Sầu riêng - thay đổi nhận thức để hết 'sầu Trung'

Ngô Quốc Khang - Thứ Bảy, 24/05/2025 , 13:00 (GMT+7)

Trong mong muốn thúc bách đóng góp giúp bà con trồng sầu riêng qua cơn ‘nhức đầu về đầu ra sang Trung Quốc’ của thức quả ngon khó cưỡng này

Trong mong muốn thúc bách đóng góp giúp bà con trồng sầu riêng qua cơn ‘nhức đầu về đầu ra sang Trung Quốc’ của thức quả thơm ngon này, tác giả dùng tiếng Trung nhắn hỏi một doanh nghiệp kĩ thuật vi sinh bên nước bạn về việc có loại vi sinh nào bón cho cây sầu riêng mà nó hết được Cadimi không?

Câu đầu tiên anh ấy hỏi tác giả: “Cadimi trong tiếng Trung nghĩa là gì"? (Xin chú thích thêm, câu hỏi nguyên văn của tác giả là dùng tiếng Trung (chữ Hán), chỉ có chữ Cadimi thì tác giả viết đúng là “Cadimi”).

Sầu riêng được bày bán tại thị trường Trung Quốc.

Ngơ ngác không kém người hỏi lại, tác giả lần hồi tra cứu để trả lời và thấy, người Việt nói chung gọi là Cadimi, như tên tiếng Anh thường gọi, nhưng tiếng Trung sẽ đọc là "gé" (phiên âm La tinh) (đọc như "cứa" trong tiếng Việt), viết là ‘镉’ và âm Hán Việt là “ngạc”.

Thực sự là rất khác so với “Cadimi” vốn cùng ký hiệu hóa học Cd hay tên khoa học Cadmium, nguyên tố số 48 trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học.

Câu hỏi và câu trả lời lập tức đưa tác giả vào một dòng suy nghĩ rất khác mà có lẽ rất nhiều trong số bà con nông dân, các doanh nông hay cơ quan chức năng Việt Nam có thể đã bỏ qua vì nghĩ rằng là việc rất nhỏ trong chuyện sầu riêng nói riêng và thương phẩm nông sản Việt Nam nói chung gặp phải khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tư duy thương phẩm và cách tạm "đặt tên" các nhân vật

Điều khác nhau cốt lõi giữa nông sản và thương phẩm trong tình huống này chính là việc nông sản được nông dân tên Chín trồng ra, thu hoạch, đem đi bán cho đại lý, công ty xuất khẩu tên là Chuyển, người quyết định nông sản đó có được mang qua bán không là cơ quan Hải quan Trung Quốc tại các cửa khẩu, tên là Lệnh, còn người tiêu dùng Trung Quốc tên là Thực.

Sự chênh lệch về nhận thức giữa Lệnh và Chín là một khoảng trống rất dài vì tất cả những gì mà Lệnh dựa vào để quyết định trái sầu riêng của Chín được lưu hành chính thức trong thị trường Trung Quốc đến tay Thực thường được thông qua rất nhiều tầng nấc các cơ quan chức năng của Việt Nam, có tên chung là Ban để truyền đạt đến Chín. Nông sản ai cũng có thể làm ra, nhưng quyết định ai mua hay bán được cho ai thì mới là thương phẩm.

Trong câu chuyện này, người nào, ở khâu nào cũng khẳng định làm đúng, đủ chức năng, nhưng vấn đề vẫn xảy ra, thậm chí là nghiêm trọng. Vậy lí do nằm ở đâu?

Cứ mặc định là Ban đã làm hết trách nhiệm, làm đúng chức năng, vậy tại sao sầu riêng của Chín dù được Lệnh kiểm nghiệm, tuân thủ những hướng dẫn từ Ban mà vẫn bị Lệnh trả về, không cho nhập khẩu để bán cho Thực?

Để trả lời những câu hỏi trên, cần bắt đầu từ những điều cơ bản nhất: hiểu được người chấm bài: chấm như thế nào, vì sao bài của mình nghĩ là ổn lại bị điểm kém? Điều này ứng vào câu chuyện thương phẩm nông sản của Việt Nam bán sang thị trường Trung Quốc thì muốn bán đến đâu, thông tin, tư duy cần đi trước một bước chứ không chờ bị động một nhịp hay nhiều nhịp.

Nhận thức cần có để tránh những sai biệt nhỏ mà không nhỏ

Dù "núi liền núi, sông liền sông" nhưng cuộc sống, tư duy, nhận thức về cùng một công việc, vấn đề giữa Chín và Thực hay giữa Ban và Lệnh vẫn có những sai biệt (từ Hán Việt, không phải là sai trái, mà sự khác nhau trên một hoặc hai khía cạnh: nếu cùng đơn vị đo thì là dung sai nếu không thì là khác nhau về đơn vị đo) rất lớn mà nếu không đi sâu tìm hiểu, phân tích để hiểu được gốc tích thì sẽ dễ dẫn đến nhận thức không đúng đắn để đạt mục tiêu biến nông sản thành thương phẩm.

Một ví dụ rất đơn giản và sinh động, là một bước chân 20cm giữa biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Cửa khẩu Hữu Nghị Quan sẽ khiến Thực hay Chín phải chỉnh đồng hồ nhanh hơn hay chậm lại 1 tiếng để đúng với "giờ địa phương" dù về không gian vật lý giống như hai người bạn ngồi cùng bàn học đôi mà thôi.

Cần nhận thức xa hơn, cụ thể hơn về một “Trung Quốc đã là một thị trường khó tính” và đừng để sầu riêng phải “sầu Trung”.

Sầu riêng rất được người tiêu dùng Trung Quốc quan tâm, ưa chuộng.

Đầu tiên là quyết tâm của lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc

Theo thống kê sơ bộ, chỉ riêng việc nhấn mạnh về tầm quan trọng của kiểm soát an toàn thực phẩm thì kể từ lần đầu tiên, ngày 15/9/2012, tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, đến gần nhất là ngày 7/9/ 2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu chỉ đạo 11 lần qua các phương thức, phương tiện, bối cảnh khác nhau, trong đó có phát biểu đáng chú ý liên quan đến trái cây trong thực phẩm của người dân Trung Quốc trên truyền hình đêm giao thừa Tết Quý Mão 2023, tạm dịch ý: “Dân lấy ăn làm trời. ‘Giỏ rau’, ‘túi gạo’, ‘khay trái cây’ liên quan đến ngàn nhà vạn hộ, là những vấn đề dân sinh cơ bản nhất. Dịp lễ Tết, không được quên an toàn. Chợ đầu mối không chỉ cần làm tốt việc mở rộng nguồn cung, phong phú chủng loại, đảm bảo chất lượng, mà còn phải tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm và quản lý thị trường, để người dân thủ đô ăn ngon, ăn yên tâm”.  

Điều này lý giải nguồn gốc về chỉ đạo ở cấp cao nhất Trung Quốc về kiểm soát an toàn thực phẩm, thậm chí cụ thể đến "khay trái cây" mà có lẽ ở Việt Nam thì các bên có liên quan chỉ nắm được thông qua các quy định cụ thể và chưa chắc đã hiểu và tuân thủ đầy đủ như nghị định thư, Lệnh (248, 249...) mà thôi và với những câu mở đầu thị trường Trung Quốc đã khó tính, không còn dễ tính nữa...  

Đến chuyện các "hệ quy chiếu" có những sai biệt về cùng một vấn đề hay GB hay ISO TCVN/QCVN, ở đây, tạm bỏ qua sự khác biệt đương nhiên và có thể hiểu giữa các ngôn ngữ của các quốc gia khác nhau.

Trước hết là GB và ISO

Đối với rất nhiều người Việt Nam, nói đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, tiêu chuẩn cao thì thường hay nhắc tới từ cửa miệng “i dô” (ISO), hay chuẩn "quốc tế" nhưng thị trường Trung Quốc có một hệ thống tiêu chuẩn quốc gia riêng, viết tắt là GB (hai chữ cái đầu của phiên âm Gúo Biao, hay chữ Hán mà người Trung Quốc dùng là “国标“).

Với một "thế giới" riêng của mình, ngay ISO cũng có những sự "quy chiếu" các tiêu chuẩn của mình với GB, theo ba cấp độ: (i) IDT (Identical - có thể nhận ra): Tiêu chuẩn GB giống hệt tiêu chuẩn ISO, chỉ có thay đổi biên tập nhỏ, không ảnh hưởng đến nội dung kỹ thuật; (ii) MOD (Modified - sửa đổi): Tiêu chuẩn GB có sửa đổi một phần nội dung kỹ thuật so với tiêu chuẩn ISO và (iii) NEQ (Not Equivalent - không tương đương): Tiêu chuẩn GB không tương đương với tiêu chuẩn ISO. Vậy nên, ngay cả viện dẫn các "thang đo", "cách đo", "ngưỡng"... với những thứ cần phải ‘đo’ nói chung, việc dẫn các tiêu chuẩn ISO hay tiêu chuẩn của thị trường khác chưa chắc đã đúng với thị trường Trung Quốc.      

Đến GB và QCVN/TCVN

Khác với Việt Nam, GB của Trung Quốc được tổ chức như một hệ thống pháp quy quốc gia có hiệu lực chặt chẽ, với sự tham gia của nhiều cơ quan kiểm tra - giám sát - kiểm dịch, được ban hành bởi Quốc Vụ Viện (tương đương Chính phủ, văn bản quy phạm pháp luật tương đương cấp Nghị định). Điều này giúp các doanh nghiệp và cơ quan chức năng thống nhất thực hiện, hạn chế sai biệt, tăng sức mạnh kiểm soát.

Trong khi đó, QCVN của Việt Nam do từng bộ ban hành theo ngành dọc ở cấp độ văn bản quy phạm pháp luật là thông tư (như Bộ Y tế cho ngưỡng hàm lượng kim loại nặng trong đó có Cadimi trong thực phẩm...), khiến việc phối hợp kiểm soát liên ngành gặp khó khăn, nhất là khi liên quan đến xuất nhập khẩu, nông sản, môi trường, công thương... vì đâu đó có nhận thức rằng, đây không phải là lĩnh vực của mình cần tuân thủ. Bên cạnh đó, TCVN hay Tiêu chuẩn Việt Nam chỉ mang tính kĩ thuật gợi ý, chưa mang tính bắt buộc.

Mối tương liên giữa các GB và QCVN/TCVN, chuyện thang đo, cách đo

Để kiểm soát hàm lượng Cadimi trong sầu riêng nhập khẩu, Trung Quốc áp dụng 2 GB tách biệt (với độ phổ quát và tính cưỡng chế thực thi cao như trên đã đề cập), gồm: (i) GB 2762-2022 quy định ngưỡng giới hạn cho phép Cadimi và các kim loại khác trong trái sầu riêng hay gọi là ‘thang đo’ và (ii) GB 5009.15-2014 về phương pháp kiểm nghiệm hay gọi là “cách đo”. Xin lưu ý Ban, Chuyển và Chín rằng, theo ‘dòng’ GB này, mới nhất, đó là ngày 16/3/2025, Trung Quốc đã ban hành GB 5009.268-2025 quy định tiêu chuẩn quốc gia của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 16/9/2025 thay thế cho phiên bản GB 5009.15-2014 về phương pháp kiểm nghiệm hàm lượng Cadimi trong sầu riêng.

Dù GB 2762-2022 vẫn có hiệu lực, đồng nghĩa với việc vẫn cho phép ngưỡng Cadimi trong sầu riêng là 0,05mg/kg nhưng rất có khả năng với ‘cách đo’ tiên tiến hơn, kĩ lưỡng hơn, chặt chẽ hơn quy định trong GB 5009.268-2025 thì có thể phát hiện ra hàm lượng rất thấp của Cadimi mà ai cũng coi là gần như không có đó là 0,01mg/kg, nếu ‘ánh xạ’ sang Nghị định 168/NĐ-CP trong lĩnh vực giao thông ở Việt Nam thì có lẽ độc giả sẽ rõ hơn về sự khác biệt về bản chất, hậu quả pháp lý rất lớn giữa không có gì và “có một tí” nồng độ cồn trong hơi thở.

Quay trở lại chuyện thang đo và thước đo: ở Việt Nam, giới hạn cho phép Cadimi trong thực phẩm được quy định trong QCVN 8-2:2011-BYT và phương pháp kiểm nghiệm là TCVN 2929-2:2008, là một kiểu tiêu chuẩn kĩ thuật, không bắt buộc hoặc có thể áp dụng phương pháp khác. Như vậy, dù ngưỡng giới hạn chung về hàm lượng Cadimi trong thực phẩm (trong đó có trái sầu riêng) của Việt Nam và Trung Quốc là giống nhau là 0,05 mg/kg nhưng Việt Nam không có một QCVN về phương pháp kiểm nghiệm để trở thành mức độ bắt buộc tuân thủ như GB 5009.15 hay từ ngày 16/9/2025 là GB 5009.268-2025.

Ngoài ra, để không bỏ sót một nguyên nhân, một “lỗ nhỏ làm đắm thuyền” nào dẫn đến việc sầu riêng của Chín, được Chuyển kiểm nghiệm tại phòng thí nghiệm tại Việt Nam do Lệnh chỉ định theo yêu cầu, tiêu chí của Lệnh nhưng lại không vượt qua được cửa kiểm nghiệm tại cửa khẩu do đơn vị của Trung Quốc tiến hành thì cần xem xét đầy đủ và kĩ lưỡng các khía cạnh: (i) có hay không sự khác biệt trong phương pháp phân tích, (ii) sai số do thiết bị của mỗi bên, (iii) sự khác nhau giữa quy trình tiền xử lí mẫu, (iv) mức độ đồng nhất của mẫu gửi kiểm, (v) độ chính xác, độ nhạy, giới hạn phát hiện của các phương pháp, (vi) thời điểm lấy mẫu, (vi) mẫu có bị nhiễm tạp chất từ vườn của Chín đến xe của Chuyển rồi đến gặp Lệnh, (vii) việc áp dụng ngưỡng kiểm nghiệm có chi tiết theo nhóm của GB hay không hay chỉ dùng nhóm chung kiểu QCVN?...

Hãy đối diện với A Láu

Có thể nói, hầu hết các hoạt động kinh tế tại Việt Nam, đặc biệt là khối dân doanh, doanh nghiệp có hoạt động kinh tế gắn liền với thị trường Trung Quốc, trong đó có hoạt động xuất khẩu sầu riêng thì sự xuất hiện của người Trung Quốc được gọi tên là A Láu (một cái tên dị danh, gọi theo kiểu người Việt gọi không biết tiếng Trung, gọi kiểu người Việt) rất phổ biến và họ có ảnh hưởng không nhỏ đến công việc đó dù trồng ra trái sầu riêng là Chín, người mua trên danh nghĩa xuất đi là Chuyển. Sự xuất hiện của A Láu nếu có thấy rõ hơn cả chắc là những tấm biển quảng cáo bên ngoài các vựa trái cây có dòng chữ tiếng Trung và thông tin liên lạc trực tiếp với A Láu.

Như rất nhiều ngành kinh doanh khác ở Việt Nam có sự xuất hiện của A Láu, A Láu có tiếng nói cả về nghĩa đen và nghĩa bóng quyết định đến việc thu mua, sơ chế, đóng gói, vận chuyển, xuất khẩu hàng sang Trung Quốc. Tuy nhiên, từ trước đến nay, chỉ có "thương lái" được nhắc đến chỉ chung một nhóm người đi mua gom nông sản, chứ chưa nhắc nhiều đến vai trò của họ, đặc biệt là những A Láu với các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc là chủ yếu.

Hãy thử một lần cho A Láu "lộ sáng", trực diện với nhau, cũng là cách để chúng ta thực sự biết được những gì đang diễn ra sau những con số báo cáo bằng tiếng Việt, có nhiều con số, dấu phẩy.

Các nước đã hoặc có bề dày bán sầu riêng sang thị trường Trung Quốc đã tận dụng hay nói cách khác là "nhờ vào" sự tham gia rất tích cực của cộng đồng người Hoa ở nước đó kết nối với gia tộc, họ hàng của họ tại Trung Quốc.

Một ví dụ đơn giản, tác giả có một anh bạn người Trung Quốc, họ Trung, tên là Trung Tiểu Minh, sống và làm việc tại thành phố Thượng Hải. Anh ấy có "chân" trong một tổ chức tự nguyện nôm na là Ban Liên lạc họ Trung toàn thế giới và một cái họ rất lạ như thế này cũng có số nhân khẩu gần 6,5 triệu người, đó là còn chưa kể tới những hội quán, thương quán, hội liên hiệp, hội ngành hàng, hội những người Hoa về nước rải khắp thế giới.

Vậy nên, vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta cần có cách tiếp cận mọi việc theo cách ‘cầu đồng, tồn dị’ với những A Láu với mục tiêu cuối cùng là được việc và bền vững.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu.

Vị thế chung của sầu riêng Việt Nam tại Trung Quốc

Như trên đã nói về các loại tiêu chuẩn, đoạn này bắt đầu bằng các nền tảng tri thức, công nghệ, phần mềm, khi Chín bước chân qua khỏi biên giới Việt Trung 20cm, ngoài việc Chín phải chỉnh đồng hồ nhanh hơn 1 tiếng, phải dùng hệ dẫn đường thông qua vệ tinh Bei Dou (Bắc Đẩu) với app phổ biến là Gao De (Cao Đức) chứ không phải Google Maps rồi Chín muốn tìm thông tin nào đó thì không phải Gúc gồ mà là baidu.com và kể cả là có dùng phần mềm dịch thì cũng cần xác định nội dung tìm kiếm ra trên đó nếu cùng một ngôn ngữ so với Google hay Bing thì sẽ ra kết quả không khác. Và trong Baidu, vị thế của sầu riêng Thái Lan tại Trung Quốc rất cao.

Chuyện thị trường, thị phần

Với Thực, người Malaysia dù đến sau người Thái nhưng thành công với cách ‘ghim’ vào tâm trí của Thực loại sầu riêng được đặt tên rất Trung Quốc là “猫山王“ (Máo Shan Wáng hay Mao Sơn Vương: Vua Núi Miêu) chín tự nhiên kiểu Phật hệ, nay có thể bảo quản để từ chín tự nhiên đến bàn ăn nhà Thực một cách nhanh nhất hay người Thái họ đặt tên sản phẩm được dịch ra là Gối Vàng, vốn độc chiếm thị phần sầu riêng Trung Quốc trong một thời gian dài.

Đã thế, gần đây, họ đã phản ứng rất hiệu quả vì nhanh, đồng bộ với việc bị trả sầu riêng do xét nghiệm ra dư lượng Cadimi, rồi còn mời cả "võng hồng" (mà Việt Nam hay quen gọi là KOL) của Trung Quốc sang quảng bá cho sầu riêng của họ nữa.

Chuyện đặt tên, hình ảnh

Sầu riêng Việt Nam, xét về khẩu vị, độ ngon cũng không thua kém hai "đối thủ" trên, lại được lợi thế là thời gian vận chuyển nhanh vì có cửa khẩu đường bộ nên giá cả phải chăng, nhưng đang chủ yếu chiếm lĩnh các thành phố chưa phải là "tuyến 1" - nơi định hình phong cách sống, bao gồm ẩm thực của Thực và đồng bào Trung Quốc.

Vậy sầu riêng của chúng ta thiếu gì? Thiếu câu chuyện mang tính cá nhân hóa, thiếu "cá tính" hoặc có rồi mà không đồng nhất để tạo ra dấu ấn tập thể, một cách đặt tên cho thật thương mại kiểu Trung Quốc. Nó cũng tương tự, có mấy ai biết được hay quan tâm đến tên gọi 4 giống bò Kuroge Washu, Akage Washu, Mukaku Washu và Nihon Tankaku-shu? Khi thưởng thức một miếng thịt bò thượng hạng với vân mỡ với tên thương mại là Wagyu?

Thực nghĩ gì về trái cây Việt Nam?

Tác giả gặp và "phỏng vấn" nhiều Thực rồi, chắc cũng được 13 tỉnh/thành/khu tự trị của Trung Quốc về thương phẩm nông sản Việt Nam nói chung, trái cây nói riêng cả khi Thực ở Trung Quốc và Thực sang Việt Nam hoặc từ Việt Nam về Trung Quốc, có hai câu trả lời rất đáng chú ý và cũng rất có lợi cho thương phẩm nông sản của chúng ta và cả những trái sầu riêng.

Thứ nhất “trái cây Việt Nam rất ngon, ăn vị nào ra vị đó”, điều này gây ấn tượng với Thực vì để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, nông nghiệp Trung Quốc cũng có một thời gian dài chạy theo số lượng, năng suất, sản lượng dẫn đến rau, củ quả, trái cây không còn thơm vị nguyên bản nữa mà chỉ chú trọng nhiều về sinh khối.

Thứ hai, với Thực, sầu riêng Việt Nam dù vận chuyển vào Trung Quốc bằng đường bộ nhưng cũng là một mặt hàng nhập khẩu, tự nhiên gợi lên cho Thực cảm giác yên tâm hơn, thích hơn, "sang" hơn vì nó là hàng nhập khẩu vì trải qua không ít "bể dâu" với vấn nạn thực phẩm không an toàn mà đỉnh điểm là sữa bột nhiễm melamine năm 2008, Thực cũng phần nào có tâm lý tin vào hàng nhập khẩu hơn.

Lợi thế có rồi, vấn đề cũng đang gặp phải và xác định là sẽ không bao giờ không có vấn đề, vậy thương phẩm nông sản Việt Nam nói chung, sầu riêng nói riêng, làm sao để không ‘sầu Trung’ hay làm sao có thành công chung với trách nhiệm riêng?

Tất cả nên bắt đầu từ thay đổi những nhận thức tưởng như rất nhỏ: sự sai biệt.

Ngô Quốc Khang (Tác giả slogan của Lễ hội trái cây Việt Nam tại Trung Quốc lần đầu tiên, năm 2024)
Tin khác
Quản lý, hạn chế và loại bỏ Cadimi trong đất và nông sản
Quản lý, hạn chế và loại bỏ Cadimi trong đất và nông sản

Cadimi có nguồn gốc từ đâu, giải pháp quản lý và một số phương pháp hạn chế, loại bỏ Cadimi trong đất và nông sản.

Hình ảnh đồng lúa trĩu bông nhờ tuân thủ thời vụ ở Nghệ An
Hình ảnh đồng lúa trĩu bông nhờ tuân thủ thời vụ ở Nghệ An

Bất chấp điều kiện thời tiết khó khăn, những cánh đồng tuân thủ lịch gieo cấy lúa vẫn trĩu bông, đang ngả vàng chuẩn bị thu hoạch.

Phổ cập giống lạc chất lượng cao cho vùng Bắc Trung bộ
Phổ cập giống lạc chất lượng cao cho vùng Bắc Trung bộ

Mới đây, dự án 'Phổ cập giống lạc chất lượng cao cho vùng khô hạn và nâng cao giá trị gia tăng cây lạc ở Việt Nam' đã được khởi động tại Nghệ An.

Từ Ngày thống nhất đất nước, nghĩ về một nền nông nghiệp thống nhất
Từ Ngày thống nhất đất nước, nghĩ về một nền nông nghiệp thống nhất

Thống nhất đất nước - dựng xây nông nghiệp, để mỗi mùa vụ xanh là mỗi bước tiến của một quốc gia hạnh phúc.

Kiến vàng - vũ khí sinh học hiệu quả
Kiến vàng - vũ khí sinh học hiệu quả

Nuôi kiến vàng giúp vườn cây có múi giảm sâu bệnh, nâng cao chất lượng trái, tiết kiệm chi phí nhưng ít nhà vườn áp dụng.

Trồng xen hành, tỏi trong ruộng dâu tây để đuổi côn trùng
Trồng xen hành, tỏi trong ruộng dâu tây để đuổi côn trùng

YÊN BÁI Theo kinh nghiệm, hành và tỏi có chứa các hợp chất tự nhiên có khả năng xua đuổi nhiều loại côn trùng gây hại.

Thả hàng trăm triệu ong ký sinh tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa
Thả hàng trăm triệu ong ký sinh tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa

Tại ĐBSCL, các địa phương đã thả hàng trăm triệu con ong ký sinh cùng các thiên địch khác để khống chế dịch sâu đầu đen hại dừa.

NOMAFSI giúp Hà Tĩnh 'thay máu' giống chè, chuyển sang sản xuất hữu cơ
NOMAFSI giúp Hà Tĩnh 'thay máu' giống chè, chuyển sang sản xuất hữu cơ

Hà Tĩnh sẽ đưa các giống chè mới chất lượng tốt và khả năng chịu hạn vào sản xuất như PH8, PH9, LCT1, TRI5.0 PH22, Hương Bắc Sơn…

Giải pháp sạ cụm với canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL
Giải pháp sạ cụm với canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL

Sạ cụm, đặc biệt là sạ cụm kết hợp bón vùi phân là giải pháp cơ giới hóa khâu xuống giống hiệu quả, thúc đẩy canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Đẩy lùi nỗi lo về tuyến trùng và vàng lá thối rễ trên cây trồng
Đẩy lùi nỗi lo về tuyến trùng và vàng lá thối rễ trên cây trồng

Trước mối nguy thầm lặng của tuyến trùng và bệnh vàng lá thối rễ do Fusarium sp. gây ra, hàng trăm nhà khoa học đã cùng thảo luận các biện pháp phòng trừ bệnh hại nguy hiểm này.

'Chẩn đoán' các bệnh trên cây trồng do nấm Fusarium và tuyến trùng
'Chẩn đoán' các bệnh trên cây trồng do nấm Fusarium và tuyến trùng

TS. Hà Minh Thanh - Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật - cung cấp thông tin về một số triệu chứng bệnh do nấm Fusarium và tuyến trùng gây ra trên cây trồng.