
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy tiếp bà Dechen Tsering, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNEP. Ảnh: Quỳnh Chi.
Quản lý môi trường, xử lý ô nhiễm là nhiệm vụ trọng tâm
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, UNEP đã có nhiều đóng góp thiết thực trong việc hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực quản lý và cải thiện điều kiện môi trường. Bộ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ từ UNEP trong thời gian tới, để cùng nhau giải quyết những thách thức môi trường ngày càng gia tăng.
Bộ trưởng nhấn mạnh, các nội dung hợp tác với UNEP sẽ có nhiều tiềm năng và được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa; đồng thời cho biết, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với UNEP để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường toàn cầu.
Về phía cơ quan của Liên hợp quốc, bà Dechen Tsering đánh giá cao mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa UNEP với Chính phủ Việt Nam trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và xây dựng chính sách môi trường. UNEP sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật trong phát triển thị trường carbon, tài chính khí hậu, công nghệ giảm phát thải, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng vật liệu xanh, làm mát đô thị cũng như các chiến lược giảm phát thải khác.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, UNEP đã có nhiều đóng góp thiết thực trong việc hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực quản lý và cải thiện điều kiện môi trường. Ảnh: Quỳnh Chi.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy thông tin, trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030, Chính phủ Việt Nam xác định, quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Bộ trưởng nêu rõ, ô nhiễm môi trường là vấn đề không biên giới, do đó cách tiếp cận cần mang tính toàn cầu, trước hết là trong phạm vi khu vực. Trong bối cảnh đó, UNEP, đặc biệt là Văn phòng UNEP khu vực châu Á - Thái Bình Dương và UNEP Việt Nam, là những đối tác quan trọng, đã và sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam giải quyết những thách thức không chỉ ở cấp quốc gia mà còn đóng góp vào nỗ lực toàn cầu.
Vấn đề là, cần kiểm soát các nguồn phát thải khó phân hủy, bao gồm các hợp chất hữu cơ khó phân hủy (POPs), thủy ngân, rác thải nhựa. Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ Môi trường và đang xây dựng các nghị định hướng dẫn thực thi, trong đó đặc biệt chú trọng đến cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với các sản phẩm và bao bì gây ô nhiễm lâu dài. Đây là bước đi thiết thực nhằm thực hiện các cam kết quốc tế.
Về ứng phó biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ UNEP trong việc chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển về kiểm soát các chất gây hại tầng ozone và đưa vào vận hành thị trường carbon một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất.
Là một quốc gia nông nghiệp, Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải, tiêu biểu là "Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Tuy nhiên, để triển khai thành công các mô hình này, Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam cần sự đồng hành của UNEP và các đối tác quốc tế trong việc hỗ trợ nguồn lực, kỹ thuật, đổi mới công nghệ và xây dựng hệ thống quản lý đo lường phát thải.
Thúc đẩy cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất
Một nội dung quan trọng khác được người đứng đầu ngành Nông nghiệp - Môi trường nêu là việc kiểm soát các nguồn ô nhiễm mang tính khu vực - bao gồm ô nhiễm không khí, ô nhiễm lưu vực sông, rác thải nhựa đại dương và tình trạng ô nhiễm từ các làng nghề nông thôn.
Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình giáo dục môi trường trong trường học và truyền thông cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, nhưng vẫn mong muốn học hỏi thêm các phương pháp tiếp cận sáng tạo, đa chiều từ UNEP và các quốc gia khác. Theo ông, có những vấn đề về môi trường chỉ cần thay đổi nhận thức, nhưng cũng có vấn đề cần đưa vào khuôn khổ pháp lý để đảm bảo tính ràng buộc trong thực thi.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tặng quà kỷ niệm cho đại diện UNEP. Ảnh: Quỳnh Chi.
Trong khuôn khổ trao đổi, đại diện UNEP nhấn mạnh, việc suy giảm môi trường toàn cầu là vấn đề nghiêm trọng, có liên quan mật thiết đến phát triển nông nghiệp bền vững - một lĩnh vực cần được chú trọng giải quyết. Trong quá trình đàm phán về một hiệp ước toàn cầu liên quan đến nhựa và rác thải nhựa, các quốc gia đang bày tỏ những quan điểm khác nhau về tính ràng buộc pháp lý của thỏa thuận.
Một số quốc gia ủng hộ xây dựng các cam kết pháp lý cụ thể, trong khi một số khác vẫn còn thận trọng. Với tư cách là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc và giữ vai trò Ban Thư ký của tiến trình đàm phán, UNEP kỳ vọng các quốc gia sẽ tham gia đầy đủ vào thỏa thuận toàn cầu, trong đó có phụ lục đi kèm nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện cũng như quy định pháp luật của từng nước.
Với chia sẻ của Bộ trưởng, UNEP nhận thấy sự tích cực trong thúc đẩy cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong quản lý chất thải, đặc biệt là đối với rác thải nhựa. UNEP có Ủy ban Kinh tế - Xã hội phụ trách phối hợp các chính sách về kiểm soát ô nhiễm và phát triển bền vững và tích cực hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… Đây là nền tảng để chia sẻ thông tin, thúc đẩy hợp tác khu vực, trong đó có liên quan đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Với mạng lưới các Trung tâm Công nghệ Khí hậu của Liên hợp quốc, UNEP bày tỏ mong muốn chào đón các viện nghiên cứu và tổ chức khoa học của Việt Nam trở thành thành viên, nhằm cùng đóng góp và học hỏi về công nghệ xanh và giải pháp giảm phát thải tiên tiến.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sáng kiến xây dựng một Công ước quốc tế về rác thải nhựa - tương tự như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Ông cho rằng, đây là một bước đi cần thiết để giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu. Việt Nam ủng hộ việc thiết lập các cơ chế như hạn ngạch, tín chỉ liên quan đến rác thải nhựa và mong muốn UNEP tiếp tục đóng vai trò điều phối, vận động để ngày càng có nhiều quốc gia tham gia quá trình đàm phán, cam kết thực thi công ước này.
Đại diện UNEP chúc mừng Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G). Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, và UNEP mong muốn tổng hợp, lan tỏa các mô hình, giải pháp hiệu quả để chia sẻ với các quốc gia thành viên.
Hội nghị P4G (Hà Nội, 15-17/4/2025), với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”, là sự kiện cấp cao đa phương về tăng trưởng xanh có quy mô lớn nhất do Việt Nam đăng cai tổ chức trong giai đoạn 2021-2026. Báo Nông nghiệp và Môi trường sẽ cập nhật xuyên suốt những cam kết mạnh mẽ, vai trò chủ động và trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị P4G.