Mùa lễ tết đến gần, thị trường voucher càng trở nên sôi động. Khi chiếc điện thoại thông minh đã phổ cập từ thành thị đến nông thôn, thì tốc độ phát triển của thương mại điện tử rất nhiều hứa hẹn. Tuy nhiên, điều mà khách hàng quan tâm là dịch vụ cung cấp voucher đã thực sự trưởng thành chưa?
Ảnh minh họa
Voucher, nguyên gốc tiếng Anh có nghĩa là chứng từ. Thế nhưng, đối với người tiêu dùng, voucher được mặc định là phiếu mua hàng hoặc phiếu quà tặng. Voucher có thể là dạng phiếu điện tử hoặc phiếu giấy, có giá trị nhất định và dùng được trong giao dịch mua hàng hóa hoặc dịch vụ. Khi một nhà cung cấp phát hành ra các voucher, họ cam kết sẽ giảm giá cho khách hàng hoặc đổi cho khách hàng một lượng hàng hóa hoặc dịch vụ tương đương với giá trị thể hiện cụ thể trên phiếu mua hàng.
Tìm hiểu về lịch sử giao dịch, voucher đã được sử dụng từ khá lâu trên thế giới. Lần đầu tiên người ta ghi nhận việc voucher được sử dụng là trong một chiến dịch quảng cáo của Coca-Cola năm 1888. Khi đó những nhân viên của Coca-Cola đã ký tên mình lên một tờ giấy nhỏ và phân phát cho khách hàng. Những ai có phiếu đó thì có thể dùng để đổi được một cốc Coca miễn phí. Phương pháp tiếp thị đặc biệt này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Vì vậy, những voucher giảm giá hoặc miễn phí được sử dụng rộng rãi hơn tại Mỹ. Và cuộc chạy đua voucher tại Mỹ nóng dần lên. Đến năm 1909, ở xứ sở cờ hoa đã có khoảng 2.800 công ty hàng tiêu dùng đóng gói cung cấp các phiếu giảm giá trên sản phẩm. Theo một thống kê gần đây thì mỗi năm người tiêu dùng Mỹ đã sử dụng oucher giảm giá để tiết kiệm 4,6 tỷ USD khi mua hàng từ các nhà cung cấp.
Voucher, nói trắng ra không phải lòng tốt ban phát mà là một công cụ marketing. Khách hàng luôn là những người rất nhạy cảm với yếu tố giá. Vì vậy, một trong những cách thức để khuyến khích khách hàng hoàn thiện đơn hàng của mình là tặng khách hàng một voucher giảm giá trong quá trình mua hàng. Những doanh nghiệp nắm bắt tốt xu hướng sử dụng voucher sẽ có những lợi thế trong việc thu hút, giữ chân khách hàng, và cả lợi thế trong việc khai thác tối đa những phân khúc thị trường khác nhau.
Voucher mới chỉ xuất hiện nhiều ở Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây. Ban đầu, xuất phát từ nhu cầu của một số khách hàng mua hàng muốn mua một phiếu voucher dịch vụ/ hàng hóa để làm quà tặng cho người thân hoặc bạn bè. Họ không muốn tặng tiền hoặc sản phẩm trực tiếp vì muốn để cho người nhận voucher sẽ tự lựa chọn sau. Vì thế, các công ty và các cơ sở kinh doanh ở Việt Nam đã bắt đầu bán voucher. Sau khi khách hàng mua những voucher này thì họ có thể mang đến địa chỉ bán hàng/ cung cấp dịch vụ để đổi lấy một hàng hóa/ dịch vụ có giá trị tương đương.
Trước khi quyết định mua voucher, người mua phải đọc kỹ các điều khoản, điều kiện kèm theo. Nên tham khảo giá của sản phẩm trước khi mua voucher vì thực tế có rất nhiều cửa hàng tự động nâng giá bán trước khi tung ra voucher để lôi kéo khách hàng. Vị này cũng cho rằng các doanh nghiệp liên kết với các đơn vị khác để tặng voucher cho khách hàng nhưng theo kiểu làm phiền họ thì gián tiếp làm mất uy tín với khách hàng của mình. |
Sự ra đời của mô hình mua hàng theo nhóm thực sự đã thúc đẩy rất mạnh sự phát triển của voucher tại Việt Nam. Những doanh nghiệp thương mại điện tử chuyên kinh doanh voucher xuất hiện như Hotdeal, Mua Chung, Nhóm Mua... hoạt động như những bên trung gian giúp các doanh nghiệp cung cấp, phân phối hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng.
Họ đẩy mạnh xây dựng mạng lưới khách hàng để mỗi sản phẩm rao bán sẽ có nhiều đơn hàng hơn. Và họ thương lượng với nhà cung cấp để giảm giá các mặt hàng/dịch vụ cho khách hàng.
Dĩ nhiên là các bên kinh doanh mua hàng theo nhóm này không có chức năng cung cấp hàng hóa/dịch vụ... mà chỉ là bên trung gian phân phối. Với mỗi khách hàng mua dịch vụ, họ có thể cung cấp cho khách hàng một voucher và khách hàng có thể dùng voucher này đến các đơn vị cung cấp dịch vụ để tiêu dùng. Những voucher tiêu biểu của các dịch vụ này bao gồm: ăn uống tại các nhà hàng, du lịch, đào tạo, giải trí...
Tuy nhiên, khi nhen nhóm hình thành, thì thị trường voucher cũng xảy ra nhiều chuyện dở khóc dở cười. Ví dụ, là khách VIP của một ngân hàng, chị Khánh Chi, ở quận Bình Tân - TP.HCM, được tặng 1 voucher có mệnh giá tới 6 triệu đồng để mua kim cương nhãn hiệu C.
Cầm tấm voucher trên tay, chị Khánh Chi đến Parkson chọn mua kim cương thì mới tá hỏa bởi những quy định kỳ quặc mà voucher liên kết với đơn vị bán hàng đặt ra: Chỉ áp dụng voucher cho 1 sản phẩm có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên với điều kiện mua rồi không được bán lại.
Chị Khánh Chi nhẩm tính: Đã mua nữ trang có giá trị thì ai cũng có quyền mua đi bán lại khi cần thiết. Đằng này, hàng chỉ được mua nhưng không được bán. Cuối cùng chị Khánh Chi buông xuôi: “Chần chừ một hồi lâu, tôi quyết định bỏ tấm voucher 6 triệu đồng cho khỏi hoài nghi”.
Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Thành Vạn An – Tổng giám đốc Hotdeal, một doanh nghiệp thương mại điện tử chuyên kinh doanh voucher với gần 500 lao động, chia sẻ: “Những rắc rối ban đầu thì khó tránh khỏi, nhưng bây giờ ngành dịch vụ voucher đã trưởng thành rồi. Chúng tôi khi bán ra voucher, thì luôn theo dõi chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.
Thậm chí, chúng tôi thiết lập đường dây nóng để người tiêu dùng phản hồi chất lượng dịch vụ một cách nhanh nhất. Đơn vị nào ứng xử bất cập với chất lượng voucher là chúng tôi chấm dứt hợp tác ngay. Chúng tôi dự đoán rằng thị trường voucher trong tương lai sẽ phát triển bền vững. Hiện tại, các loại voucher bán rất chạy bao gồm ăn uống, spa và giải trí. Mặt hàng nào càng mới mẻ, càng kích thích sự khám phá của khách hàng thì lượng voucher bán ra càng lớn!”.
Điều băn khoăn duy nhất hiện nay của thị trường voucher là mở rộng mạng lưới khách hàng ở vùng quê. Nhu cầu thì có đấy, nhưng kênh phân phối, quan điểm tiếp thị lẫn tư duy thương mại của các doanh nghiệp tỉnh lẻ vẫn còn hạn chế! Người dân đô thị nhờ tận dụng voucher được mua hàng rẻ hơn người dân nông thôn thì cũng hơi xót xa!
Bên cạnh voucher giấy phổ biến thì voucher điện tử (Viết tắt là E-Voucher) đang có xu hướng trỗi dậy. E-Voucher ra đời cùng với sự phát triển của thương mại điện tử và sự linh hoạt, thuận tiện của hoạt động thanh toán trực tuyến. Sau khi kinh doanh phiếu voucher giấy một thời gian, các đơn vị mua hàng theo nhóm là những đơn vị tiên phong sử dụng E-Voucher. Khách hàng thanh toán tiền xong là sẽ nhận luôn được một mã số. Mã số này sẽ được gửi luôn qua tin nhắn điện thoại hoặc qua địa chỉ email đăng ký mua hàng. Khi đến các địa điểm sử dụng dịch vụ, khách chỉ cần đọc mã E-Voucher cho nhân viên để nhân viên kiểm tra là xong. Để tăng tính bảo mật, mỗi mã voucher này thường sẽ có nhiều hơn 5 ký tự và kết hợp cả số và chữ. |