| Hotline: 0983.970.780

Tấm tình quan họ

Thứ Hai 22/02/2016 , 08:33 (GMT+7)

Hát canh là hình thức được tổ chức trong “nhà chứa”, là lối hát giữa bọn quan họ làng mở hội với bọn quan họ kết chạ với mình. Hát canh chỉ diễn ra vào ban đêm trong hội xuân.

Hát chơi trong nhà

Đến hẹn lại lên, 13 tháng riêng âm lịch hằng năm, du khách lại đổ về hội Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Người người lên đồi Lim để nương câu hát mà giao duyên. Còn chúng tôi đi tìm những canh hát quan họ cổ, nơi lưu giữ hồn cốt của người quan họ.

Năm nay, chúng tôi tới gia đình nghệ nhân quan họ Nguyễn Hữu Thoa ở xóm Trùng, Lũng Giang (thị trấn Lim). Nhiều năm phụ trách Câu lạc bộ quan họ, tham gia ban tổ chức, năm nay, được tạm nghỉ một năm, anh Hai Thoa mới lại mở hát canh tại gia đình để đón bạn.

Canh hát quan họ là dịp để các bọn quan họ tranh tài với nhau. Tuy nhiên, tranh tài chỉ là để “chơi”, cho nên hình thức hát canh còn gọi là “Quan họ du ca tại gia” (quan họ hát chơi trong nhà), trong quan họ tuyệt đối không bao giờ có hát thi.

Canh quan họ đêm nay, gia đình anh Hai Thoa lại được đón chị hai, chị ba quan họ bên làng Diềm “tới chơi nhà”.

Dù xã hội có nhiều thay đổi, song theo lệ xưa, một canh hát quan họ cổ bao giờ cũng tuân thủ chặt chẽ 3 chặng hát, từ giọng lề lối, giọng vặt và cuối cùng là giọng giã bạn.

Những canh hát quan họ như thế thường diễn ra thâu đêm đến khoảng 5 giờ sáng. Lời ca quan họ rằng “các cụ ông say thuốc/ các cụ bà say trầu/ còn con trai con gái/ chỉ nhìn mà say nhau”. Say người ấy cũng là say tình quan họ vậy.

Canh khuya giã bạn

Đến độ giờ Tí (23 giờ đêm), những quan khách vãng lai đến với gia chủ để tráng men canh hát đều đã lục tục trở gót ra về, chỉ còn chúng tôi ngồi lại. Đêm càng khuya, lời ca càng “vang, rền, nền, nẩy”, hồn vía người nghe cũng chìm trong câu hát, lạc về những không gian nảo nào thốt ra từ lời quan họ.

“Say men, say hát, say cười. Say trầu say thuốc say người năng say". Canh cứ sang theo những khúc đẩy đưa như thế. Để rồi, các giọng Tạm biệt từ đây cũng dần được cất lên. Câu hát nương theo canh khuya tới khi bên các liền anh cất nhời ca: “Kính quan họ nghỉ chúng tôi trở ra về”.

Các liền chị chưa muốn cho các liền anh ra về nên cất nhời: “Việc nhà đã có chị hai ì ì ì i/ Xin í i đôi người, tình chung răng mà ở lại, mà chơi đến mai sẽ về/ Tình tang tính, tính tang tình, anh rằng hai ơi/ Đương vui thế này, sao lại trở ra về, có dở dở dương không…”.

Dẫu dùng dằng nửa ở nửa về, các liền anh đáp lại: “Chơi cho huê nở hồng hồng/ Nhuộm thêm cái bụi đào thắm, huê lại tốt tươi, đôi ba người hái chơi/ Ô lình tính tinh, kính gia đình nghỉ, chúng tôi trở là có ra thì về…”

Đôi mắt chị hai, chị ba lúng liếng để thử giữ chân anh hai, anh ba: “Mai về tôi chẳng dám giữ đâu, í ì ì i/ Chiếc í i khăn hồng, tình chung í i tình chung răng mà trao trả/ Chiếc í i khăn hồng, tình chung, tình chung răng mà để lại làm tin í i trong nhà, tình tinh tính, tính tinh tình anh rằng ba ơi… Đương vui thế này, sao lại trở ra về, liệu có dở dở dương không…”.

Anh hai, anh ba cũng lưu luyến chưa muốn về ngay, bởi: “Chơi cho thiên địa xoay vần/ Tứ thời là thời bát tiết để hương xuân còn dài”. Song các anh vẫn xin phép ra về.

17-51-34_qun-ho-3

“Về là chứ đôi anh về, mai anh lại là sang chơi ngay/ Về là chứ đôi anh về, mai anh lại là sang chơi liền…”, chị hai, chị ba cất lời như níu vạt áo các anh. Quan họ là tình, lời hát nhã mà đượm, tình nồng mà không phô, ấy là vậy. Tuy nhiên, mặc câu hẹn “chơi cho lở trống long chiêng, cho xoay vần trời đất”, mặc các chị hai chèo kéo hự là, các anh vẫn ra về.

Hậu phương quan họ

Canh tàn, gia chủ lại “chong đèn thêm rượu”. Thêm chút rượu, thêm nồng, con mắt liếc ngang, tình thêm gắn bó. Thật đúng là như lời người bạn: “Chưa đi chưa biết hội Lim/ Đi về với tiếc chẳng tìm từ lâu...”.

Về với quan họ, điều tôi chú ý là những người mẹ, người vợ, người con gái làng Lim cứ âm thầm lui về phía sau để chuẩn bị cho những canh hát thâu đêm suốt sáng. Nào trà nước tiếp khách đến nhà. Kẹo lạc “nhà làm” mộc mạc và vài thức quả quê bày đơn sơ trên chiếu. Nào cơm rượu đến bữa chính. Nào đồ ăn nhẹ để ban đêm các liền anh liền chị và quan khách có chút lót dạ cho ấm cái bụng mà nhời ca lại tiếp tục vang vang.

Canh quan họ đêm nay, lúc lúc tôi lại nhìn ra sân, ngoài ấy, bà Nguyễn Thị Hoa, vợ của nghệ nhân Nguyễn Hữu Thoa cũng say theo canh hát. Nhưng bà và các con trai, con gái, con dâu, con rể lấy việc phục vụ các liền anh liền chị và quan khách làm niềm vui của mình. Bất giác, tôi nhớ đến lời quan họ cổ rằng:

“Tay em têm một cơi trầu/ Em mang ra trước trình chồng/ Sau đem ra thếp à thếp bạn/ Bạn ăn một miếng bạn giở ây hầy như a là ra về/ Lại được ới à tiếng khen một mình em ghính vác giang san/Ấy mấy chông bên là nhà chồng/ Một mình em ghính vác giang san/Ấy mấy nha bên là nhà chồng”.

Thì ra, gái có công chồng chẳng phụ. Người quan họ tình tứ cũng đến là vậy. Đãi khách đường xa đến chơi nhà lịch sự bao nhiêu, hiếu khách bao nhiêu thì cũng chẳng quên tình người vợ.

Đương khi đông hội nghỉ giải lao sau canh hát, tôi khẽ hỏi bà Hoa về những chuyện hậu phương bếp núc. Bà chỉ cười giản dị mà rằng: “Cả năm mới có ngày hội. Được đón khách về với gia đình là niềm vui của mỗi nhà. Tôi cố gắng để khi quan khách ra về dẫu chả được mười mươi thì cũng phải được bảy tám phần bằng lòng”. Một câu nói đủ gói tất cả tấm tình quan họ.

Xem thêm
Hà Nội FC khiến cuộc đua vô địch V.League càng khó lường

Chiến thắng 2-1 của Hà Nội FC trước Quảng Nam ở vòng 20 khiến cuộc đua vô địch V.League càng khó lường khi chỉ kém 2 điểm so với Thép Xanh Nam Định.

Trực tiếp Mẹ biển tập 31 trên VTV1 hôm nay 30/4/2025

Link xem trực tiếp Mẹ biển tập 31 sẽ được phát sóng trên kênh VTV1 vào lúc 21h00 hôm nay 30/4/2025 tại VTV và VTV Go.

Đà Nẵng: Tiếp nhận 1.300 cây dừa phủ xanh đường biển

Đà Nẵng đã tiếp nhận gần 1.300 cây dừa từ 40 tổ chức, cơ quan để phủ thêm màu xanh cho không gian bãi biển, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Khai mạc triển lãm ảnh 'Hoàng Sa, Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng'

Sáng 17/3, Vùng 4 Hải quân khai mạc triển lãm ảnh nhân dịp 50 năm giải phóng Quần đảo Trường sa và 70 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam.