Con sâu tai trên bó rau và câu chuyện an sinh

Đặng Quốc Thành - Thứ Sáu, 21/03/2025 , 09:13 (GMT+7)

Nông nghiệp sạch cần sạch trước hết từ tâm trí và hiểu biết. Không có một nền nông nghiệp an toàn, bền vững thì con người sớm muộn cũng phải dừng lại cuộc hành trình của mình.

Trong thành phố có một vườn cây mát

Trong triệu người có em của ta

Buổi trưa nắng bầy ong đi kiếm mật

Vào vườn rồi ong chẳng nhớ lối ra.

Lưu Quang Vũ

Món quà của bạn

Bạn ở Tây Nguyên gửi tặng một thùng rau củ nhà trồng cho tôi. Sống ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi như bắt được vàng vậy, thầm nghĩ có tiền cũng chắc gì mua được đồ ăn đảm bảo vệ sinh. 

Tờ mờ sáng tôi chạy ra bến xe mang thùng rau về chỗ ở, hân hoan sắp xếp, cất giữ, chia lại cho người khác vì quá nhiều. Từng bó rau được gói trong giấy báo. Bất ngờ xuất hiện một con côn trùng nằm trên lá bắp cải khi tôi mở bọc, ở phần đuôi lại có một cặp càng lớn. Tuy vậy anh chàng không tỏ vẻ đe dọa gì. Nghĩ một chút tôi thả nó vào chậu cây.

Vị khách lạ

Không khó để tra tìm được danh tính của vị khách từ vùng đất đỏ này là con sâu tai Earwig. Quả thật đây là một chàng trai vì những con đực có cặp càng (thật ra là đôi chân biệt hóa thành) cong lại trong khi của con cái sẽ thẳng.

Thời đại này, thật dễ để tìm ra lai lịch một thứ lạ lẫm, dưới biển sâu hoặc trên sao Hỏa. Thế mà thật khó để tìm được một nguồn thực phẩm đáng tin ở thành phố mình sống. Những người bạn bè tôi trao đổi đều chấp nhận chút may rủi khi ăn uống. “Không ăn thì đói chết mà ăn thì bệnh chết từ từ” chúng tôi bảo nhau thế, một chút bất chấp Chí Phèo pha vào một chút tự huyễn AQ. Thôi cứ hi vọng “chắc nó chừa mình ra”. Nó ở đây là hóa chất bảo vệ thực phẩm và những bệnh tật đi kèm.

Thật hiếm hoi để thấy ở phố chợ một lá rau bị rầy hoặc một vị khách côn trùng kèm theo trên đó. Cũng hiếm hoi như lòng tin của người tiêu dùng ở những thực phẩm mua về. Thỉnh thoảng một vụ việc vỡ lở để hơi giật thót rằng hóa ra thương hiệu mình dùng lâu nay bày bán một sản phẩm độc hại với những kiểm duyệt và chứng nhận “sạch sẽ” được thông qua một cách thờ ơ. Nhưng rồi thời gian trôi qua, mọi người vẫn lầm lũi đi mua đại thực phẩm về nấu ăn khi mà chưa có một viên thuốc tin cậy nào có thể thay cho bó rau hàng ngày.

Không phải người trồng rau đem bán nào cũng chỉ mong muốn lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe cộng đồng. Tuy vậy sự hiểu biết không đến nơi đến chốn lại khiến người ta vô tư mang những chất có hại đưa vào thực phẩm. Tôi lạnh sống lưng khi vô tình xem ở mạng xã hội một người trồng rau khăng khăng thứ thuốc diệt côn trùng mình dùng không gây hại ai mà chỉ hết sâu bệnh thôi.

Người ta vô tư dùng thuốc bảo vệ thực vật

Tôi lớn lên ở nông thôn, cả năm mới được ăn trứng gà vài lần, quý hóa lắm. Sau này học đại học, hớn hở vì bữa nào cũng có trứng ăn, một thời gian thì vỡ mộng nhận ra không thơm, không vàng như trứng ở nhà. Lâu dần áp lực cuộc sống cũng làm tôi quen cầm lấy những bó rau sạch tinh không hề có lá sâu rầy, không một con côn trùng nào cư ngụ mà không hề có chút thắc mắc. Thật lẩn thẩn giữa một cái sạch tốt và một cái sạch có hại sức khỏe.

Trong cuốn Mùa xuân vắng lặng (Silent Spring), tác giả Rachel Carson cho rằng thuốc bảo vệ thực vật đã gây hại đến nhiều loài sinh vật, biểu hiện rõ ở sự sụt giảm quần thể chim chóc, khiến cho mùa xuân không còn rộn ràng tiếng hót đón chào nữa. Cuốn sách xuất bản năm 1962 này đã thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường dẫn đến việc thành lập Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ. Mùa xuân vắng lặng tạo nên làn sóng phản đối mạnh mẽ đối với thuốc trừ sâu, đặc biệt là chất hữu cơ DDT, từng được xem như một loại thuốc kỳ diệu để diệt trừ côn trùng. Mười năm sau, chất này đã bị nghiêm cấm sử dụng ở Hoa Kỳ vì phát hiện gây tổn thương khả năng sinh sản cho một số loài chim.

Khoa học và đạo đức tự giác chưa phát triển đến độ ngăn chặn hoặc thay thế được các thuốc bảo vệ thực vật, bảo quản thực phẩm độc hại. Thay vì chờ trải lụa trên mặt đường, mỗi người đều mang giày để bảo vệ bàn chân mình. Thế nên nhà nhà tranh thủ trồng được chút rau cỏ nào hay chút ấy giữa phố xá. Một vài thùng xốp nhỏ, hoặc như ngay trước chỗ tôi sống, là một vườn rau trên sân thượng. Một mảnh Vườn trong phố” của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ xưa kia nay vẫn là ước mơ, hi vọng của bao người.

Vườn rau trên sân thượng đối diện phòng tôi

Có một câu chuyện rằng một doanh nhân trẻ gặp ông lão đánh cá ở làng chài và hỏi tại sao ông không đánh cá nhiều hơn để kiếm thêm tiền. Ông lão đáp rằng ông hài lòng với cuộc sống đơn giản: câu cá, dành thời gian cho gia đình, bạn bè. Doanh nhân liền khuyên ông làm việc chăm chỉ trong chục năm nữa để mua một đội thuyền đánh cá, lập công ty đóng cá hộp, xây dựng đế chế kinh doanh, rồi nghỉ hưu giàu có và sống thảnh thơi với gia đình, bạn bè. Ông lão mỉm cười: “Thế anh nghĩ tôi đang làm gì?”.

Tôi gặp rất nhiều người, nếu không nói là tất cả những người trưởng thành tôi gặp ở thành phố, đều có một giấc mơ nho nhỏ về một vườn cây tự cung tự cấp. Tôi cũng gặp chính tôi trong đó và thấy hồ nghi sao mình phải bỏ thôn quê để lại mơ về nơi đó. Tất nhiên người ta cần đảm bảo chỗ dựa tài chính nếu có biến cố nào đó. Do đó mà người ta đi xa, cố gắng có nhiều hơn một con thuyền câu cá là vì nỗi lo này và những chí hướng cao xa khác. Nhưng mảnh vườn nhỏ thiên về một mong muốn an sinh hơn. Muốn được đảm bảo sức khỏe, tái tạo sức lao động chức không phải càng ăn càng chuốc bệnh theo miệng vào người. Còn bất an, người ta sẽ không an tâm cống hiến trong công việc hay vui sống được.

Bầy ong của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ đã lạc lối trong khu vườn nhỏ, còn từ năm 2017, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20/5 hàng năm là "Ngày Ong Thế giới" để bảo vệ loài ong trước nguy cơ tuyệt chủng do thuốc trừ sâu và các yếu tố khác. Ong tuyệt chủng thì con người cũng rơi vào nạn đói. Bảo vệ môi trường thực ra là bảo vệ loài người. Nông thôn Việt Nam cũng chẳng yên bình chút nào khi mà dư lượng thuốc trừ sâu ngấm vào đất và nước từng ngày. Nông nghiệp sạch cần sạch trước hết từ tâm trí và hiểu biết. Không có một nền nông nghiệp an toàn, bền vững thì con người sớm muộn cũng phải dừng lại cuộc hành trình của mình. Vấn đề vĩ mô nhưng trong bữa ăn nào cũng hiện ra đầy ưu tư.

Sáng sáng tôi vẫn tưới nước cho chậu cây mà mình đã thả chàng côn trùng nhìn dữ tợn nhưng lại nhút nhát ẩn nấp vào. Chậu cây trở thành một thứ duy nhất vì giờ đây tôi phải nghĩ xem anh chàng đó còn ở dưới những phiến lá, lớp đất kia không? Cậu ta có sống ổn giữa chốn xa lạ này hay đã lặng lẽ biến mất rồi? Trong triệu chậu cây chỉ có chậu cây ấy có điều đặc biệt này.

Bình Thạnh, 03/2025

Đặng Quốc Thành
Tin khác
Nuôi gà du mục kiểu ‘lười’
Nuôi gà du mục kiểu ‘lười’

Phú Thọ Không xây chuồng trại, không gây ô nhiễm môi trường. Anh Đức dùng ô tô cũ làm chuồng di động, đưa gà ra đồi kiếm ăn, vừa nuôi gà, vừa làm cỏ, cải tạo đất.

Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương
Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương

Nguyễn Huy Thiệp không chỉ là cây bút truyện ngắn xuất sắc, mà ông còn dành nhiều tâm tư trong các tiểu luận về vai trò nhà văn và công nghệ văn chương.

Canada: Một trường cao đẳng mở chương trình đào tạo AI trong ngành thủy sản
Canada: Một trường cao đẳng mở chương trình đào tạo AI trong ngành thủy sản

Trường Excel Career College triển khai một chương trình đào tạo hoàn toàn miễn phí, nhằm trang bị kiến thức về ứng dụng AI cho lực lượng lao động trong ngành nuôi trồng thủy sản.

Kiến vàng - vũ khí sinh học hiệu quả
Kiến vàng - vũ khí sinh học hiệu quả

Nuôi kiến vàng giúp vườn cây có múi giảm sâu bệnh, nâng cao chất lượng trái, tiết kiệm chi phí nhưng ít nhà vườn áp dụng.

Tiếp viên hàng không về quê nuôi lợn, 2 tháng kiếm 686 triệu đồng
Tiếp viên hàng không về quê nuôi lợn, 2 tháng kiếm 686 triệu đồng

Một nữ tiếp viên hàng không ở Trung Quốc đã nghỉ việc và quay về quê nhà để làm nghề nuôi lợn, kiếm được 28.000 USD, tương đương 686 triệu đồng chỉ trong 2 tháng.

Trồng xen hành, tỏi trong ruộng dâu tây để đuổi côn trùng
Trồng xen hành, tỏi trong ruộng dâu tây để đuổi côn trùng

YÊN BÁI Theo kinh nghiệm, hành và tỏi có chứa các hợp chất tự nhiên có khả năng xua đuổi nhiều loại côn trùng gây hại.

Thả hàng trăm triệu ong ký sinh tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa
Thả hàng trăm triệu ong ký sinh tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa

Tại ĐBSCL, các địa phương đã thả hàng trăm triệu con ong ký sinh cùng các thiên địch khác để khống chế dịch sâu đầu đen hại dừa.

Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn
Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn

Nguyễn Huy Thiệp vẽ gốm và những tác phẩm gốm lấy cảm hứng từ tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, được hội ngộ tại triển lãm ‘Gốm Thiệp’ ở Hà Nội.

Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay
Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay

Trịnh Công Sơn trong chiến tranh và trong hòa bình, đều ngợi ca sức sống bất tận của làng quê Việt Nam, mà thời gian càng lùi xa càng thấy đáng trân trọng.

Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ
Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ

Một địa danh gắn bó với tuổi thơ và gia đình, dẫu đổi thay ra sao, vẫn luôn có ý nghĩa sâu sắc trong hành trình buồn vui của mỗi con người.

Agribank - Hành trình 37 năm khẳng định vị thế, vinh danh thương hiệu quốc gia
Agribank - Hành trình 37 năm khẳng định vị thế, vinh danh thương hiệu quốc gia

Hơn ba thập kỷ không ngừng đổi mới và phát triển, Agribank đã trở thành trụ cột quan trọng của ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam.

NOMAFSI giúp Hà Tĩnh 'thay máu' giống chè, chuyển sang sản xuất hữu cơ
NOMAFSI giúp Hà Tĩnh 'thay máu' giống chè, chuyển sang sản xuất hữu cơ

Hà Tĩnh sẽ đưa các giống chè mới chất lượng tốt và khả năng chịu hạn vào sản xuất như PH8, PH9, LCT1, TRI5.0 PH22, Hương Bắc Sơn…