Tre Việt hội nhập

Bác sĩ Đặng Quốc Thành - Thứ Hai, 26/05/2025 , 07:05 (GMT+7)

Mới đây, tờ báo Bloomberg đã đăng tải bài 'Ở thế giới mới hỗn loạn này, bạn cần đến ngoại giao cây tre của Việt Nam'. Thật sự người Việt có thể mang thể phách của tre để lướt đi cùng dòng chảy đương đại...

Ở đâu tre cũng xanh tươi,

Cho dù đất sỏi đá vôi bạc màu.

Có gì đâu, có gì đâu,

Mỡ màu ít chắt dồn lâu hóa nhiều

Nguyễn Duy

Tự bao giờ, cây tre đã gắn bó với đời sống người Việt. Khi tôi còn bé, quanh nhà đã có những hàng tre mát mẻ ngày hè, kẽo kẹt ngày gió bão. Cái rổ, cái sàng mẹ hay dùng, cái bồ đựng lúa, cái vạc giường, cái cán cuốc, những đồ vật thân quen trong tầm mắt đều làm từ tre. Vào cấp một đã được dạy những câu thơ đẹp về cây tre. Mỗi dịp khai giảng năm học mới, lũ học sinh chúng tôi lại ê a cùng nhau khênh những “biển nè” làm từ tre để nhà trường kiên cố lại hàng rào quanh trường.

Đó là những tấm hình chữ nhật, cao rộng tầm một mét, nẹp những thanh tre nhỏ gọi là nè lại với nhau. Bạn nào có biển nè dày dặn chất lượng thì oai vô cùng, chứng tỏ nương vườn nhiều tre, người nhà khéo tay. Tre làm được nhiều vật dụng, nên ở vùng quê của một đất nước đang nghèo thì đó là một loại tài sản. Đầu tư kĩ lưỡng cho một cái biển nè, càng thể hiện nhà dư dả lực lượng lao động, kinh tế chắc chắn khá hơn xung quanh. Sáng kiến nộp biển nè này không biết có từ lúc nào.

Sau này trường tôi được cấp vốn ODA của Nhật Bản, xây lên khang trang, có tường rào bê tông nên đỡ hẳn khoản này. Ngồi trong lớp không còn nghe tiếng chim bìm bịp kêu chiều vọng từ ngoài vào nữa.

Cùng đi nộp "biển nè".

Cây tre thường là chỗ cho cò trắng tối bay về ngủ. Hầu hết sân chim nằm ở Nam Bộ còn miền Bắc thì có những vườn cò. Trong cuốn Tuổi thơ im lặng của nhà văn Duy Khán có đoạn tả về đám cò ở vườn tre nhà ông Tuyên: “Anh tôi tìm được một tổ có cò con. Những con cò đã "ra ràng", nghĩa là có thể "đến tuổi" xáo măng. Anh đánh bạo, trèo lên lưng chừng cây thả sức rung, rung mãi, rung lấy rung để, không một con cò con nào rơi xuống. Mới biết, cò chịu khó làm tổ kiên cố thật! Anh em tôi đành bó tay, ra về với một sự trừng phạt thật là ghê gớm:

"Cứt cò vãi trắng như vôi đầy đầu, đầy mặt, đầy áo chúng tôi. Riêng tôi, lúc ngẩng lên còn bị một hòn cứt cò rơi vào trúng mồm. Mùi tanh và hăng hắc xông đến tận óc!”.

Nhà văn Duy Khán.

Tổ cò kiên cố vậy vì đặt trên những cây tre mọc dày thành hàng thành lũy. Nhờ đặc tính này mà tre được chọn trồng làm hàng rào bảo vệ nhà cửa. Đó cũng là một gợi ý cổ vũ tinh thần đoàn kết của người dân giữ làng, giữ nước. Căn cứ Ba Đình do cụ Đinh Công Tráng ở Nga Sơn, Thanh Hóa xây dựng thủa xưa được bao bọc bởi lũy tre và chông tre. Chỉ tiếc rằng nó đã quá lạc hậu so với tương quan hỏa lực của người Pháp bấy giờ. 

Trong những bộ phim đề tài anh hùng hay chiến đấu của Hoa Kỳ, nhân vật nam chính thường cao to hầm hố, cho nổ tan máy bay này đến dinh thự khác, lửa khói ngút trời. Ngược lại, điện ảnh Việt Nam chú trọng mô tả cảnh bộ đội tiết kiệm từng viên đạn. Điều này có thể hiểu được dựa vào nền tảng vật chất, kinh tế của hai nước, từ đời thực cho đến trường quay. Giai đoạn nhân dân ta đói nghèo, khó khăn liên miên từ cuối triều Nguyễn đến khi chấm dứt tiếng súng chiến tranh giống như hình tượng cây tre cố gắng tồn tại trên mảnh đất bạc màu. Ngay cả chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12/3/1945 cũng thể hiện sự chắt chiu cơ hội để hành động của một lực lượng chỉ có tinh thần là vũ khí đáng kể nhất. Tháng 7 cùng năm, bác sĩ Trần Văn Lai được cử ra quản lý Hà Nội. Vốn là người say mê lịch sử, trong một tháng ngắn ngủi ông đã làm được hai việc đầy tính dân tộc là dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ hành chính và thay tên Việt cho hầu hết các địa danh ở Hà Nội một cách bài bản. Tên vườn hoa Pugininer trước Phủ Toàn quyền thành Vườn hoa Ba Đình kỷ niệm khởi nghĩa Ba Đình. Ngày 2 tháng 9, một lễ đài tại đây được dựng lên để Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc Tuyên ngôn độc lập chính thức khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Lối vào nhà tôi có một bụi tre cán giáo lòa xòa che nắng, mỗi sáng sau mưa cái tán cây lại thấp xuống vì trĩu những hạt nước. Sau này tôi mới biết tên khác là tầm vông. Hóa ra cái cây tôi yêu mến lại là vũ khí tự phát nổi tiếng của những người chống giặc xưa kia. Tôi yêu mến vì loại tre này không gai, thân thẳng, cứng, đặc ruột lại chịu lực tốt, bền bỉ hơn hẳn những giống tre xung quanh. Nhìn phần thân đặc thôi là đã thấy vững lòng cho những cán cuốc, cán xẻng ra vườn không ngại đất cằn. Ba tôi còn lấy tre này làm xà đơn cho các con tập luyện nở nang thân thể. Sau này xây tường rào phải phá cây, tôi vẫn cố chiết lại mấy gốc cán giáo trồng góc vườn để kỉ niệm một thời gắn bó.

Góc vườn cây cán giáo lưu niệm của tôi.

Có dịp đi qua những cung đường Cao Bằng, bạn sẽ ngỡ như lạc vào thời đại xưa vì những rừng trúc sào bạt ngàn và mát rượi hai bên. Đây là giống cây quý được đồng bào người Dao di cư từ nam Trung Quốc xuống phía Bắc Việt mang theo vì rất hữu ích với cuộc sống của họ. Chắc không thiếu những cậu bé người Dao yêu cây trúc sào như tình cảm của tôi với tre cán giáo. Cũng như tầm vông, hiện cây trúc sào được trồng nhiều để phát triển kinh tế. Chúng được dùng làm nguyên liệu sản xuất đồ thủ công, mỹ nghệ, cần câu, gậy trượt tuyết, sào nhảy cao, mành, chiếu, bàn ghế… Rất có thể cây quét mạng nhện nhà bạn cũng là một sản phẩm từ trúc sào Cao Bằng. Măng trúc sào ăn ngon nhưng năng suất thấp nên tôi vẫn chưa được thử trong chuyến xuyên Việt ngắn ngủi. 

Con đường phủ bóng trúc sào.

Chuyến xuyên Việt ngắn ngày của tôi và bạn bè.

Nói tới đây, tôi lại nhớ tới một bạn trẻ có tên Eyu Jin K. Tôi tò mò K. là người nước nào mà sõi tiếng Việt thế mới biết bố bạn là người nước ngoài sang đây làm việc, lấy vợ người Việt rồi định cư ở lại luôn. Ra là ở nước đó bố bạn thuộc nhóm dân thiểu số, không được ưu tiên công việc, nhà ở. Điều này trái hẳn chính sách của Việt Nam.

Có thể đặc tính địa lý, truyền thống đoàn kết 'bầu ơi thương lấy bí cùng', 'uống nước nhớ nguồn' và lịch sử chống giặc ngoại xâm dựa vào sự che chở của những người dân nơi núi rừng hẻo lánh đã tạo nên điểm khác biệt này chăng? Từ lúc mới ngồi trên ghế nhà trường, các công dân Việt Nam đã được giáo dục phải đùm bọc giúp đỡ những người chung mẹ Âu Cơ.

Đặng Quốc Thành

K. bảo một phần vì hòa hợp dân tộc mà người Việt hạnh phúc, vui vẻ và hiếu khách. Trước đây tôi chưa nghĩ đến khía cạnh này. Ở mãi trong biển, con cá không biết biển mặn ra sao chăng?

"Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong 

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp!"

 

Đàn lợn âm dương, tranh Đông Hồ.

Bên trong Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ.

Giống lợn ỉ trong câu thơ của nhà thơ Hoàng Cầm nhà tôi cũng từng nuôi. Học phí đầu năm của chị em nhà tôi trông cả vào nó. Anh tôi đi làm ở xa về cứ vuốt ve cho nó ăn, nó tắm. Bẵng một thời gian giống lợn ỉ bụng sệ chân ngắn vắng bóng vì năng suất không bằng những giống mới, tưởng như đùa mà thật sự đã rơi vào nguy cơ tuyệt chủng. Những sự việc ồn ào không khiến người ta sợ bằng sự lặng lẽ âm thầm xảy ra. Nếu không chú ý bảo tồn gìn giữ, lúc sực tỉnh thì đã muộn.

Hai con lợn ỉ nằm ngủ.

Năm 1993, nhà thám hiểm Tim Severin tìm đến Việt Nam để đóng chiếc bè tre vượt Thái Bình Dương. Ban đầu ông định thực hiện công việc này ở Đài Loan nhưng người dân ở đó đã chuyển sang sử dụng bè nhựa từ lâu, không còn dùng tre nữa. Tim lại cần một chiếc bè vật liệu tự nhiên để chứng minh khả năng người châu Á đã vượt đại dương đến châu Mĩ trước cả Columbus. Giả thuyết này bắt nguồn từ nét tương đồng văn hóa giữa hai vùng ven bờ Thái Bình Dương, giữa châu Á và Nam Mỹ. Chiếc bè của ông đã được làm hoàn toàn thủ công ở Sầm Sơn, Thanh Hóa còn buồm cánh dơi thì được may tại Yên Hưng, Quảng Ninh, hai nơi vẫn còn đầy đủ vật liệu tự nhiên và công nghệ dân gian. Trong thủy thủ đoàn 5 người Tim Severin lựa chọn có ngư dân Lương Viết Lợi, người đã tham gia đóng bè, cùng vượt 5.500 dặm trên đại dương, dù trước đó còn chưa từng đặt chân đến Hà Nội.

Chuyến đi lênh đênh 6 tháng thành công đã chứng minh được giả thuyết của Tim nghiên cứu, sự dẻo dai của cây tre cũng như khả năng thích nghi của người Việt. Khác với tàu thuyền, bè tre không hề dập dềnh trên sóng mà để nước vỗ xuyên qua êm ả. Sự yên bình này làm chiếc bè trở thành một hòn đảo di động với hệ sinh thái nhỏ: rong rêu bám bè, cá nhỏ cá lớn tới ăn, bơi cùng và những người thủy thủ thả câu. Sự hòa mình tự nhiên của bè tre có lẽ rất tương đồng với trạng thái vô vi mà Đạo giáo mô tả. Phải chăng đây là một gợi ý cho cách thức thành công để Việt Nam có thể hòa mình hội nhập thế giới dựa trên bản sắc của mình?

Chiếc bè tre vượt Thái Bình Dương của Tim Severin.

Ngư dân Lương Viết Lợi ở ngoài cùng bên phải của thủy thủ đoàn.

Sau chuyến đi anh Lợi lại trở về với cuộc sống phẳng lặng trước đây. Nếu không có cuốn sách Bè tre Việt Nam vượt Thái Bình Dương của Tim Severin gần đây được biên dịch sang tiếng Việt thì hẳn hành trình ngoạn mục của ngư dân cự phách đó đã chìm vào quên lãng. Đọc cuốn này ta cũng sẽ thấy lại hình ảnh của đất nước thời kì mới phục hồi sau chiến tranh. Dẫu vậy, qua bút ký khách quan của tác giả vẫn sáng lên con người Việt Nam chăm chỉ, yêu đời: 

“Rõ ràng là ở đây không có bất cứ nguồn cung cấp phụ tùng nào cả. Như tôi đã biết, Việt Nam vẫn chịu sự cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ, và điều hiển nhiên là đất nước này thiếu thốn cả những vật liệu đơn sơ nhất. Song ấn tượng đầu tiên mà họ đem lại là hình ảnh mọi người vẫn làm việc một cách bình tĩnh với tác phong công nghiệp, dù vật liệu và công cụ đều khan hiếm”. 

“Hà Nội như bị kẹt lại trong một chiều thời gian khác. Phần lớn do cấm vận mậu dịch, Hà Nội đã bỏ lỡ ba mươi năm viện trợ và phát triển từ cộng đồng quốc tế vốn đã giúp nhiều thành phố ở châu Á thay đổi đến mức khó tin”. 

“Đã hai lần chúng tôi vượt qua những hàng dọc cả trăm người, đi bộ và kiên trì đẩy chiếc xe đạp bên cạnh mình. Mỗi chiếc xe đạp chất gọn gàng những bao lúa căng phồng hay những bó cành cây được chặt và sẽ được dùng làm phân bón. Như những đàn kiến cần cù bền bỉ theo những hàng dọc di động phi thường, những người đàn ông và phụ nữ này, không một chút thở dốc hay than vãn, đang cần mẫn đẩy gánh nặng với nụ cười trên môi. Tôi chợt nhận ra rằng không ai ngồi không cả. Không có những kẻ lười nhác, không có những người bàng quan đứng nhìn, không ai chỉ ngồi bên đường ngắm cảnh trôi qua. Tất cả mọi người dường như đều làm việc hay đang vội vã đi từ nơi này đến nơi khác trong lúc đang mang vác một vật gì đấy. Không khí đầy tác phong công nghiệp và lòng quả quyết với tôi thật ấn tượng”.

Có một nhà thơ mang bút danh đọc lên đã thấy chất hóm hỉnh và dân gian: Bút Tre. Người đã tạo nên trường phái thơ đầy tính trào phúng, lan tỏa này tên thật là Đặng Văn Đăng, từng làm Bí thư Sứ quán Việt Nam tại Rumani rồi Trưởng ty Văn hóa Phú Thọ. Có lẽ câu thơ nổi tiếng nhất của ông là:

Hoan hô đại tướng Võ Nguyên

Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về

Sau Bút Tre có hàng vạn Bút Tre. Có những câu thơ rất Bút Tre mà kỳ thực tác giả không phải là Bút Tre thật:

Hoan hô đồng chí Trần Hoàn

Mới lên bộ trưởng chiếu toàn phim hay

hoặc

Anh đi công tác Buôn Mê

Thuật xong một cái lại về với em

Nhà thơ Bút Tre.

Ở thành thị hay nông thôn, hễ có cuộc vui họp mặt là có thể có phong cách Bút Tre tinh nghịch hiện diện. Những câu thơ hiện nay chủ yếu là thơ được gán cho ông. Có lẽ vì ông đã khơi trúng một nguồn mạch ngầm của dòng văn học dân gian vẫn cuồn cuộn lâu nay. Sự lạc quan hài hước là dưỡng chất tinh thần quý giá, luôn được lan tỏa đi khắp xã hội người Việt. Đó là một rừng tre rì rào tiếng thơ, tiếng cười trong gió.

Phong cách thơ Bút Tre bao trùm mạng xã hội hiện đại.

Mới đây, tờ báo Bloomberg đã đăng tải bài "Ở thế giới mới hỗn loạn này, bạn cần đến ngoại giao cây tre của Việt Nam”. Thật sự người Việt có thể mang thể phách của tre để lướt đi cùng dòng chảy đương đại mà không hòa quang đồng trần.

Bình Thạnh, 05/2025

Bác sĩ Đặng Quốc Thành
Tin khác
‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut
‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut

‘Em bé Napalm’ là bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam, sau nửa thế kỷ lại xôn xao dư luận về câu chuyện bản quyền liên quan đến tác giả Nick Ut.

Sầu riêng Thái Lan được 'chụp CT' trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc
Sầu riêng Thái Lan được 'chụp CT' trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc

Công nghệ chụp CT giúp xác định độ chín, phát hiện sầu riêng non hoặc bị sâu đục quả với độ chính xác đạt 95%, năng suất 1.200 quả/giờ.

Giống lúa chất lượng cao Ngọc Nương 9 lan tỏa trên cánh đồng đại điền Đất Cảng
Giống lúa chất lượng cao Ngọc Nương 9 lan tỏa trên cánh đồng đại điền Đất Cảng

Đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại, giống lúa chất lượng cao Ngọc Nương 9 đang dần khẳng định ưu thế vượt trội trên những cánh đồng đại điền Hải Phòng.

Sầu riêng - thay đổi nhận thức để hết 'sầu Trung'
Sầu riêng - thay đổi nhận thức để hết 'sầu Trung'

Trong mong muốn thúc bách đóng góp giúp bà con trồng sầu riêng qua cơn ‘nhức đầu về đầu ra sang Trung Quốc’ của thức quả ngon khó cưỡng này

Công nghệ và thiết bị tiên tiến chế biến sầu riêng 'Made in Vietnam'
Công nghệ và thiết bị tiên tiến chế biến sầu riêng 'Made in Vietnam'

PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch giới thiệu về công nghệ chế biến sầu riêng 'Made in Vietnam' rất tiềm năng.

Cây Riêng Cô Độc và Vườn Chung Đồng Thuận
Cây Riêng Cô Độc và Vườn Chung Đồng Thuận

'Muốn đi nhanh, thì đi một mình. Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau. Như sầu riêng ngày ấy, tưởng mạnh nhất… Nhưng chỉ lớn lên thật sự, khi biết cần nhau'.

Quản lý, hạn chế và loại bỏ Cadimi trong đất và nông sản
Quản lý, hạn chế và loại bỏ Cadimi trong đất và nông sản

Cadimi có nguồn gốc từ đâu, giải pháp quản lý và một số phương pháp hạn chế, loại bỏ Cadimi trong đất và nông sản.

Kiến nghị từ Đắk Lắk
Kiến nghị từ Đắk Lắk

Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk: Cùng nhau kiểm soát chất lượng, khi chất lượng sản phẩm và các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, tồn dư đảm bảo thì chuyện gian lận sẽ không còn.

Từ mã số đến thị trường: Sầu riêng Việt phải chuẩn hóa để đi đường dài
Từ mã số đến thị trường: Sầu riêng Việt phải chuẩn hóa để đi đường dài

Gần 1.000 mã số mới được phê duyệt là cơ hội lớn, nhưng để giữ niềm tin, ngành sầu riêng buộc phải chuẩn hóa toàn chuỗi và tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu thị trường.

Mạnh tay với nạn 'ăn cắp' mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói
Mạnh tay với nạn 'ăn cắp' mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói

Ngoài các biện pháp kỹ thuật, nạn 'ăn cắp' mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cần có những chế tài mạnh mẽ để ngăn chặn, xử lý triệt để.

Đưa sầu riêng trở lại 'đường đua'
Đưa sầu riêng trở lại 'đường đua'

Trước các quy định ngày càng ngặt nghèo, sầu riêng phải được quản lý chặt chẽ từ sản xuất đến thương mại, nâng cao chất lượng, uy tín sầu riêng Việt Nam.