Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, nền nước lũ cuối tháng 6/2025 trên thượng nguồn tại trạm Kratie tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và cao hơn khá nhiều các năm gần đây.
Trong tháng 6, dung tích Biển Hồ tăng khá mạnh với cường suất trung bình 0,15 tỷ m3/ngày. Vì vậy, dung tích Biển Hồ hiện ở mức cao hơn TBNN và cao hơn khá nhiều các năm gần đây. Đến ngày 26/6, dung tích Biển Hồ đạt 4,83 tỷ m3, cao hơn 1,12 tỷ m3 so với TBNN (1996 - 2024) và cao hơn 3,74 tỷ m3 so với năm 2024.

Mực nước lũ đầu vụ tại Tân Châu vào ngày 31/7 được dự báo ở mức 2 m, sẽ không ảnh hưởng tới khu vực sản xuất trong đê bao. Ảnh: Sơn Trang.
Khu vực đầu nguồn sông Cửu Long tại các trạm Tân Châu và Châu Đốc, mực nước trong tháng 6 ở mức khá cao và biến đổi mạnh theo triều. Mực nước trung bình tháng 6 ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2024, thấp hơn TBNN (1961 - 2024) tại trạm Tân Châu và cao hơn TBNN (1961 - 2024) tại trạm Châu Đốc.
Dự báo mưa tháng 7 trên lưu vực hạ lưu sông Mekong phổ biến xấp xỉ TBNN, một số nơi cao hơn TBNN. Vì vậy, nhiều khả năng trong tháng 7, đặc biệt là thời kỳ nửa cuối tháng 7, lượng nước từ thượng nguồn đổ về vùng ĐBSCL sẽ tăng khá mạnh, mực nước trên sông chính và nội vùng ĐBSCL sẽ có xu thế tăng trong tháng 7.
Đến ngày 31/7, mực nước lũ trên dòng chính ĐBSCL khu vực đầu nguồn được dự báo ở mức cao nhất đạt 2 m tại Tân Châu (thấp hơn cùng kỳ TBNN 0,31 m, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 0,41 m) và 1,95 m tại Châu Đốc (thấp hơn cùng kỳ TBNN 0,01 m, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 0,41 m).
Tại khu vực trung tâm, mực nước dự báo ở mức 1,5 m tại Cần Thơ (cao hơn cùng kỳ TBNN 0,32 m, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 0,15 m) và 1,35 m tại Mỹ Thuận (cao hơn cùng kỳ TBNN 0,31 m, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 0,25 m).
Về lũ nội đồng, tại vùng thượng ĐBSCL, đỉnh lũ cuối tháng 7 ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2024 bình quân khoảng 0,2 - 0,25 m, phổ biến xấp xỉ và cao hơn TBNN. Tại vùng giữa, đỉnh lũ cuối tháng 7 ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2024 bình quân khoảng 0,15 m, cao hơn khá nhiều so với TBNN. Tại vùng ven biển, đỉnh lũ cuối tháng 7 ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2024 bình quân khoảng 0,07 m, cao hơn khá nhiều so với TBNN.
Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam nhận định, với mức lũ cuối tháng 7 là 2 m tại Tân Châu, về cơ bản hệ thống ô bao, bờ bao ở ĐBSCL đáp ứng bảo vệ sản xuất. Tuy nhiên, các khu vực sản xuất nằm ngoài đê bao trên địa bàn các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp, Long An (cũ). Đặc biệt trên địa bàn tỉnh Long An (cũ) có diện tích sản xuất ngoài đê bao còn khá nhiều, cần theo dõi chặt chẽ và có giải pháp ứng phó kịp thời.