Đổi tên - đổi vai: Từ Dầu khí đến Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia
Năm 2025, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) bước sang tuổi 50 – dấu mốc quan trọng khẳng định tầm vóc, vị thế và sứ mệnh quốc gia. Cùng với đó, ngày 9/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đổi tên “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam” thành “Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam”. Đây là bước chuyển mang tính kỷ nguyên, không chỉ là một thay đổi về tên gọi mà còn thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối của Đảng, Chính phủ đối với Petrovietnam khi nâng tầm vai trò chiến lược của Petrovietnam trong an ninh năng lượng, phát triển công nghiệp quốc gia và hội nhập toàn cầu.

Đồng chí Lê Mạnh Hùng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ PVEP lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030 - Đại hội điểm của Đảng bộ Petrovietnam. Ảnh: Petrovietnam.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn nhấn mạnh: “Đây là bước chuyển căn bản trong mô hình phát triển – từ một doanh nghiệp dầu khí đơn ngành sang tổ hợp kinh tế đa ngành, trong đó năng lượng, công nghiệp và dịch vụ kỹ thuật cao là ba trụ cột định hình tương lai đến 2030, tầm nhìn 2050”.
Việc đổi tên đã khơi dậy niềm tự hào mới cho hàng vạn người lao động trong Tập đoàn, những người đang từng ngày hiện thực hóa tâm nguyện của Bác Hồ về việc xây dựng ngành dầu khí vững mạnh, nay tiếp tục gánh vác sứ mệnh lớn hơn: đi đầu trong chuyển dịch năng lượng, đổi mới công nghệ và phát triển bền vững.
Đồng thời minh chứng cho sự lớn mạnh của Petrovietnam, sau 50 năm hình thành và phát triển đã trở thành một một doanh nghiệp đứng đầu cả nước trong lĩnh vực năng lượng; đã hoàn chỉnh đồng bộ, từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, phân phối vận chuyển, chế biến tàng trữ, kinh doanh xuất nhập khẩu…
Chỉ tính riêng giai đoạn 2020 - 2025, Petrovietnam không chỉ giữ vững đà tăng trưởng mà còn bứt phá mạnh mẽ. Tất cả 12/12 chỉ tiêu do Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020–2025 đề ra đều hoàn thành xuất sắc, nhiều chỉ tiêu hoàn thành trước hạn từ 1–2 năm, thậm chí vượt kỷ lục lịch sử của Tập đoàn. Đây là thành quả đến từ sự gắn kết giữa công tác Đảng và điều hành doanh nghiệp – nơi mỗi chỉ đạo chiến lược đều được hiện thực hóa bằng hành động cụ thể.

Lễ gắn biển công trình, sản phẩm Chào mừng Đại hội Đảng bộ Petrovietnam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030. Ảnh: Petrovietnam.
“Tinh - Gọn - Hiệu quả” trong từng đại hội
Từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 6/2025, toàn Tập đoàn đã tổ chức thành công 943 đại hội đảng các cấp, một con số khổng lồ với cường độ triển khai dày đặc, trung bình mỗi ngày có 4–5 đại hội. Để đạt được điều này, cần có sự chỉ đạo chặt chẽ, khoa học, dân chủ từ Đảng ủy Tập đoàn. Đây là một minh chứng rõ rệt về năng lực tổ chức và vai trò hạt nhân lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn.
Một trong những điểm mới rõ rệt nhất là tinh thần tổ chức đại hội theo hướng “Tinh - Gọn - Hiệu quả”. Từ văn kiện đến thời lượng, nhân sự và cách thức tổ chức, tất cả đều được sắp xếp chặt chẽ, hiện đại và khoa học. Nếu như trước đây các báo cáo chính trị thường dài từ 50 đến 80 trang thì tại đại hội lần này đã được rút gọn còn dưới 20 trang. Ngay cả dự thảo văn kiện của Đảng bộ Tập đoàn cũng chỉ dài 32 trang, ngắn nhất trong lịch sử các kỳ đại hội, nhưng thể hiện đầy đủ tinh thần đổi mới.
Thời gian tổ chức nhiều đại hội rút xuống chỉ còn nửa ngày đến 1 ngày thay vì 1 hoặc 2 ngày như trước. Phần đọc báo cáo toàn văn được tinh giản, nhường thời gian cho thảo luận, trao đổi sâu nhằm tăng hàm lượng trí tuệ, giảm hình thức, tránh giáo điều.
Việc ứng dụng công nghệ trong kiểm phiếu tự động, trình chiếu bằng AI, phần mềm hỗ trợ quản trị nội dung đã nâng cao đáng kể hiệu quả đại hội, tạo điều kiện để đại biểu tập trung vào vấn đề cốt lõi thay vì quy trình thủ công.

Ban Chấp hành Đảng bộ PVEP khóa IV, nhiệm kỳ 2025-2030 ra mắt Đại hội. Ảnh: Petrovietnam.
Đại hội lần này từ văn kiện, tổ chức nhân sự, đến không khí thảo luận đều cho thấy sự trưởng thành vượt bậc trong tư duy, trong cách tổ chức hành động của cả hệ thống chính trị trong Tập đoàn. 943 đại hội Đảng các cấp của Petrovietnam đã khơi dậy khát vọng phát triển, lan tỏa ý chí và năng lượng mới, điều không dễ thấy trong công tác Đảng tại doanh nghiệp Nhà nước.
Đồng bộ hóa giữa công tác Đảng và quản trị doanh nghiệp
Khác với những nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này cho thấy sự chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ và xuyên suốt để bảo đảm các nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp phù hợp và đồng bộ với chiến lược phát triển cũng như kế hoạch 5 năm của từng đơn vị. Không còn tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, mà thay vào đó là sự thống nhất chặt chẽ từ chủ trương đến hành động.
Các nghị quyết đề ra không còn “xơ cứng”, mà sinh động, thiết thực, có tính khả thi và gắn với nguồn lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ. Nhân sự được bố trí đúng người – đúng việc – đúng thời điểm, bảo đảm dẫn dắt các lĩnh vực trọng yếu như chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao…
Đây là kết quả từ chủ trương đổi mới công tác cán bộ của Đảng ủy Tập đoàn – nơi mỗi quyết định đều dựa trên tiêu chí rõ ràng, gắn với định hướng chiến lược dài hạn chứ không đơn thuần là sắp xếp hành chính.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ PV GAS lần thứ XI, nhiệm kỳ 2025-2030. Ảnh: Petrovietnam.
Không khí các đại hội đảng các cấp không chỉ là hình thức tổng kết hay bầu cử nhân sự, mà thực sự trở thành đòn bẩy tinh thần, hun đúc ý chí, khát vọng mới trong toàn hệ thống. Nhiều đơn vị sau thảo luận đã chủ động tăng chỉ tiêu sản xuất kinh doanh so với dự kiến ban đầu. Có nơi nâng chỉ tiêu tăng trưởng từ 10% lên 15–18% sau khi tranh luận thẳng thắn, lắng nghe và đồng thuận.
Chính sự lan tỏa của tinh thần đổi mới, dám nghĩ – dám làm từ các đại hội đã giúp duy trì được “đà phát triển nóng” nhưng vẫn bền vững, khi Tập đoàn liên tục thiết lập các kỷ lục về hiệu quả tài chính, năng suất lao động, hiệu quả đầu tư và tăng trưởng xuất khẩu.
Petrovietnam hưởng ứng “bộ tứ chiến lược” của đất nước
Một điểm nổi bật trong kỳ đại hội này là sự hưởng ứng mạnh mẽ 4 nghị quyết lớn của Bộ Chính trị được coi là “bộ tứ chiến lược”, gồm Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số, Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân.
Việc đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số gắn bó với từng tổ chức, cá nhân ở trong Đảng bộ Tập đoàn nên các đơn vị Petrovietnam dành nhiều thời gian đại hội để trao đổi vấn đề này và coi đó là phương pháp, giải pháp để thúc đẩy phát triển. Nhiều tham luận đã liên hệ đến đơn vị mình, làm thế nào để cho nghị quyết được cụ thể hóa, đi vào đời sống.
Còn hợp tác quốc tế, đó không phải câu chuyện của riêng ngành ngoại giao. Petrovietnam là doanh nghiệp tiên phong trong hội nhập quốc tế, đã ký kết nhiều hợp đồng, tìm hiểu cơ hội, xúc tiến và hợp tác đầu tư. Hợp tác quốc tế là “mã gen” của Petrovietnam.
Về thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp của Tập đoàn không ngần ngại trong hợp tác với doanh nghiệp tư nhân. Ví dụ vừa qua, PTSC đã kéo Hòa Phát vào khảo sát thị trường, xem đóng giàn khoan, chế tạo cột điện gió. Petrovietnam đã nhìn thấy rất nhiều cơ hội liên kết, hợp tác để doanh nghiệp trong nước cùng tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng, tạo kinh tế tuần hoàn.

Một góc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất về đêm. Ảnh: Petrovietnam.
Về cải cách thể chế, nếu phải chọn một thành tựu đặc biệt trong nhiệm kỳ 2020–2025, thì cải cách thể chế chính là yếu tố làm nên đột phá. Luật Dầu khí năm 2022 và Kết luận 76/KL-TW ngày 24/4/2024 là hai văn bản được coi như “chìa khóa vàng” mở ra các hợp đồng dầu khí mới, tháo gỡ điểm nghẽn đầu tư.
Không dừng lại ở đó, Petrovietnam đang tiếp tục kiến nghị Quốc hội và Chính phủ phân cấp thêm quyền chủ động cho Tập đoàn trong việc ra quyết định ở một số lĩnh vực then chốt. Điều này thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ từ bên trong, một doanh nghiệp nhà nước nhưng vận hành với tư duy và hiệu quả của một tổ hợp hiện đại, tích hợp.
Nhìn tổng thể, các đại hội đảng bộ cấp cơ sở và chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ IV là dịp để Petrovietnam tự soi chiếu chính mình, làm mới tư duy lãnh đạo, củng cố năng lực tổ chức và khơi dậy khát vọng phát triển.
Đồng chí Trần Quang Dũng – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn đã tổng kết: “Đại hội không chỉ là điểm nhấn chính trị, mà phải là nguồn lực tạo động lực cho sản xuất, cho đổi mới, cho phát triển. Các nghị quyết phải sống trong thực tiễn, trở thành hành động và hiệu quả”.
Đảng bộ Tập đoàn Petrovietnam có 943 tổ chức đảng các cấp gồm 113 đảng bộ cơ sở, 39 chi bộ cơ sở, 14 đảng bộ bộ phận và 777 chi bộ trực thuộc (trong đó có 4 chi bộ và 68 đảng viên ở nước ngoài) với tổng số 13.862 đảng viên.