tiền điện khoảng 33.950 đồng/hộ/tháng.

Các hộ sử dụng điện từ 301- 400 kWh, mức tăng tiền điện khoảng 49.250 đồng/hộ/tháng.

Đối với các hộ sử dụng điện từ 400 kWh trở lên, mức tăng tiền điện khoảng trên 65.050 đồng/hộ/tháng.

Nguồn: EVN.

Nguồn: EVN.

Về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng, hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng theo chủ trương của Chính phủ.

Với khách hàng kinh doanh dịch vụ (có khoảng 574.000 khách hàng), mức tăng trung bình mỗi khách hàng là 332.000 đồng/tháng.

Còn với khách hàng sản xuất (cả nước có khoảng 1,98 triệu khách hàng), sau điều chỉnh giá, mỗi khách hàng sẽ trả thêm trung bình là 677.000 đồng/tháng.

Với các khách hàng hành chính sự nghiệp (tổng số 719.000 khách hàng), sau khi đổi giá, trung bình mỗi khách hàng sẽ trả thêm 125.000 đồng/tháng.

Theo EVN, mức điều chỉnh tương đương tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành đã được tính toán kỹ lưỡng. Ảnh: EVN.

Theo EVN, mức điều chỉnh tương đương tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành đã được tính toán kỹ lưỡng. Ảnh: EVN.

Phát biểu tại buổi trao đổi thông tin liên quan đến công tác điều hành đảm bảo điện do EVN tổ chức chiều 9/5, tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, việc điều chỉnh giá điện sẽ tác động nhất định làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

“Trong giai đoạn vừa qua, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn EVN phối hợp rất chặt chẽ với Cục Thống kê (Bộ Tài chính) để giám sát và theo sát diễn biến của chỉ số CPI, cũng như diễn biến của chỉ số đầu vào cho sản xuất - kinh doanh điện cũng như các chỉ số tác động đến GDP của toàn quốc. Riêng phần giá điện điều chỉnh 4,8%, sẽ tác động đến CPI khoảng 0,09%”, ông Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, việc điều chỉnh giá điện bám sát các văn bản pháp lý hiện hành, như: Luật Điện lực năm 2024; Nghị định 72/CP, trong đó quy định rõ phương pháp tính giá điện, thời gian, biên độ và các chi phí đầu vào… Cùng đó, trên cơ sở của Thông tư 22 năm 2025 của Bộ Công Thương và Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ, EVN thường xuyên cập nhật các biến động của các chỉ số đầu vào.

Đại diện EVN khẳng định, mức điều chỉnh tương đương tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành đã được EVN tính toán kỹ lưỡng với tinh thần hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Xem thêm
Rừng Cần Giờ - Nửa thế kỷ hồi sinh

Ngồi trên chiếc ca nô của lực lượng kiểm lâm, lướt trên sông Lòng Tàu mềm như dải lụa, len lỏi giữa những cánh rừng ngập mặn, tôi thầm thốt lên: 'Đúng là kỳ tích'.