Bác sỹ Đặng Quốc Thành: Xua cỏ dọa rắn

Đặng Quốc Thành - Thứ Năm, 29/05/2025 , 08:30 (GMT+7)

Rắn có nhiều duyên nợ với loài người. Đa số những câu chuyện về rắn đều mang tiếng xấu cho loài vật không chân này.

Chẳng phải liu điu cũng giống nhà

Rắn đầu biếng học lẽ không tha

Lê Quý Đôn

Rắn có nhiều duyên nợ với loài người. Đa số những câu chuyện về rắn đều mang tiếng xấu cho loài vật không chân này. Kinh Cựu ước kể lại rằng chính rắn đã dụ dỗ Eva ăn trái cấm, mắc vào tội Tổ tông để rồi từ đó bị đọa đày ở trần gian. Truyện “Hoàng tử Bé” của Saint-Exupéry thì ẩn ý hơn bởi cậu bé cần trở về hành tinh của mình thông qua sự giải thoát của con rắn sa mạc. Người thường khó đề phòng được thứ nhỏ bé, ẩn mình lẫn trong cây cỏ, đất đá và mang nọc độc khó lường, đôi khi bò cả vào nhà. Chập choạng tối, một đoạn dây thừng cũng làm người ta giật thót trước rồi mới hoàn hồn lại không phải rắn. Bản năng sinh tồn loài người luôn luôn dè chừng với tất cả những thứ giống hình dạng rắn. Năm mươi nghìn người chết do rắn mỗi năm (như ở bài Thanh kiếm và lưỡi cày tôi đã nêu). Rắn thật đáng sợ. Thế mà bé Sóc mới một tuổi rưỡi đã bị rắn hổ cắn.

Sóc bị rắn cắn khi đang lẫm chẫm chơi bên vườn. Từ xác con rắn bố cháu tìm được (và đập thành 3 phần) thì bác sĩ xác định thủ phạm là loại rắn hổ mang đất. Vết cắn ở bàn chân Sóc nhanh chóng hoại tử, bệnh viện tích cực điều trị. Tình hình thật nghiêm trọng vì rắn lớn, độc tính mạnh, cháu nhỏ, bệnh viện không có sẵn huyết thanh kháng loại độc này. Thời điểm này bóng đen đại dịch COVID còn đang bao phủ các ngả đường, việc đi lại rất khó khăn. May mắn có sự giúp đỡ của vợ chồng bác sĩ Đồng, dược sĩ Yến mà chuyển được huyết thanh cho cháu.

Dù chỉ nghe tin qua điện thoại nhưng bác sĩ Tiến nhăn nhó bảo: “Vết cắn ở bàn chân à? Đáng nghi nhỉ? Liệu còn con rắn khác không?”. Câu hỏi rất hợp lý bởi loài rắn hổ có khả năng dựng sống lưng vươn cổ lên cao chứ không bò rạp sát đất như các loài rắn khác. Thường vết cắn của loài này ở tầm đầu gối trở lên. Sau này hỏi chuyện bố Sóc mới giải thích được nghi vấn này: Con rắn nằm dưới mái tôn để dưới đất nên cắn ngay bàn chân cháu. Luôn có những ngoại lệ, đặc biệt trong lĩnh vực y học, đằng sau cái ậm ừ của một bác sĩ giỏi là một bộ não đang tích cực tổng hợp, xử lý thông tin nhận được để tìm lời giải đúng. Ngược lại một người nào cũng hướng đến sự chắc chắn, đặc biệt với bệnh nhân vốn hoang mang cần chỗ dựa niềm tin. Đây là vùng xám để những kẻ giả mạo thầy thuốc lộng hành: Chỉ cần lời hứa đủ chắc nịch về sức khỏe tương lai. 

Trong một ngày ai cũng có vài phút giây không được tỉnh táo. Đó là lúc mệt mỏi sau công việc, lúc buồn ngủ hoặc khi phải quyết định gấp gáp làm sai lầm dễ xảy ra. Thời sinh viên, hôm đầu đi thực tập ở vùng quê, bác sĩ Đồng chạy vào la lớn: “Ngoài kia có con rắn to!!! Nó há miệng đòi cắn Đồng!!!”. Vì căng thẳng không tự chủ hay vì gây ấn tượng với các bạn nữ trong nhóm, kết thúc thông điệp bác sĩ Đồng lại nhoẻn miệng một cái. Đa số mọi người nghĩ đó là trò đùa vặt, riêng tôi vẫn tin tưởng chạy đi kiểm tra. Con rắn khá to đã leo từ mái nhà qua ngọn cây. Nghĩ đến việc nó vừa cắn hụt bạn mình và nhóm còn phải ở đây hai tuần, trời lại đang sập tối, bóng con rắn thoăn thoắt vụt đi, tôi không có nhiều thời gian để lựa chọn… Nó dài hơn hai mét, khi đã nằm bất động rồi mới nhận ra đây là rắn sọc dưa không độc nhưng dữ tợn hay đuổi cắn người nên còn có tên là rắn hổ ngựa. Loài này rất giỏi bắt chuột. Mâu thuẫn giữa việc ưu tiên an toàn của con người với môi trường và quyền sống tự do của loài vật cứ làm tôi day dứt mãi đến giờ. Dù là rắn độc thì cũng cần một phương án tốt hơn. 

Ngoài sọc dưa, nhiều loài rắn lành có công kiểm soát số lượng các loài gặm nhấm hay bị oan uổng như là rắn cườm, rắn hổ hành, rắn trun… Bố của Sóc và tôi gặp phải một vấn đề chung: Bạo lực phát sinh từ nỗi sợ. Cái sợ vì sự an toàn của người thân bị đe dọa, cái sợ từ tiềm thức loài vượn yếu ớt, cái sợ đối mặt với một quyết định gấp rút. Từ kẻ nằm dưới tầng đáy, loài người sử dụng công cụ để vươn lên đứng đầu chuỗi thức ăn nhưng vẫn mang theo lá gan chuột nhắt và trở thành bạo chúa trong thế giới động vật. Tốt nhất là bọn sâu kiến, rắn rết không tồn tại cho đỡ lo?

Cùng với rắn, văn hóa phương Đông xưa cho rằng chim sẻ đại điện cho tiểu nhân nhỏ mọn. Năm 1958, sau khi đổ lỗi loài chim sẻ gây ra nạn thiếu hụt lương thực, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã phát động phong trào tận diệt chim sẻ trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Chiến dịch được tổ chức bài bản, nhiều sáng kiến phát huy hiệu quả đến mức phải dùng xe tải chở đi hàng núi xác, ước tính thiệt mạng chừng 2 tỷ con chim. Châu chấu, cào cào và các loại côn trùng khác không còn thiên địch đã phát triển rầm rộ, dẫn đến mất mùa. Nạn đói năm 1960-1961 xảy ra làm hơn 20 triệu người chết ở Trung Quốc.

Chiến dịch Diệt tứ hại, chủ yếu nhắm đến chim sẻ - 1958.

Hẳn nhiều người biết đến câu chuyện ngụ ngôn người nuôi rắn bị rắn cắn khi không tìm được thức ăn cho rắn như thường lệ. Chuyện nhắc ta phải giáo dục lòng biết ơn thay vì chỉ cắm cúi nuôi nấng. Mặt khác, đây cũng là bài học về sự hiểu lầm. Người ta hay nhân hóa những thứ mình yêu thích mà không nghĩ đến cảm nhận thực sự của nó. Một loài bò sát máu lạnh chỉ hoạt động theo bản năng hoang dã. Hàm chó, vó ngựa, phải cẩn thận với cả loài thú máu nóng được thuần hóa. Loài linh trưởng cũng không hành xử như tập tính xã hội loài người. Từng có người bị tinh tinh tấn công vì nhìn và… cười với nó. Đối với nhiều loài vật thì nhìn thẳng vào mắt và cười nghĩa là nhe răng tuyên chiến. Ngay giữa người và người, giao tiếp bằng ngôn ngữ lẫn cử chỉ cũng không đủ sáng tỏ mọi điều. Tóm lại, hiểu lầm có thể xảy đến bất cứ ở đâu và gây ra rắc rối.

May mắn không có chính quyền hiện tại nào phát động chiến dịch diệt rắn. Thay vào đó người ta tiếp cận rắn ngay từ biểu tượng ngành Y: con rắn quấn quanh đầu gậy. Trong thần thoại Hy Lạp, Esculape bắt gặp một con rắn dùng thảo dược hồi sinh một con rắn khác. Nhờ đó, ông khám phá ra loại thảo dược cải tử hoàn sinh, trở thành thầy thuốc với khả năng chữa bách bệnh. Ông trở thành vị thần bổn mệnh của thầy thuốc, tay nắm cây gậy có con rắn thiêng quấn quanh. Một vài nơi, nhất là ở Mỹ, người ta nhầm với cây gậy có đôi cánh và hai con rắn của thần thương mại Hermes. Điều này đầy tính ngụ ngôn.

Biểu tượng Y khoa cây gậy của  Esculape và biểu tượng của Hermes.

Nhà hóa học người Đức Keluké cũng đã tìm ra công thức bí ẩn của benzen qua một giấc mơ về con rắn tự cắn đuôi. Đây là một bước đột phá, đặt nền tảng cho việc nghiên cứu các hợp chất có cấu trúc vòng thơm độc đáo. Giấc mơ tự nó cũng là một bí ẩn, đây có lẽ là nơi để tổng hợp, sắp xếp những suy nghĩ hàng ngày của con người. Sau một giấc ngủ, người ta có thể giải được bài toán trăn trở trước đó, những người như bác sĩ Tiến đã có trải nghiệm này khi tập trung suy nghĩ về bệnh tình hóc búa. Việc nghỉ ngơi cũng quan trọng như việc lao động, chính là sự cân bằng âm và dương. Quá tin vào giấc mơ may rủi không phải là điều được khuyến khích, nhất là khi dùng nó mỗi ngày để… ghi số đề. 

Giấc mơ của nhà hóa học August Kekulé.

Trong dân gian Việt Nam, rắn cũng tượng trưng cho bí quyết trường sinh khỏe mạnh: “Rắn già, rắn lột”. Thực tế, rắn có công lao với sức khỏe con người từ những hũ rượu ngâm ở mỗi gia đình tự mày mò công thức cho đến việc chiết nọc độc điều chế thuốc men bài bản. Trại rắn Đồng Tâm được thành lập năm 1977 ở Tiền Giang đã sản xuất và cung cấp huyết thanh kháng nọc rắn cho những bệnh nhân như bé Sóc. Vào mùa mưa mỗi năm, khi rắn sinh sôi, Khoa Điều trị rắn cắn của Trại rắn Đồng Tâm điều trị khoảng 600 ca bệnh, hầu hết đều hồi phục sức khỏe tốt. Mấu chốt trong việc điều trị là xác định được loại rắn nào cắn để dùng đúng loại huyết thanh. Vì vậy cung cấp thông tin, hình ảnh con rắn đã cắn càng chi tiết càng có giá trị. Trại rắn cũng khuyên người dân nên dùng gậy khua bụi rậm trước khi bước vào. Xua cỏ dọa rắn, đi ủng bảo vệ là cách các công nhân cạo mủ cao su hay dùng để tránh bị chàm quạp, được ví như những quả mìn sống trên mặt đất. Đây là cách giao tiếp tốt nhất với loài bò sát này để bảo vệ cả hai phía. Hầu hết loài rắn không chủ động tấn công và sẽ bỏ đi, nền hòa bình tương đối của loài người và loài rắn được gìn giữ. Binh pháp thứ 13 Đả thảo kinh xà của Tôn Tử rất có giá trị vận dụng.

Tác giả tại Trung tâm nghiên cứu rắn độc Thái Lan.

Trung tâm nghiên cứu rắn độc Thái Lan luôn có chỗ trong chuỗi Du lịch chuyên nghiệp khép kín: vui chơi - sức khỏe - tâm linh của đất nước này. Quốc gia Phật giáo này biết cách làm kinh tế. Ở nơi thờ phụng thần rắn Naga vì công lao che chở cho Đức Phật, người ta vẫn cầm những con rắn mệt lử để mua vui cho du khách, ép vào bụng nó cho bộ phận sinh sản lồi ra và mời mọc “sờ vào cho may mắn” kèm với cái ca xin tiền thưởng. Đây mới chỉ là tiết mục tạp kĩ mở màn khi vào thăm trung tâm. Du khách sẽ ra về với vẻ mặt hoan hỉ hi vọng cùng các lọ thuốc sản xuất từ rắn nhét căng túi xách. Trại rắn Đồng Tâm sẽ “lột xác” nếu thu hút được nguồn du khách như vậy.

Paracelsus, cha đẻ của ngành độc chất học, từng viết: "Liều lượng quyết định độc tính", liều lượng của một chất quyết định nó là thuốc hay chất độc. Ăn quá nhiều muối sẽ tăng huyết áp, ăn quá nhiều cơm dễ mắc tiểu đường. Ngược lại một lượng nhỏ chất độc từ rắn, rết, bọ cạp lại thành thuốc quý. Điều này có thể suy rộng ra cuộc sống là một nghệ thuật để tỉnh táo lựa chọn bao nhiêu là đủ.

Bé Sóc vượt qua cửa sinh tử và bàn chân cũng phục hồi thật thần kỳ nhờ sự chăm sóc đầy đủ của đội ngũ y tế. Bác sĩ Đồng và đồng nghiệp không nhớ nhiều về câu chuyện vì tiếp tục bận rộn với những ca bệnh trước mặt, nhưng đó là một phen hoàn hồn của cả gia đình Sóc. Vết sẹo ghép da ở chân bé sẽ nhắc mãi cho kỷ niệm này.

Bàn chân Sóc đã lành lại và linh hoạt sau 3 năm.

Từ nhà nông sản xuất lương thực đến ngành y chăm lo sức khỏe đều liên quan đến rắn. Rắn là lằn ranh độc - bổ, thiện - ác, là sức mạnh của thiên nhiên, là khả năng chung sống, chọn lựa hành xử của loài người. Giữa cuộc sống mập mờ thật giả thông tin lẫn thuốc men, hãy cân nhắc những quyết định liên quan đến tính mạng của mình và kẻ khác. Hỏng đi một mắt xích trong hệ sinh thái có thể làm quần thể sụp đổ. Tư duy “quản không được thì cấm’, “thấy lo ngại thì tận diệt” là biểu hiện của “rắn đầu, biếng học”, không cho người ta khả năng nhìn sâu vào mối tương quan tinh tế bên trong sự việc. Con người cần tôn trọng và chung sống hòa bình với muôn loài để đảm bảo sự cân bằng bền vững. Gặp rắn giữa đường, nếu kế 13 không dùng được thì hãy thử ngay kế 36: Tẩu vi thượng sách.

Bình Thạnh, 06/2025

P/S: Dưới đây là một số hình ảnh liên quan bài viết và các loài rắn lành hay bị oan uổng, bạn có thể xem tiếp nếu muốn.

Chân bé Sóc bị rắn cắn đang hoại tử nhanh chóng.

Con rắn xấu số cắn chân bé Sóc.

Rắn sọc dưa hung dữ đe dọa nhưng không có nọc độc.

Rắn cườm giỏi leo trèo, có thể vào làm tổ tận trong máy điều hòa.

Rắn hổ hành có vẻ óng ánh dễ nhận ra.

Rắn trun có đuôi phình ra giả làm rắn hổ mang.

Đặng Quốc Thành
Tags:
Tags:
Tin khác
Câu chuyện từ quả tầm bóp*
Câu chuyện từ quả tầm bóp*

Bà con không chỉ làm nông, bà con có thể làm người kể chuyện của làng. Từ những trái tầm bóp hôm nay, sẽ nảy nở nên một tương lai ngọt lành cho làng quê.

Tiêu dùng thực phẩm có trách nhiệm, nhìn từ nghiên cứu toàn cầu của CIAT
Tiêu dùng thực phẩm có trách nhiệm, nhìn từ nghiên cứu toàn cầu của CIAT

Các chính sách quốc tế cho thấy chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm (LTTP) không thể tách rời yếu tố bao trùm xã hội và phối hợp đa ngành.

Đổi mới hệ thống lương thực-thực phẩm: Kế hoạch quốc gia, nội lực địa phương
Đổi mới hệ thống lương thực-thực phẩm: Kế hoạch quốc gia, nội lực địa phương

Với mô hình chính quyền hai cấp sắp đi vào vận hành, kế hoạch chuyển đổi hệ thống LTTP quốc gia cần được cập nhật, phù hợp với yêu cầu phân cấp.

Sản xuất có trách nhiệm, đóng góp vào mục tiêu NDC 3.0
Sản xuất có trách nhiệm, đóng góp vào mục tiêu NDC 3.0

Giảm phát thải từ sản xuất nông nghiệp - thực phẩm là giải pháp tiềm năng để Việt Nam thực thi mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC 3.0).

Công nghệ cao giúp cải tiến nền nông nghiệp Trung Quốc
Công nghệ cao giúp cải tiến nền nông nghiệp Trung Quốc

Tại vùng ven Bắc Kinh có một trung tâm nông nghiệp rộng hơn 150 ha chuyên nghiên cứu, trình diễn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chính xác trong nông nghiệp.

Ngàn năm nước đổ - ngàn mùa người đi
Ngàn năm nước đổ - ngàn mùa người đi

Một góc nhìn nhân hậu về ruộng bậc thang của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã đánh thức trong tôi cả một ký ức sống của núi rừng.

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Dù khiêm tốn đến mấy, hẳn ông Lê Nam Sơn, ông Trịnh Bá Ninh và các biên tập viên kỳ cựu của báo đều không thấy chướng khi nói rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần làm nên, làm vững chắc thêm hiện tượng Báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết trong làng báo nước nhà.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Ông bạn già kính mến của tôi thầm lặng viết 'Mồ cô Phượng', ở trong các tiệm ăn, ngoài đường, quán chợ, bến tàu. Vậy mà tuyệt nhiên không nói với tôi một lời.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Tôi say sưa đọc đi đọc lại bài báo của Hoàng Tích Chu. Với bài báo này, anh đã để lại trong tôi cái ấn tượng tốt đẹp của khí phách một người làm báo.

Khát vọng Điện Biên
Khát vọng Điện Biên

Ký sự về một dải biên cương nắng gió, người nông dân bền bỉ trên đồi đất khô cằn, khát vọng thoát nghèo bừng lên thành niềm tin vững chãi con người Điện Biên.

Cây liễu trước gió thôn tôi
Cây liễu trước gió thôn tôi

Tổng kết UBMTTQ huyện Quỳnh Lưu, tôi ngỡ ngàng khi thấy Bí thư Chi bộ thôn tôi Cù Thị Nhàn trong bộ áo dài vàng thướt tha lên sân khấu nhận bằng khen.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Ở ngoài có bao nhiêu việc đáng nói, ở trong lòng tôi có bao nhiêu điều đáng viết ra, mà không nói, không viết nó lên giấy để cho nó như đã thành một thứ men rượu trong người thế này thì chịu sao được nổi nữa!

Sự kiện

Câu chuyện từ quả tầm bóp*

Câu chuyện từ quả tầm bóp*

Tri thức nông dân
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt
Khát vọng Điện Biên

Khát vọng Điện Biên

Tri thức nông dân
Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp