Hiện thực hóa khát vọng của Bác bằng trí tuệ Việt
Trong hơn sáu thập niên phát triển, Petrovietnam đã vượt qua muôn vàn khó khăn để trở thành trụ cột của nền kinh tế quốc gia. Hành trình ấy, bắt đầu từ mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong chuyến thăm trung tâm dầu mỏ của Liên Xô - Bacu (Azerbaijan) năm 1959. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu…”.

Bác Hồ thăm Azerbaijan năm 1959. Ảnh: Petrovietnam.
Lời nói đó đã trở thành hiện thực vào năm 1981, khi dòng khí công nghiệp đầu tiên từ giếng khoan 61 – mỏ Tiền Hải C được đưa vào phát điện, hòa lưới quốc gia. Tiếp đó, năm 1986, tấn dầu thương mại đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ được đưa lên mặt đất, đặt dấu mốc ra đời cho ngành khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Từ đây, Việt Nam chính thức ghi tên vào các quốc gia có hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu mỏ.
Bước vào những năm 1990, cùng với làn gió đổi mới của đất nước, ngành Dầu khí Việt Nam đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi Tổng công ty Dầu khí Việt Nam được thành lập. Từ đây, tư duy “vừa học, vừa làm” đã dần phát triển lên thành khát vọng “làm chủ” - làm chủ giếng khoan, làm chủ thiết kế, làm chủ điều hành, làm chủ đàm phán. Những mốc son như khai thác các mỏ mới (Đại Hùng, Rạng Đông, Lan Tây - Lan Đỏ…), hình thành các đơn vị dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu, đầu tư ra nước ngoài, đã xác lập bản sắc riêng của ngành dầu khí Việt Nam: tự tin, hội nhập và vững vàng trên thương trường quốc tế.

Khai thác dầu khí mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Petrovietnam.
Từ Tổng công ty Dầu khí Việt Nam phát triển thành Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam - Petrovietnam), Petrovietnam từng bước hoàn thiện năng lực làm chủ toàn bộ chuỗi giá trị dầu khí - từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối đến phát triển công nghiệp khí, điện khí, lọc - hóa dầu, năng lượng tái tạo. Hình thành một hệ sinh thái doanh nghiệp đồng bộ, phát triển đội ngũ nhân lực kỹ thuật cao, làm chủ các dự án EPCI ngoài khơi, vươn tầm khu vực và từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Đây là hành trình được hun đúc không chỉ bằng khoa học và công nghệ, mà trước hết là bằng sự lãnh đạo kiên định của Đảng, bằng bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy chiến lược nhất quán và khát vọng vươn lên.
Giữ vững 5 “an” cho đất nước
Petrovietnam hiện diện vững chắc trong 5 trụ cột an ninh quốc gia. Đối với lĩnh vực an ninh năng lượng, Petrovietnam khai thác trên 460 triệu tấn dầu và 200 tỷ m³ khí, cung cấp 35% sản lượng điện, 70-80% khí dân dụng và hơn 70% xăng dầu cả nước. Với công suất hơn 8.200 MW từ các nhà máy điện khí, Petrovietnam giữ vai trò điều tiết năng lượng chiến lược.

Kỹ sư phân tích mẫu nước cho sản xuất phân bón tại PVCFC. Ảnh: Petrovietnam.
Ở góc độ an ninh kinh tế, Petrovietnam là nguồn đóng góp ngân sách lớn và ổn định trong nhiều thập niên. Có thời kỳ chiếm tới 30% tổng thu ngân sách quốc gia, hiện Tập đoàn vẫn duy trì tỷ lệ đóng góp khoảng 9-10% GDP và gần 10% tổng thu ngân sách Nhà nước mỗi năm.
Về an ninh lương thực, Petrovietnam đầu tư và vận hành hai nhà máy phân bón chủ lực là Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, đảm bảo cung ứng hơn 70% nhu cầu phân bón nội địa - yếu tố quyết định nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp trong bối cảnh biến động khí hậu và giá vật tư toàn cầu.
Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, mỗi giàn khoan, tàu khảo sát, công trình dầu khí đều là “vọng gác tiền tiêu” giữa Biển Đông. Các công trình dầu khí trên thềm lục địa vừa là nguồn kinh tế, vừa là “phên dậu” chủ quyền quốc gia. Petrovietnam phối hợp chặt chẽ với các lực lượng để bảo vệ an toàn hoạt động ngoài khơi.
Đối với an sinh xã hội, Petrovietnam thể hiện trách nhiệm sâu sắc thông qua việc tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trong toàn chuỗi giá trị, đồng thời tiên phong trong các chương trình thiện nguyện và hỗ trợ cộng đồng. Từ năm 2006 đến nay, tổng số tiền Tập đoàn dành cho công tác an sinh xã hội đã vượt 8.400 tỷ đồng – một minh chứng sống động cho văn hóa trách nhiệm và phát triển bền vững vì con người.
Petrovietnam luôn gắn liền với sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Chính năng lực bảo đảm đồng thời cả an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh quốc phòng và an sinh xã hội đã tạo nên bản sắc riêng biệt, bền vững và không thể thay thế của Petrovietnam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Petrovietnam cùng Sembcorp và Liên danh Năng lượng Malaysiathiết lập hợp tác chiến lược về điện tái tạo xuyên biên giới. Ảnh: Petrovietnam.
Khẳng định vị trí tiên phong kiến tạo giá trị
Ngày nay, đứng trước yêu cầu phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng, Petrovietnam tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong, chủ động tái định vị từ một nhà sản xuất dầu khí truyền thống trở thành tập đoàn công nghiệp phát triển song hành giữa năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo, thích ứng linh hoạt với các yêu cầu phát triển xanh.
Với tầm nhìn dài hạn, Petrovietnam đang dịch chuyển chiến lược từ “khai thác tài nguyên” sang “kiến tạo giá trị”, từ phát triển truyền thống sang phát triển bền vững. Sự dịch chuyển này không chỉ về mặt kỹ thuật hay mô hình kinh doanh, mà là sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận phát triển, lấy đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, hiệu quả sử dụng tài nguyên và trách nhiệm xã hội làm nền tảng. Petrovietnam không còn tập trung vào việc đưa dầu, khí từ lòng đất lên mặt đất, mà đã từng bước phát triển các lĩnh vực có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như điện khí, LNG, lọc hóa dầu, dịch vụ kỹ thuật dầu khí và đặc biệt là năng lượng tái tạo.

Người lao động BSR. Ảnh: Petrovietnam.
Các công trình tiêu biểu như chuỗi khí - điện Lô B - Ô Môn công suất hơn 22 tỷ kWh/năm; Nhà máy điện LNG Nhơn Trạch 3, 4; Kho LNG Thị Vải – công trình LNG lớn nhất Việt Nam; Ứng dụng AI, Big Data trong vận hành, nghiên cứu đồng đốt sinh khối, amoniac xanh là những minh chứng tiêu biểu cho bước chuyển đổi này. Đặc biệt, Petrovietnam đang xúc tiến dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam – mở đầu cho chiến lược làm chủ chuỗi giá trị năng lượng sạch, hướng đến xuất khẩu năng lượng tái tạo.
Không dừng lại ở giá trị kinh tế, Petrovietnam còn hướng đến kiến tạo giá trị xã hội, dẫn dắt chính sách năng lượng quốc gia. Tập đoàn tham gia đóng góp vào các quy hoạch: Điện VIII, năng lượng quốc gia, khí thiên nhiên và LNG, góp phần hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đồng thời, các đơn vị dịch vụ kỹ thuật của Petrovietnam đã bước chân ra thị trường quốc tế, xuất khẩu cấu kiện điện gió, khẳng định vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với bề dày lịch sử và những đóng góp to lớn, Petrovietnam trở thành một biểu tượng của ý chí tự lực, trí tuệ đổi mới và bản lĩnh vươn lên. Trong kỷ nguyên chuyển đổi năng lượng, Petrovietnam một lần nữa đứng ở vị trí tiên phong, trách nhiệm lịch sử đặt ra cho Tập đoàn là hiện thực hóa khát vọng dẫn dắt tiến trình thích ứng chiến lược, bảo đảm tăng trưởng xanh và an ninh năng lượng thế hệ mới.