Tái sinh từ nền tảng cũ
Giai đoạn trước 2022[1], ngành mía đường Việt Nam đối mặt với hàng loạt khó khăn: chi phí sản xuất cao, năng suất thấp, áp lực cạnh tranh từ đường nhập khẩu và yêu cầu nâng cao tiêu chuẩn chất lượng. Nhiều nhà máy có quy mô vừa và nhỏ không theo kịp tốc độ chuyển đổi, buộc phải thu hẹp hoạt động hoặc đóng cửa. Nhà máy Ninh Điền là một ví dụ điển hình. Việc ngừng vận hành kéo theo hệ lụy dây chuyền: vùng nguyên liệu bị thu hẹp, nông dân chuyển đổi cây trồng, lao động địa phương mất việc làm.
Tháng 11 năm 2024, TTC AgriS chính thức tiếp nhận vận hành và đưa Nhà máy Ninh Điền trở lại hoạt động. Quyết định này không chỉ nhằm mở rộng năng lực sản xuất của doanh nghiệp, mà còn thể hiện chiến lược dài hạn trong việc tái cấu trúc hệ sinh thái mía đường trên địa bàn Tây Ninh theo hướng bền vững và hiện đại hóa.

Trao đổi ứng dụng kỹ thuật tiên tiến và thiết bị cơ giới tại nông trường Ninh Điền. Ảnh: TTC AgriS.
Ngay từ giai đoạn đầu tiếp quản, TTC AgriS đã triển khai đồng bộ các hạng mục cải tạo cơ sở hạ tầng, đầu tư mới hệ thống thiết bị chế biến, nâng cấp dây chuyền và tích hợp công nghệ giám sát sản xuất. Song song đó, các tiêu chuẩn ESG, HACCP, ISO cũng được đưa vào vận hành nhằm đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về môi trường, an toàn thực phẩm và quản trị hiệu quả.
Đánh dấu cột mốc đưa vào vận hành Nhà máy Ninh Điền với công suất 2.000 tấn mía cây/ngày (Quý II/ niên độ 2024-2025), cùng với Nhà máy đường Tân Châu hiện tại 9.800 tấn/ngày, tổng công suất chế biến toàn khu vực của TTC AgriS đạt gần 12.000 tấn/ngày. Đảm bảo tiêu thụ kịp thời toàn bộ sản lượng mía, giảm chi phí vận chuyển và nâng cao hiệu quả khai thác vùng nguyên liệu tại chỗ.
Khôi phục vùng nguyên liệu và triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Bên cạnh nâng cao năng lực sản xuất, với diện tích quy mô cùng lợi thế cạnh tranh, nông trường Ninh Điền cũng được TTC AgriS tái thiết và mở rộng vùng nguyên liệu với quy hoạch bài bản, gắn kết chặt chẽ với nhà máy. Các giống mía có khả năng kháng bệnh, chịu hạn được đưa vào thay thế giống cũ. Mô hình hợp tác cùng nông dân được tái triển khai theo hướng tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng đầu vào chất lượng và đảm bảo đầu ra với giá thu mua cạnh tranh.
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2025-2030, TTC AgriS tập trung thúc đẩy vị thế chung của ngành mía đường tại tỉnh Tây Ninh theo hướng bền vững và hiện đại hóa, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu tại Việt Nam và khu vực.
Đặc biệt, TTC AgriS áp dụng mô hình nông nghiệp chính xác (precision agriculture), sử dụng công nghệ số để giám sát cây trồng, tối ưu hóa chi phí và nâng cao năng suất. Đây là bước đi quan trọng trong việc hiện đại hóa chuỗi sản xuất mía đường từ gốc, giúp người trồng mía địa phương tăng hiệu quả canh tác và ổn định thu nhập.

Vùng nguyên liệu phục vụ Nhà máy Ninh Điền khẩn trương đi vào cải tạo, hỗ trợ chặt chẽ hoạt động sản xuất. Ảnh: TTC AgriS.
Trong chiến lược phát triển đến năm 2030, TTC AgriS định hướng Nhà máy Ninh Điền trở thành trung tâm chế biến mía đường hiện đại, có vai trò chiến lược tại Tây Ninh và khu vực Đông Nam Bộ. Giai đoạn 2025-2030, nhà máy sẽ tiếp tục được đầu tư nâng công suất ép từ 2.000 lên 5.000 tấn mía cây/ngày, mở rộng công suất luyện từ 200 lên 600 tấn đường thành phẩm/ngày.
Song song đó, nhà máy cũng sẽ triển khai đầu tư trung tâm nhiệt điện công suất 26MW tích hợp nhằm tối ưu hóa nguồn năng lượng tái tạo từ phụ phẩm mía, đồng thời góp phần hiện thực hóa cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong toàn chuỗi sản xuất TTC AgriS.
Đóng góp vào phát triển ngành và kinh tế địa phương
Việc tái vận hành Nhà máy Ninh Điền tạo động lực lớn cho phát triển ngành mía đường tại Tây Ninh, giúp khơi thông đầu ra cho nông dân, ổn định diện tích trồng mía và nâng cao năng lực sản xuất vùng nguyên liệu trọng điểm. Với công suất chế biến ổn định, nhà máy góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu, đồng thời là điểm tựa để thúc đẩy các sản phẩm giá trị gia tăng từ mía.
Đặc biệt, trong bối cảnh an ninh lương thực trở thành vấn đề toàn cầu cấp bách, việc TTC AgriS hồi sinh Nhà máy Ninh Điền chỉ trong vòng 2 tháng không đơn thuần là nỗ lực tái thiết cơ sở sản xuất, mà là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm đồng hành cùng Chính phủ và người dân trong công cuộc bảo toàn nguồn cung thực phẩm thiết yếu, bình ổn thị trường.
Bên cạnh các tác động tích cực của dự án về mặt kinh tế, Nhà máy cũng sẽ tạo việc làm cho người dân, cải thiện thu nhập, và khôi phục sinh khí cho hệ sinh thái kinh tế nông thôn tại khu vực. TTC AgriS định vị Nhà máy Ninh Điền không đơn thuần là một cơ sở chế biến đường, mà là trung tâm tích hợp đa chức năng trong chuỗi nông nghiệp công nghệ cao phát triển theo mô hình tuần hoàn, ứng dụng quản trị số và thực thi cam kết ESG đồng bộ.

Toàn cảnh Nhà máy Ninh Điền - tâm điểm mới trong chiến lược hiện đại hóa ngành mía đường của TTC AgriS tại Tây Ninh - kỳ vọng đạt công suất 5.000 tấn/ngày vào năm 2030. Ảnh: TTC AgriS.
Hành trình đưa Nhà máy Ninh Điền trở lại vận hành là minh chứng cho cam kết dài hạn của TTC AgriS đối với chiến lược phát triển bền vững cùng địa phương. Từ một cơ sở từng dừng hoạt động hoàn toàn trong 2 năm, nay trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất thông minh và tuần hoàn của ngành mía đường. Đây không chỉ là sự hồi phục của một nhà máy, mà là bước tiến trong định hình lại diện mạo nông nghiệp Tây Ninh, trợ lực cho nông nghiệp quốc gia.