
Ban Quản lý chợ Minh Khai. Ảnh: T.T.
Bộ máy thu phí có tổ chức
Vào lúc các tiểu thương còn tất bật soạn hàng, lúc xe hàng còn nối đuôi chờ đỗ bãi, thì những bàn tay vô hình đã vươn tới. Một cú vẫy tay, một cái liếc mắt, một khoản phí ngầm.
Chợ đầu mối Minh Khai không phải là nơi bán buôn đơn thuần. Nó là một sân khấu nơi những khoản tiền được rút ra khỏi túi người lao động bằng thứ quyền lực không tên.
Bảng phân công nhiệm vụ treo tại hành lang Ban Quản lý chợ Minh Khai đã vẽ ra chân dung một bộ máy có tổ chức. Trong đó, Tổ thu phí được phân công chi tiết, ông Trung phụ trách cổng hoa, ông Châu phụ trách cổng sinh viên, ông Hoan cổng chính, ông V.Anh cổng phụ, ông Hoàn tuyến đường CN5, ông Tú phí vãng lai.

Lịch làm việc được công khai tại hành lang Ban Quản lý chợ Minh Khai. Ảnh: T.T.
Từ cổng chính đến vỉa hè, từ bến bãi trong chợ ra tận tuyến giao thông công cộng, tất cả đều có người phụ trách, được phân công rành rọt như những mắt xích trong một dây chuyền sản xuất.
Khó có việc "làm ăn tự phát" nào có thể duy trì trơn tru, đồng bộ và ngang nhiên như vậy suốt thời gian dài nếu không có sự cấu kết, tiếp tay, hoặc chí ít là sự im lặng mặc nhiên chấp nhận của những người có trách nhiệm.
Từ sự buông lỏng đến thất thoát ngân sách
Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường, ông Dương Thành Chung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico), đơn vị được giao quản lý, khai thác chợ Minh Khai cho biết đơn vị chỉ quản lý theo ủy quyền, không điều hành trực tiếp.
Ông Chung cho biết thêm, Hadico đã tiến hành kiểm tra và đình chỉ công tác 3 cá nhân liên quan là ông Võ Văn Anh, ông Hoàn và ông Trung - những người trực tiếp vận hành việc thu phí tại các cổng chợ và khu vực xung quanh.

Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico). Ảnh: T.T.
"Hiện nay, công ty đã thống nhất với công đoàn, chưa cần biết đúng sai do cơ quan chức năng kết luận, nhưng nếu vi phạm quy định nội bộ thì sẽ tạm đình chỉ ngay, khả năng cao cho thôi việc", ông Chung nhấn mạnh.
Thế nhưng, khi "ủy quyền" trở thành chiếc ô che chắn, khi sự vận hành của chợ vượt ra ngoài cả ranh giới vật lý chiếm vỉa hè, chiếm lòng đường để thu tiền tiểu thương thì câu hỏi lớn hơn cần phải được đặt ra: Ai cho phép một cỗ máy thu tiền ngầm hoạt động ngay trong lòng Thủ đô mà không ai hay biết?
Được biết, Ban Quản lý chợ Minh Khai vận hành theo cơ chế tự quản, thu chi riêng, chỉ báo cáo tổng hợp lên Hadico.

Phụ trách cổng hoa, nhưng ông Trung lại "vươn vòi" ra tận lòng đường để thu tiền tiểu thương. Ảnh: T.T.
Bề mặt, chợ Minh Khai có đầy đủ các khoản thu hợp pháp gồm phí thuê vị trí, phí điện nước, phí vệ sinh và vé gửi xe theo Quyết định 56. Theo ông Dương Thành Chung, Tổng Giám đốc Hadico, vé đã được in sẵn, quản lý theo số seri của Bộ Tài chính; việc xé vé và thu tiền do cán bộ dưới chợ đảm nhiệm, còn công ty chỉ giám sát ở tầng "hồ sơ hành chính".
Thế nhưng, đằng sau bề mặt "hợp thức" ấy, một hệ thống tài chính ngầm lại âm thầm vận hành.
Nhiều đêm theo dõi cho thấy, các tiểu thương chỉ được cấp phiếu thu đối với phí chợ; tiền điện nước bị thu cao, nhưng không có chứng từ kèm theo; việc xé vé gửi xe diễn ra thất thường, tùy tiện; các trường hợp thu tiền trên vỉa hè, lòng đường thì thậm chí... tiện tay xé vé rồi vứt bỏ, hoặc cũng chẳng có tấm vé nào.

Người đàn ông tên Hoàn (bên phải) được giao thu phí tuyến đường CN5, nhưng ngang nhiên thu tiền bãi đỗ, mỗi xe dù chỉ đỗ vài chục phút trong đêm cũng bị thu theo tháng, từ 200.000 đến cả triệu đồng mà không hề có hóa đơn, chứng từ gì. Ảnh: H.K.
Một hệ thống tài chính chính thức được dựng lên như một tấm bình phong, trong khi các dòng tiền thực tế lại trôi tuột ra ngoài kiểm soát.
Câu hỏi đặt ra là trong suốt thời gian dài đó, ai đã kiểm tra, đối chiếu, đối soát? Và nếu không có phản ánh của Báo Nông nghiệp và Môi trường, liệu những dòng tiền ngầm đó sẽ còn âm thầm chảy đến bao giờ?
Ngày 26/4/2025, phóng viên trở lại chợ Minh Khai. Tại Ban Quản lý chợ, cánh cửa các phòng im ỉm đóng, ánh đèn lẻ loi hắt ra từ một căn phòng trống trải, quạt quay kẽo kẹt trong cái lạnh lẽo bất thường. Theo xác nhận của ông Dương Thành Chung, lực lượng chức năng đã triệu tập một số nhân sự của Ban Quản lý trong đêm hôm trước có liên quan đến sự việc. Công ty đã có phương án bổ sung thêm người để quản lý chợ trong thời điểm này.
Theo các tiểu thương cũng như khách đến chợ cho biết, mấy ngày hôm nay không còn ai thu vé xe máy, không còn đội bảo vệ chắn ngang cổng. Một sự im ắng khác thường.

Tại các cổng ra vào chợ không còn ai kiểm soát, thu vé tiểu thương và xe ra vào nữa. Ảnh: T.T.
Cái im lặng đó, là khoảnh khắc dịch chuyển, để lộ ra lớp bụi quyền lực và lợi ích, một "thế giới ngầm" được bảo vệ bằng sự lặng im.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng Luật sư Interla – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), hành vi của các đối tượng tại chợ đầu mối Minh Khai có thể cấu thành nhiều loại tội phạm. Cụ thể, có thể xem xét ít nhất ba tội danh sau:
Thứ nhất, tội cưỡng đoạt tài sản (theo Điều 170 Bộ luật Hình sự). Đây là tội danh thể hiện rõ ràng nhất. Các đối tượng đã lợi dụng vị trí quản lý chợ để ép buộc tiểu thương phải nộp tiền dưới hình thức bất hợp pháp. Nếu không nộp, tiểu thương sẽ bị gây khó dễ hoặc cản trở hoạt động kinh doanh. Mục đích của hành vi là nhằm chiếm đoạt tài sản trái phép, dưới hình thức "bảo kê trá hình". Hành vi này có tính tổ chức, chuyên nghiệp, mức thu được thực hiện rõ ràng, thuộc khung tình tiết tăng nặng của tội cưỡng đoạt tài sản.
Thứ hai, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (theo Điều 356 Bộ luật Hình sự). Các đối tượng thuộc Ban quản lý chợ, vốn là người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng vị trí công tác để thực hiện hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho tiểu thương, vi phạm quy định về quản lý thu phí. Việc thu tiền được tổ chức có hệ thống, có sự phân công khu vực, mức thu cụ thể, cho thấy hành vi có dấu hiệu lạm quyền để trục lợi cá nhân.
Thứ ba, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (theo Điều 360 Bộ luật Hình sự), trong trường hợp xác định có sự buông lỏng quản lý từ công ty chủ quản. Nếu chứng minh được rằng đơn vị chủ quản biết nhưng không ngăn chặn, hoặc quản lý lỏng lẻo, để Ban quản lý chợ tự ý tổ chức thu tiền trái phép, thì người đứng đầu đơn vị có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh này.