| Hotline: 0983.970.780

Nữ Biệt động Sài Gòn duy nhất tham gia trận đánh vào Dinh Độc Lập

Thứ Tư 30/04/2025 , 16:52 (GMT+7)

'Cuộc tấn công Dinh Độc Lập, cơ quan đầu não của Mỹ - Ngụy gây chấn động địa cầu về nghệ thuật quân sự của Đảng', nữ Biệt động Sài Gòn Chính Nghĩa khẳng định.

Nữ chiến sĩ quả cảm

Giở từng trang ký ức, nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Vũ Minh Nghĩa (sinh năm 1947, bí danh Chính Nghĩa) hồi tưởng về những năm tháng tham gia chiến đấu cùng đồng đội năm nào. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại vùng đất Củ Chi “đất thép thành đồng”, bà Chính Nghĩa đã tiếp xúc với những trận đánh khốc liệt giữa quân, dân ta với địch, nên thấu hiểu nỗi mất mát, hy sinh của nhân dân.

Cha mất khi bà Chính Nghĩa mới tròn 2 tuổi, một mình mẹ bà (Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Đáng) lặn lội “thân cò” nuôi 8 người con, âm thầm, bí mật tiếp tế lương thực cho bộ đội. Năm 1960, khi phong trào Đồng Khởi bùng lên mạnh mẽ ở huyện Củ Chi, bà Chính Nghĩa tham gia làm giao liên. Năm 1964, “cái chết hóa thành bất tử” của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đã trở thành biểu tượng tinh thần giúp bà Chính Nghĩa quyết tâm trở thành chiến sĩ Biệt động Sài Gòn.

Tháng 8/1965, trận đánh đầu tiên của bà Chính Nghĩa là đóng vai cô dâu phụ trong đoàn đám cưới từ huyện Thủ Đức lên trung tâm Sài Gòn. Bà Chính Nghĩa cùng đồng đội đã tấn công vào Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, gây nên sự hoang mang và thiệt hại nặng nề cho địch.

Bà Chính Nghĩa (ở giữa) cùng 2 bạn tù chính trị trong đợt trao trả tù binh Cách mạng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bà Chính Nghĩa (ở giữa) cùng 2 bạn tù chính trị trong đợt trao trả tù binh Cách mạng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tiếp đến là trận đánh để đời vào mùa xuân năm 1968, bà Chính Nghĩa lời rằng: “Tôi là nữ Biệt động Sài Gòn duy nhất trong 16 người được giao nhiệm vụ đánh vào Dinh Độc Lập. Khoảng 2h sáng mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, chúng tôi tiến đánh cơ quan đầu não của địch đến hơi thở cuối cùng. Đội trưởng Tô Hoài Thanh hy sinh ngay trên cánh tay của tôi. Trước sự phản kháng, tiếp ứng bằng trực thăng, thiết xa, xe tăng…của địch, chúng tôi buộc phải rút về hướng đường Thủ Khoa Huân - Nguyễn Du tiếp tục triển khai đội hình chiến đấu gần 3 ngày, vượt xa kế hoạch cấp trên giao chỉ giữ Dinh Độc Lập khoảng 2 giờ đồng hồ để quân chủ lực tiến vào tiếp ứng”. 

Sau trận đánh này, bà Chính Nghĩa bị bắt. Dù bị tra tấn tàn bạo từ nhà tù Tổng nha Cảnh sát đến Thủ Đức, Biên Hòa, Chí Hòa và cuối cùng là nhà tù Côn Đảo cũng không làm lung lay ý chí kiên cường của một chiến sĩ cách mạng.

Năm 1974, với thắng lợi của Hiệp định Paris, bà Chính Nghĩa được trả tự do cùng hàng ngàn chiến sĩ cách mạng khác đang bị giam cầm tại “địa ngục trần gian” Côn Đảo.

Quá khứ hào hùng

Chưa đầy một năm sau khi rời nhà tù Côn Đảo, trong những ngày tháng 4 lịch sử của dân tộc, bà Chính Nghĩa cùng Quân Giải phóng tiến về Sài Gòn nhận lệnh tiếp tục đánh Dinh Độc Lập. Khi đang trên đường hành quân về Dinh thì nhận tin chính quyền Sài Gòn đã đầu hàng, miền Nam được giải phóng, hai miền Nam – Bắc hòa chung một nhà.   

Bà Chính Nghĩa (bên trái) chụp kỉ niệm bên bức ảnh của mình thời còn tham gia Cách mạng. Ảnh: Đình Du.

Bà Chính Nghĩa (bên trái) chụp kỉ niệm bên bức ảnh của mình thời còn tham gia Cách mạng. Ảnh: Đình Du.

Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 dù đi qua tròn nửa thế kỷ, nhưng với nữ Biệt động Sài Gòn Chính Nghĩa vẫn nhớ như mới vừa hôm qua. Niềm vui bây giờ của bà Chính Nghĩa là gặp lại đồng đội để biết họ còn khỏe mạnh, cùng nhau ôn lại chiến tích và các trận đánh cùng sinh tử năm xưa.

Hiện bà Chính Nghĩa đang sinh sống cùng con cháu ở đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp, TP. HCM. Ở tuổi 78, sức khỏe của bà Chính Nghĩa dù giảm sút do ảnh hưởng từ những trận đòn roi, tra tấn của kẻ thù khi còn bị giam cầm ở Côn Đảo nhưng bà Chính Nghĩa luôn lạc quan, tích cực tham gia các hoạt động phục dựng lịch sử Biệt động Sài Gòn, thường xuyên giao lưu kể chuyện về cuộc chiến đấu anh dũng của bản thân và đội qua các dịp lễ kỷ niệm. Bởi bà Chính Nghĩa bảo rằng, không muốn quá khứ hào hùng một thời hoa lửa của dân tộc bị lãng quên.

“Trong các buổi ôn lại quá khứ hào hùng của Biệt động Sài Gòn, các bạn trẻ hay hỏi tôi rằng: Là phụ nữ mà sao cô quá gan dạ và không sợ chết ? Tôi ngắn gọn lời rằng: Đất nước có chiến tranh, ai cũng có thể trở thành người lính để gìn giữ non sông gấm vóc”, bà Chính Nghĩa bộc bạch.

Bà Chính Nghĩa và đồng đội đánh vào Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất) gây chấn động địa cầu. Ảnh: Trần Phi. 

Bà Chính Nghĩa và đồng đội đánh vào Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất) gây chấn động địa cầu. Ảnh: Trần Phi. 

Cũng theo bà Chính Nghĩa, trong quá khứ biết bao lớp người đã đổ xương máu với mong muốn đất nước hòa bình. Thế hệ của họ đã xong nhiệm vụ và trao lại trách nhiệm cho thế hệ trẻ hôm nay. Hy vọng những thế hệ sau tập trung, vững bước để xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ngày nay, hình ảnh Biệt động Sài Gòn đã và đang được thế hệ trẻ ngày một phát huy. Đứng lọt thỏm giữa dòng khách du lịch, chỉ từng hiện vật ở hầm chứa vũ khí (số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3, TP. HCM) dùng để đánh vào Dinh Độc Lập, em Trần Trọng Nhân (14 tuổi, cháu nội Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai) giới thiệu khách tham quan hiểu rõ về ý nghĩa lịch sử những kỷ vật chiến tranh của ông nội để lại.

“Em rất tự hào về ông nội và các chiến sĩ Biệt Động Sài Gòn đã xây dựng lực lượng và chiến đấu ngoan cường ngay trong lòng địch. Em rất tâm đắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời dành cho những chồi non trong tương lai: "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình". Vì vậy, em cố gắng lan tỏa truyền thống yêu nước của người Việt Nam qua những trang sử vàng”, em Nhân tự hào về truyền thống gia đình.

Từ những đóng góp trong thời gian tham gia chiến tranh giải phóng đất nước, bà Chính Nghĩa được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và nhiều Bằng khen khác.

Xem thêm
Hành khách ‘đoàn tàu Thống Nhất’ xúc động hội ngộ ở Đà Nẵng

Trưa 30/4, trong âm vang lời hát 'Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng', hàng trăm hành khách trên đôi tàu Thống Nhất vỡ òa xúc động hội ngộ tại ga Đà Nẵng.

Phú Thọ, vì sao người Mường ruồng bỏ nhà sàn?: [Bài 2] Cốt không hồn

Anh Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết trước năm 2000 gần như 100% người Mường trong xã đều ở nhà sàn.