| Hotline: 0983.970.780

Nghị định 193 đưa Luật Địa chất và Khoáng sản vào thực tiễn

Thứ Năm 10/07/2025 , 19:46 (GMT+7)

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 193/2025/NĐ-CP nhằm cụ thể hóa và đưa Luật Địa chất và Khoáng sản vào thực tiễn.

Luật Địa chất và Khoáng sản được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2024 nhằm thay thế Luật Khoáng sản năm 2010, đánh dấu sự thay đổi toàn diện trong cách tiếp cận quản lý tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam. Để triển khai hiệu quả các quy định của Luật, Nghị định 193/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Địa chất và Khoáng sản đã được xây dựng công phu, bài bản, phản ánh đầy đủ tinh thần cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền và ứng dụng công nghệ trong quản lý tài nguyên.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các nội dung mới của Luật được cụ thể hóa trong Nghị định sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc trong cấp phép, đấu giá, quản lý tài chính, kiểm soát sản lượng, bảo vệ tài nguyên và môi trường, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản.

Một trong những điểm mới nổi bật của Nghị định 193/2025/NĐ-CP là tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương. Ảnh: Lan Chi.

Một trong những điểm mới nổi bật của Nghị định 193/2025/NĐ-CP là tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương. Ảnh: Lan Chi.

Đột phá trong phân cấp và cải cách thủ tục hành chính

Nghị định 193/2025/NĐ-CP gồm 11 chương, 155 điều, với nhiều nội dung quan trọng cụ thể hóa các điều khoản mà Luật giao Chính phủ quy định. Một trong những điểm mới nổi bật là tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.

Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Địa chất và Khoáng sản, trong đó có Nghị định 193/2025/NĐ-CP đã phân cấp, phân quyền triệt để cho chính quyền địa phương thực hiện thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đối với hầu hết các loại khoáng sản; cấp trung ương chỉ thực hiện thẩm quyền về quy hoạch khoáng sản nhóm I, nhóm II và cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đối với khoáng sản nhóm I quy mô lớn... Đây là điểm đột phá, thể hiện tinh thần "chính quyền phục vụ", giúp địa phương chủ động hơn trong thu hút đầu tư và khai thác tài nguyên hợp lý, bền vững.

Hệ thống hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng là điểm đáng chú ý của Nghị định. Trong đó, các thủ tục liên quan đến hoạt động khoáng sản, công nhận kết quả thăm dò, thu hồi khoáng sản… đều được quy định chi tiết, rõ ràng và cho phép thực hiện thông qua một trong các hình thức gửi trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Điều này giảm thiểu thời gian, chi phí và tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, bảo đảm cung ứng nguyên vật liệu cho các dự án trọng điểm cũng là điểm nhấn đáng chú ý. Nghị định cho phép nâng công suất khai thác (không tăng trữ lượng hoặc khối lượng đã cấp phép) đối với khoáng sản nhóm IV phục vụ các dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án đầu tư công khẩn cấp hoặc công trình, hạng mục công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Đây là giải pháp linh hoạt để bảo đảm tiến độ thi công các công trình quan trọng quốc gia.

Tiếp đó là quy định cụ thể về thiết bị, phương tiện khai thác khoáng sản. Lần đầu tiên, Nghị định yêu cầu hệ thống thiết bị, phương tiện trong khai thác khoáng sản phải phù hợp với điều kiện địa chất khu vực và được kiểm tra an toàn trước khi vận hành (đặc biệt trong mỏ hầm lò), nhằm đảm bảo an toàn lao động và phòng ngừa rủi ro.

Đảm bảo tính đồng bộ, khả thi và phù hợp thực tiễn

Không chỉ đưa ra các giải pháp linh hoạt trong thực thi, Nghị định 193/2025/NĐ-CP còn có ý nghĩa chiến lược trong việc cụ thể hóa các định hướng lớn về tài nguyên khoáng sản. Nghị định là sự thể chế hóa các Nghị quyết lớn của Đảng, như Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế và các chỉ đạo của Chính phủ về hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Nghị định cũng là bước cụ thể hóa Hiến pháp 2013 trong việc khẳng định tài nguyên khoáng sản là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Thông qua đó, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả trong quản lý, khai thác tài nguyên.

Nội dung của Nghị định được xây dựng theo hướng bền vững, đảm bảo khoáng sản được khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Các quy định về hoàn trả chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác, trách nhiệm bảo vệ môi trường… đều hướng đến mục tiêu quản lý tài nguyên theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Nghị định được xây dựng qua quá trình tham vấn kỹ lưỡng, có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia quốc tế. Điều này đảm bảo các nội dung của Nghị định vừa phù hợp với Luật Địa chất và Khoáng sản, vừa sát với thực tiễn triển khai và yêu cầu phát triển của các ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Theo ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, với những quy định chi tiết, đồng bộ, thiết thực và phù hợp thực tiễn, Nghị định 193/2025/NĐ-CP không chỉ là văn bản hướng dẫn thi hành Luật Địa chất và Khoáng sản, mà còn là công cụ quan trọng giúp Chính phủ, các bộ ngành và địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách về địa chất và khoáng sản. Qua đó, góp phần quản lý chặt chẽ, khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả và phát triển bền vững tài nguyên khoáng sản quốc gia.

Nghị định này cũng mở đường cho sự tham gia sâu hơn của doanh nghiệp trong hoạt động khoáng sản theo cơ chế minh bạch, công bằng; đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho đầu tư và đổi mới công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường.

Nghị định 193/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Địa chất và Khoáng sản gồm 11 chương, 155 điều; trong đó, quy định rõ các nội dung: Điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; Khu vực khoáng sản; Hoạt động khoáng sản, thu hồi khoáng sản, chế biến khoáng sản; Đóng cửa mỏ khoáng sản nhóm I, II và III; Quản lý khoáng sản chiến lược, quan trọng; Quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển; Thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản; Tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Kiểm tra chuyên ngành địa chất, khoáng sản...

Xem thêm
Không được xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du

Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi vừa gửi công điện hỏa tốc về việc đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đề phòng đợt mưa lớn sắp diễn ra.

San hô vịnh Nha Trang mất gần 200 ha, ảnh hưởng lớn đến du lịch biển

Theo nghiên cứu mới được công bố của Trung tâm Nhiệt đới Việt -Nga, 20 năm qua, vịnh Nha Trang đã mất khoảng 191 ha rạn san hô, tương đương 12% diện tích khảo sát.

Bình luận mới nhất