Hiện tượng cháy lá sầu riêng gia tăng và khuyến cáo phòng trị

Minh Đảm - Thứ Năm, 28/03/2024 , 09:00 (GMT+7)

TIỀN GIANG Ngành chức năng và nhà khoa học đã vào cuộc tìm ra nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa, điều trị bệnh cháy lá sầu riêng đang có xu hướng gia tăng.

Cháy lá sầu riêng trầm trọng hơn các năm

Thời gian qua, nhiều nông dân trồng sầu riêng ở ĐBSCL than thở cây bị hiện tượng cháy lá trầm trọng hơn các năm trước.

Tại tỉnh Tiền Giang, ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp tại xã cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) cho hay, nhiều vườn sầu riêng của bà con thành viên bị hiện tượng cháy lá. Riêng 1ha sầu riêng của vườn nhà ông bị hiện tượng cháy lá đến gần 70%. Khi vườn cây bị cháy lá thì cây đổ lá già thay lá non. Cây không chết nhưng mất quang hợp dẫn đến giảm năng suất của những cây đang mang trái do phải hái bỏ trái non.

“Năm nay nhiệt độ nóng quá, so với năm rồi thì bị cháy lá nhiều hơn. Vườn của tôi bị từ 60 - 70%, những lá già bị rụng xuống, khi bón phân tưới nước thì cây lại ra lá mới, cây không chết nhưng giảm năng suất, năm ngoái vườn tôi thu 20 tấn thì năm nay giảm còn chỉ 13 - 14 tấn”, ông Lộc thông tin.

Năm nay, hiện tượng cháy lá sầu riêng xuất hiện nhiều hơn. Ảnh: Minh Đảm.

Cũng theo ông Lộc, hỏi thăm bạn bè các nơi cho thấy năm nay hầu như vùng trồng sầu riêng nào cũng có hiện tượng cháy lá chứ không chỉ riêng địa bàn Cai Lậy. Đến huyện lân cận như Cái Bè, thị xã Cai Lậy hay ở tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre đều xuất hiện hiện tượng này.

Tại huyện Cái Bè, theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cháy lá là hiện tượng xuất hiện khá phổ biến trong các vườn trồng sầu riêng. Hiện tượng cháy lá sầu riêng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển của cây, làm giảm năng suất và phẩm chất của trái sầu riêng.

Theo ông Phan Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè, qua thống kê sơ bộ, ước có khoảng 20 - 30% diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện xuất hiện hiện tượng cháy lá. Hiện địa phương đang tập trung quyết liệt hướng dẫn người dân chăm sóc vườn sầu riêng.

“Những cây sầu riêng tơ, chưa cho trái thì không bị cháy lá. Tuy nhiên, những cây đang mang trái thì bị cháy lá nhiều. Trong quá trình xử lý nghịch vụ, nhà vườn cắt nước để sầu riêng ra hoa. Sau đó, nhà vườn mở mũ đậy gốc sầu riêng, đây là giai đoạn thiếu nước, cộng với nắng nóng gay gắt dẫn đến lá sầu riêng bị cháy và rụng. Từ đó, trái sầu riêng không lớn được, thậm chí trái rụng hoặc cây mang trái rồi chết. Hiện nay, tình trạng sầu riêng cháy lá trên địa bàn huyện đang có dấu hiệu chững lại”, ông Phan Thanh Sơn thông tin thêm.

Ông Phan Thanh Sơn (trái), Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cùng với ngành chức năng địa phương khảo sát bệnh cháy lá sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

Theo ghi nhận của Sở NN-PTNT Tiền Giang, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 5.597ha sầu riêng bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cháy lá, chiếm 25,7% diện tích sầu riêng toàn tỉnh. Trong đó, huyện Cai Lậy bị nhiều nhất với diện tích 3.162ha, kế đến là huyện Cái Bè với 1.860ha, thị xã Cai Lậy là 340ha và huyện Châu Thành là 235ha. Tỷ lệ cháy lá dưới 30% chiếm đa số với diện tích 5.125ha. Cháy là từ 30 - 40% là 472ha, chiếm 8,4% tổng diện tích bị ảnh hưởng.

Còn tại Bến Tre, vùng trồng sầu riêng của tỉnh chủ yếu tại huyện Châu Thành và Chợ Lách với diện tích khoảng 2.700ha. Ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bến Tre cho hay: “Bệnh cháy lá cũng có xảy ra ở địa phương nhưng mức độ thấp. Nhiều ngày qua nắng nóng nên một số vườn bị thiếu nước, đất bị xì phèn nên xảy ra hiện tượng này. Bệnh xảy ra ở tất cả các giống chứ không riêng một giống nào cả. Ngành cũng đã có khuyến cáo bà con phòng ngừa”.

3 nhóm nguyên nhân 

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, đơn vị ghi nhận hiện tượng cháy lá sầu riêng tại tỉnh là do nhiều nguyên nhân gây ra.

Thứ nhất, cháy lá do sinh lý, vườn suy kiệt sau thu hoạch kết hợp ảnh hưởng thời tiết. Cây sầu riêng suy yếu do nhà vườn sử dụng các hóa chất xử lý ra hoa thời gian dài. Do giá sầu riêng cao, nhà vườn nôn nóng xử lý ra hoa khi cây chưa đủ các cơi đọt cần thiết nên cây suy yếu. Bên cạnh đó, cây mang quá nhiều trái, không cung cấp đủ nước, không trữ nước trong mương vườn theo khuyến cáo, pH đất thấp (pH < 5). Nhà vườn chăm sóc kém, không bón đầy đủ phân hữu cơ, bón quá nhiều phân vô cơ để tăng năng suất.

Ngoài ra, hiện tượng cháy lá còn do kết hợp với ảnh hưởng thời tiết bất lợi như nắng nóng. Năm nay, nhiệt độ trung bình các tháng đầu năm là 27,6 độ C, cao hơn từ 0,7 - 1,3 độ C so với cùng kỳ năm ngoái và ẩm độ trong vườn thấp… nên dẫn đến hiện tượng cháy lá. Hiện tượng cháy lá này là do sinh lý của cây, khi sức khỏe yếu sau thu hoạch kết hợp với nắng nóng, nhiệt độ cao, cây không đủ ẩm độ thì cháy lá sẽ xuất hiện. Tổng diện tích nhiễm cháy lá do nguyên nhân này là 4.058ha, chiếm 72,5% tổng diện tích bị cháy lá.

Cần tưới đủ nước cho cây sầu riêng vào mùa khô để tránh bị cháy lá. Ảnh: Minh Đảm.

Thứ hai, cây nhiễm nấm bệnh, do nấm thán thư Colletotrichum gloeosporioides, Phomopsis sp gây ra, diện tích nhiễm 190ha, chiếm 3,4% tổng diện tích bị cháy lá.

Thứ ba, kết hợp cả hai nguyên nhân trên. Vườn bị cháy lá do nhiễm nấm bệnh, kết hợp với vườn suy kiệt và ảnh hưởng thời tiết nắng nóng, diện tích nhiễm 1.349ha, chiếm 24,1% tổng diện tích bị cháy lá.

Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết: Trước sự xuất hiện của hiện tượng cháy lá trên sầu riêng, Sở đã phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức hội thảo “Biện pháp quản lý bệnh cháy lá trên sầu riêng” và “Kỹ thuật chăm sóc sầu riêng trong điều kiện hạn, mặn” ngày 20/2/2024 tại huyện Cai Lậy.

Song song đó, tổ chức 36 cuộc tập huấn tại các xã trọng điểm trồng sầu riêng với trên 1.080 nông dân tham dự. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã có cảnh báo, khuyến cáo các giải pháp quản lý hiện tượng cháy lá sầu riêng đến người dân, đặc biệt trong mùa khô thông qua các bản tin thời tiết nông vụ.

“Thông qua công tác hội thảo, tập huấn, tuyên truyền, nông dân đã tích cực chăm sóc vườn sầu riêng. Đến nay, hiện tượng cháy lá trên cây sầu riêng tại Tiền Giang đã cơ bản được kiểm soát, hạn chế gia tăng thêm diện tích nhiễm mới, hiện tượng cháy lá được quản lý tốt trên diện tích đã nhiễm. Các diện tích đã nhiễm cháy lá trước đó cây đã phục hồi, ra cơi đọt mới và sẽ cho vụ trái tiếp theo trong 4 - 5 tháng tới”, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang thông tin.

Biện pháp phòng ngừa và điều trị

Ngành NN-PTNT tỉnh Tiền Giang khuyến cáo người dân thường xuyên thăm vườn, nắm sát tình hình gây hại do hiện tượng cháy lá trên sầu riêng và áp dụng đồng bộ các giải pháp quản lý theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, bà con cần tập trung cung cấp đủ nước cho vườn cây, sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt hay béc phun sương kết hợp tủ gốc giữ ẩm bằng lá cây, rơm rạ, lục bình, cỏ khô... Đồng thời, tiến hành tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt hoa và quả trong giai đoạn này để giảm thoát hơi nước.

Nông dân cần giữ cỏ đậy gốc tránh thất thoát hơi nước, chống nóng cho cây sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

Hạn chế bón các loại phân bón hóa học khi không đảm bảo đủ nước tưới cho cây. Tăng cường sử dụng phân bón trung, vi lượng để tăng sức đề kháng cho cây. Tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng đã ủ hoai mục.

Nâng chỉ số pH đất lên trên 5 bằng cách bón vôi, hạn chế sử dụng phân sinh lý chua. Áp dụng đúng kỹ thuật, quy trình xử lý ra hoa nghịch vụ, trong đó hạn chế việc sử dụng paclobutrazol. Điều khiển và kiểm soát tốt quá trình ra đọt, nuôi trái bằng cách tăng lượng dinh dưỡng qua lá. Chuyển đổi mùa vụ xử lý ra hoa, đậu trái để tránh ảnh hưởng của khô hạn, nắng nóng đối với vườn sầu riêng có nguy cơ. Đối với vườn có sự xuất hiện của nấm bệnh thán thư cần phun các loại thuốc đặc trị.

Theo TS Đặng Thị Kim Uyên, Phó trưởng Bộ môn Bảo vệ thực vật (Viện Cây ăn quả Miền Nam), để phòng và trị bệnh cháy lá trên cây sầu riêng, nhà vườn không nên hoặc hạn chế tối đa sử dụng thuốc diệt cỏ trên vườn. Đồng thời, không nên cuốc đất xung quanh gốc sầu riêng sau khi dỡ mũ xử lý ra hoa nghịch vụ.

Những vườn có xử lý ra hoa vụ nghịch thì nên lặt bỏ hết hoa, trái hoặc bỏ một phần hoa, trái nếu cây có dấu hiệu bệnh và suy kiệt. Nông dân cần tưới đủ nước cho cây, bón bổ sung phân trung, vi lượng; bón phân hữu cơ + nấm Trichoderma và những vi sinh vật đối kháng khác như Streptomyces, Pseudomonas…

Về biện pháp sinh học, nhà vườn nên sử dụng phân hữu cơ truyền thống như: Phân chuồng (phân bò, phân gà...), rơm khô, cỏ khô... đã ủ hoai mục (50 - 100 kg/cây/năm) kết hợp nấm rễ Arbuscular Mycorrhizal (100 - 150 g/cây/năm), Trichoderma, Streptomyces… nhằm hạn chế sự phát triển của mầm bệnh trong đất, giúp bộ rễ được phát triển mạnh khoẻ.

Minh Đảm
Tin khác
Kiến vàng - vũ khí sinh học hiệu quả
Kiến vàng - vũ khí sinh học hiệu quả

Nuôi kiến vàng giúp vườn cây có múi giảm sâu bệnh, nâng cao chất lượng trái, tiết kiệm chi phí nhưng ít nhà vườn áp dụng.

Trồng xen hành, tỏi trong ruộng dâu tây để đuổi côn trùng
Trồng xen hành, tỏi trong ruộng dâu tây để đuổi côn trùng

YÊN BÁI Theo kinh nghiệm, hành và tỏi có chứa các hợp chất tự nhiên có khả năng xua đuổi nhiều loại côn trùng gây hại.

Thả hàng trăm triệu ong ký sinh tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa
Thả hàng trăm triệu ong ký sinh tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa

Tại ĐBSCL, các địa phương đã thả hàng trăm triệu con ong ký sinh cùng các thiên địch khác để khống chế dịch sâu đầu đen hại dừa.

NOMAFSI giúp Hà Tĩnh 'thay máu' giống chè, chuyển sang sản xuất hữu cơ
NOMAFSI giúp Hà Tĩnh 'thay máu' giống chè, chuyển sang sản xuất hữu cơ

Hà Tĩnh sẽ đưa các giống chè mới chất lượng tốt và khả năng chịu hạn vào sản xuất như PH8, PH9, LCT1, TRI5.0 PH22, Hương Bắc Sơn…

Giải pháp sạ cụm với canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL
Giải pháp sạ cụm với canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL

Sạ cụm, đặc biệt là sạ cụm kết hợp bón vùi phân là giải pháp cơ giới hóa khâu xuống giống hiệu quả, thúc đẩy canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Đẩy lùi nỗi lo về tuyến trùng và vàng lá thối rễ trên cây trồng
Đẩy lùi nỗi lo về tuyến trùng và vàng lá thối rễ trên cây trồng

Trước mối nguy thầm lặng của tuyến trùng và bệnh vàng lá thối rễ do Fusarium sp. gây ra, hàng trăm nhà khoa học đã cùng thảo luận các biện pháp phòng trừ bệnh hại nguy hiểm này.

'Chẩn đoán' các bệnh trên cây trồng do nấm Fusarium và tuyến trùng
'Chẩn đoán' các bệnh trên cây trồng do nấm Fusarium và tuyến trùng

TS. Hà Minh Thanh - Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật - cung cấp thông tin về một số triệu chứng bệnh do nấm Fusarium và tuyến trùng gây ra trên cây trồng.

Hướng dẫn trồng rau ăn lá thủy canh
Hướng dẫn trồng rau ăn lá thủy canh

So với trồng rau trên đất, trồng rau thủy canh có nhiều ưu điểm như tối ưu không gian sản xuất, tiết kiệm nước, ít tốn công chăm sóc, hạn chế sâu bệnh, dễ dàng kiểm soát về an toàn thực phẩm… Thạc sĩ Ngô Xuân Chinh - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam hướng dẫn bà con một cách chi tiết kỹ thuật trồng rau ăn lá theo phương thức này.

Hướng dẫn trồng chuối đảm bảo yêu cầu xuất khẩu
Hướng dẫn trồng chuối đảm bảo yêu cầu xuất khẩu

Chuối nằm trong top 10 mặt hàng xuất khẩu lớn của nước ta. Hiện chuối chiếm 19% tổng diện tích cây ăn trái của cả nước, sản lượng ước tính 2 triệu tấn/năm. Việt Nam được đánh giá là điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển loại trái cây này. Các kỹ sư, kỹ thuật viên của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) - công ty trồng và xuất khẩu chuối hàng đầu Việt Nam hướng dẫn quy trình trồng chuối đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Hướng dẫn nuôi trồng rong sụn trong vùng nuôi nhuyễn thể
Hướng dẫn nuôi trồng rong sụn trong vùng nuôi nhuyễn thể

Ông Đặng Xuân Tiến, quản lý dự án nuôi trồng rong sụn, Công ty Cổ phần Tập đoàn STP (STP Group) hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi trồng rong sụn trong vùng nuôi nhuyễn thể, phương thức thu hoạch và sơ chế bảo quản rong sụn tốt nhất.

Hướng dẫn trồng tam thất hoang
Hướng dẫn trồng tam thất hoang

Tam thất hoang là một loại thảo dược quý giá, tất cả các bộ phận của cây đều có thể sử dụng làm thuốc. Tam thất hoang cùng chi với sâm Ngọc Linh, có hoạt chất Saponin giá trị không kém sâm Ngọc Linh. Tam thất được coi là 'vàng trắng' trong ngành Lâm nghiệp. Video: TS Phạm Quang Tuyến, Viện Nghiên cứu Lâm sinh, hướng dẫn cách trồng cây tam thất hoang dưới tán rừng, cách thức thu hoạch, sơ chế, bảo quản củ tam thất đảm bảo chất lượng.

Hướng dẫn trồng rừng tếch sản xuất gỗ lớn
Hướng dẫn trồng rừng tếch sản xuất gỗ lớn

Gỗ tếch là một trong những loại gỗ nổi tiếng nhất thế giới với các đặc tính như màu sắc và vân gỗ đẹp, nhẹ, độ bền cao, chống mối mọt tốt và không nứt vỡ. Việt Nam có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp để trồng gỗ tếch. TS. Đặng Thịnh Triều - Viện Nghiên cứu Lâm sinh hướng dẫn quý vị và bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc tếch hiệu quả cao nhất.