Điểm tập kết rác thải tồn đọng biến thành bãi rác lớn
Theo ghi nhận của phóng viên tại nhiều điểm tập kết rác như huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thường Tín… lượng rác thải sinh hoạt tồn đọng, chất thành đống bốc mùi hôi thối đang chờ xe đến xử lý. Bên cạnh đó, có những điểm tập kết rác tràn hết ra đường, thậm chí có nơi còn đốt rác gây ô nhiễm môi trường.

Rác thải ùn ứ tại bãi tập kết rác huyện Thường Tín. Ảnh: Bảo Hà.
Bà N.T.V, người dân thị trấn Chúc Sơn bức xúc: “Tình trạng rác thải tồn đọng ở điểm tập kết rác thải sinh hoạt tại địa phương đã diễn ra từ lâu. Cứ thi thoảng lại có người ra đốt rác, gây nên khói bụi ngột ngạt, khó chịu lắm. Theo quy định, hàng ngày phải vận chuyển rác mang đi xử lý, nhưng ở đây thì để vài ngày, có khi hàng tuần, tràn hết cả lên đường lớn mới chuyển đi. Nhiều người không chịu được, họ còn livestream để phản ánh, nhưng vẫn đâu vào đấy”.
Không chỉ ở Chương Mỹ, tại huyện Mỹ Đức, tình trạng tồn đọng rác thải cũng tương tự. Chị L.T.V, xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức cho biết: “Điểm tập kết rác thải tại đây được chất thành đống đủ các loại, kéo dài từ ngoài đường vào tận bên trong khu tập kết. Có lúc còn cao hơn cả nóc ô tô và bốc mùi hôi thối. Mỗi khi đi qua nơi này phải đi thật nhanh, thậm chí còn phải nín thở cho đỡ mùi. Những ngày gió nồm và mưa dầm thì chúng tôi không thể chịu nổi”.
Người dân nơi đây cũng cho biết đã gửi đơn kiến nghị xử lý tình trạng ô nhiễm của bãi rác này lên chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng, nhưng vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm. Theo phản ánh, khối lượng rác tại đây không ngừng tăng lên, có dấu hiệu quá tải và ngày càng nghiêm trọng.
Nan giải chuyện xử lý rác
Liên quan đến việc rác thải bị tồn đọng, bà Nguyễn Thanh Hương – Phó phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Chương Mỹ – thừa nhận tình trạng rác thải ùn ứ tại các cung đường trong thị xã và các địa phương lân cận. Nguyên nhân chính là do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, việc phân loại rác tại nguồn chưa được thực hiện triệt để. Nhiều người vẫn tiện tay vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định, nên việc xử lý rác thải sinh hoạt sau thu gom gặp nhiều khó khăn.

Điểm tập kết rác thải tại xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức biến thành bãi rác lớn. Ảnh: Bảo Hà.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Công Minh – Phó Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai – cho biết: Hiện nay, bình quân lượng rác trên địa bàn Chương Mỹ rơi vào khoảng 175 – 176 tấn/ngày. Trước đây, toàn bộ khu vực phía Tây Nam vận chuyển lên Sơn Tây để xử lý. Tuy nhiên, từ ngày 1/5/2024, việc vận chuyển rác lên Sơn Tây đã dừng, toàn bộ rác thải phải mang lên Nam Sơn để xử lý.
Nếu vận chuyển đi Sơn Tây, cung đường rất ngắn, chưa đến 40km, nhưng từ Chương Mỹ lên khu xử lý rác Nam Sơn mất tới 75km. Tính bình quân, nếu đi Sơn Tây, mỗi xe chạy được 3 chuyến/ngày; còn hiện nay, đi Nam Sơn, tối đa chỉ được 2 chuyến/ngày. Cả đi cả về khoảng 150km, có đi nhanh cũng mất 3–4 tiếng mới xong một chuyến, chưa kể mật độ giao thông đông đúc.
Hiện nay, gần như tất cả lượng rác đều đổ về Nam Sơn với số lượng khoảng 7.500 tấn/ngày, tương đương 800 – 900 chuyến xe vì rác nhẹ, mỗi xe chỉ chở được 8 tấn.
Xử lý nghiêm vi phạm để tránh ùn ứ tại các điểm tập kết
Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng – một trong những điểm nghẽn lớn nhất trong việc giải quyết tình trạng tồn đọng rác là sự thiếu phối hợp giữa các bên liên quan. Theo quy định tại Điều 77, Luật Bảo vệ môi trường 2020, việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển và người dân. Tuy nhiên, thực tế, mỗi bên thường chỉ quan tâm đến phần trách nhiệm của mình mà thiếu sự phối hợp đồng bộ.

Cần xử lý nghiêm vi phạm để tránh ùn ứ tại các bãi tập kết rác gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Bảo Hà.
“Theo quy định, UBND các phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm hành chính đối với các điểm tập kết rác tạm thời trên địa bàn” – luật sư Diệp Năng Bình nói, đồng thời phân tích thêm: UBND phường, xã, thị trấn phải bố trí vị trí, diện tích phù hợp cho các điểm tập kết, bảo đảm yêu cầu về khoảng cách an toàn với khu dân cư, đồng thời phối hợp với các đơn vị môi trường đô thị trong việc giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải.
Đối với các đơn vị môi trường, vận chuyển rác chậm trễ, tái phạm nhiều lần, đã bị xử phạt hành chính và có đủ căn cứ gây hậu quả nghiêm trọng, thì cơ quan chức năng có thể tiến hành khởi tố hình sự theo Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) về Tội gây ô nhiễm môi trường, với mức xử phạt cao nhất từ 3 – 7 năm tù hoặc bị phạt tiền đến 20 tỷ đồng, tùy theo mức độ phạm tội.
Cũng theo luật sư với cá nhân có hành vi vứt rác bừa bãi, điểm c, d khoản 1 Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định: phạt tiền từ 500.000 – 1 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; phạt từ 1 – 2 triệu đồng nếu vứt rác trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước đô thị.
Ngoài ra, căn cứ vào khoản 8, 9, 10 Điều 26 và khoản 7 Điều 29 Nghị định 45/2022/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân có hành vi tự ý đốt chất thải trái quy định có thể bị xử phạt từ 2 triệu – 1 tỷ đồng, tùy theo tính chất và khối lượng chất thải. Đồng thời, còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 13 Điều 26 của nghị định này.
Có thể thấy, pháp luật đã quy định rất cụ thể về việc lựa chọn, giám sát các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Vấn đề mấu chốt hiện nay là thực thi pháp luật chưa nghiêm, thiếu kiểm tra, đánh giá và thay thế kịp thời các đơn vị yếu kém. Cần tăng cường vai trò giám sát của người dân và cán bộ địa phương để đảm bảo môi trường sống trong lành, nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị.