Ngồi vạt, ngồi vịt cũng phải đóng tiền
Như Báo Nông nghiệp và Môi trường đã thông tin trong bài viết “[Bài 1] Mỗi mớ rau cõng bao ‘mớ’ phí” thông tin về cách vận hành, quản lý tại chợ đầu mối Minh Khai tồn tại nhiều bất cập, nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ bị chiếm dụng các ô, gian hàng tại chợ, hợp đồng mua bán không rõ ràng, xuất hiện "ô giả - ô thật", thậm chí bị chiếm đoạt bằng quyền lực ngầm; các khoản phí đã nộp so với hóa đơn không thể hiện đầy đủ, chi tiết, các khoản phí chồng phí…
Nằm ngay lối vào chợ đầu mối Minh Khai, có một ‘bến bãi’ vận hành, không biển hiệu, không nội quy, nhưng thu phí đều đặn, như thể đã được luật hóa trong vô hình.
Một thực tế mà chúng tôi cũng ghi nhận được tại đây là đối với những tiểu thương nhỏ, những người không đủ tiền mua ô, thuê chỗ, thì lay lắt "mót chợ". Nhiều người phải ngồi tạm ở những khoảng trống giữa các ki-ốt, cạnh những gian hàng vắng chủ. Nhưng dù chỉ ngồi tạm, chỉ bày mươi mớ rau, họ cũng không thoát khỏi những bàn tay thu tiền.

Mỗi lượt vào chợ, khách hay tiểu thương đều phải trả 5.000 đồng tiền vé. Nhưng không phải lúc nào cũng có vé; đôi khi, chỉ cần một cái gật đầu là đủ để thu tiền. Ảnh: H.K.
Ông lão bán rau, dáng người khắc khổ, rỉ rả kể: "Thu tùy theo mức. Tháng thì thích đóng lúc nào cũng được, hoặc nhờ ai đưa cho cũng được, khỏi phải trả từng ngày, đỡ phiền".
Người phụ nữ khác, đang lúi húi buộc mớ rau mùi, cũng xác nhận: "Đi xe đạp thì mỗi ngày 10.000 đồng, xe máy thì 15.000 đồng. Không có chỗ đâu, toàn ngồi tạm bợ thế này thôi, ngồi vạt, ngồi vịt. Nhưng vẫn phải đóng. Xe vào mất 5.000 đồng, chỗ ngồi mất 10.000 đồng nữa. Chưa bán được gì, đã có người đến đòi vé rồi".

Những tiểu thương nhỏ, không đủ tiền mua ô, thuê chỗ, chỉ lay lắt 'mót chợ' với dăm bảy mớ rau trong đêm, cũng không thoát khỏi những bàn tay thu tiền. Ảnh: H.K.
Những đồng tiền lẻ gom nhặt từ từng bó rau, rổ củ, thấm đẫm mồ hôi của họ, cứ thế chảy ra trước khi kịp làm ấm những đôi tay gầy guộc.
Ngày nối ngày, đêm nối đêm, hàng trăm tiểu thương khác vẫn cặm cụi với những gánh rau, quả nông sản nhỏ nhoi. Đôi vai họ nặng trĩu không chỉ vì hàng hóa, mà còn vì những gánh nặng vô hình, sự tận thu không minh bạch, sự thiếu thốn trong bảo vệ quyền lợi, và cả một nỗi âu lo thường trực, không biết ngày mai có còn chỗ bán hay không.

Nhiều tiểu thương nhỏ phải ngồi tạm ở những khoảng trống giữa các ki-ốt, cạnh những gian hàng vắng chủ. Ảnh: H.K.
Không ít người đã chọn cách rời bỏ cái chợ này, dạt ra vỉa hè, ra lòng đường quốc lộ 32 mà mưu sinh. Ở đó, dù vẫn phải chịu phí như “luật bất thành văn”, vẫn thấp thỏm trước những đợt dẹp hàng đột ngột, nhưng họ ít ra còn bớt được phần nào áp lực chi phí nặng nề trong chợ.
Thu tiền từ trong chợ ra tận ngoài đường
Càng đi sâu tìm hiểu, chúng tôi càng nhận thấy rõ một thực tế đáng lo ngại hơn, hoạt động thu tiền ngày càng bát nháo, táo tợn và có dấu hiệu bảo kê. Một hệ thống vận hành không cần biển hiệu, không cần hóa đơn, nhưng lại hoạt động trơn tru như thể có một thế lực nào đó đang âm thầm "chống lưng".
Từ QL 32 rẽ vào đường CN5 (Cụm Công nghiệp Từ Liêm), phố phường lúc 2 giờ sáng vẫn sáng rực đèn pha, đỏ quạch đuôi xe. Khói xăng dầu, mùi nông sản, tiếng còi xe và những lời mặc cả rì rầm quện lại thành thứ “hương vị đặc trưng” của chợ đầu mối Minh Khai mỗi đêm. Nơi tưởng chỉ dành để buôn bán lại đang trở thành một mê trận những điểm thu tiền tự phát, không tên, không hóa đơn, nhưng đầy người "quản".

Tuyến đường CN5 (Cụm Công nghiệp Từ Liêm), lối vào phía sau của chợ đầu mối Minh Khai ken đặc xe chở hàng, "chen vai thích cánh". Còn các tiểu thương thì bày la liệt xuống cả lòng đường, đan xen như tấm lưới đầy hỗn loạn. Ảnh: H.K.
Để bóc trần thứ “luật ngầm” đang vận hành phía sau cánh cổng chợ, nhóm phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường quyết định hóa thân thành những lái buôn chuyên đánh hàng khô là hành, tỏi, khoai… cung ứng cho tiểu thương trong chợ.
Vẫn chiếc xe đó, số lượng hàng hóa đó, nhưng chúng tôi bị thu tiền khác nhau từ 30 - 70 nghìn đồng/lượt tại các cổng chợ. Người đàn ông tên Võ Văn Anh (thường gọi là Chắt), người gác ở cổng sau, mặt đường CN5 “mách nước”: “Muốn có chỗ đỗ hàng tháng thì để lại số điện thoại, sẽ có người sắp xếp”.

Cùng một chiếc xe tải nhưng các cổng chợ thu vé khác nhau từ 30 - 70 nghìn đồng/lượt. Ảnh: H.K.
Theo hướng dẫn của Chắt, khoảng 1h45 phút rạng sáng 7/4, chiếc xe tải chở hàng của chúng tôi tiếp tục tiến vào đường CN5, hòa vào dòng xe tải lớn nhỏ nối đuôi, xe máy lắt léo lùa giữa những quầng sáng mờ nhòe. Tìm được một chỗ trống vừa kịp khi xe khác rời đi, tay chưa rời khỏi vô lăng thì ánh đèn pin từ xa đã rọi thẳng vào kính xe.
Một người đàn ông giới thiệu tên Hoàn, dáng chắc nịch, giọng khàn thuốc lá, bước tới soi xét, kiểm tra biển số rồi cho biết: “Chắt nó gọi cho anh rồi, hôm nay xe cứ đỗ tạm ở đây, còn từ mai thì đỗ ra phía bên kia”.

Người đàn ông tên Hoàn, cầm đèn pin soi thẳng vào các xe soi xét, thu tiền các phương tiện dừng, đỗ dọc tuyến đường CN5 (Cụm Công nghiệp Từ Liêm). Ảnh: H.K.
Hoàn chỉ về phía gốc cây, nơi có 1 xe tải đang đỗ ở đó, Hoàn nói tiếp “Để mai anh đuổi thằng này đi xuống dưới, xe này của bọn bán hàng trong chợ, mai bọn em cứ ra đây đỗ, ai hỏi cứ bảo là chỗ anh Hoàn”.
Ngay sau đó, Hoàn dẫn chúng tôi ra một quán nước vỉa hè, lẫn trong dãy xe tải và hàng hóa nhộn nhịp, nơi dường như là “trạm trung chuyển” ngầm của các cuộc giao dịch đỗ xe. Tại đây, ông ta thông báo mức phí đỗ xe là 700.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, gọi là đỗ cố định nhưng thực tế, nhiều xe chỉ ghé lại chừng vài chục phút để giao hoặc nhận hàng, rồi rời đi nhường chỗ cho lượt khác. Một vị trí, nhiều lượt luân phiên. Mức phí “theo tháng” nhưng vận hành như “theo ca”, xoay vòng như bánh răng trong một dây chuyền thu phí ngoài sổ.
Khi chúng tôi đề nghị có phiếu thu để thanh toán công ty, Hoàn lắc đầu: “Vé tháng thì anh cầm luôn, chứ không có hóa đơn. Cần thì xé vé ngày cho từng bữa. Vé nhà nước in đấy, không phải vé lậu đâu”.
Hoàn còn phân tích như một người làm nghề chuyên nghiệp: “Xe em thu 40 nghìn một ngày, tháng hết 1 triệu 2, thế nên đóng tháng rẻ hơn. Vé ngày nhiều khi chen chỗ không có đâu mà đỗ. Vé tháng thì yên tâm, không ai dám chiếm chỗ”.

Chỉ đỗ xe mỗi đêm chừng vài chục phút, nhưng người đàn ông tên Hoàn vẫn thu tiền 700 nghìn đồng mỗi tháng. Điều đáng nói, toàn bộ khoản thu này đều ngoài sổ sách, không hề có hóa đơn chứng từ. Ảnh: H.K.
Theo Hoàn, các cổng chợ được “rỉ tai” mức thu riêng, cổng hoa 2,7 triệu đồng/tháng, hai cổng nông sản có mức thu 4,6 đến 4,8 triệu đồng. Tuy nhiên, tất cả chỉ tồn tại dưới dạng lời kể, không hề có bảng niêm yết, hóa đơn hay chứng từ hợp lệ nào đi kèm.
Từng lời, từng chi tiết trong cuộc trò chuyện ấy, không chỉ hé lộ cách thức thu tiền bãi đỗ mà còn cho thấy một “trật tự ngầm” đang vận hành lặng lẽ ngoài rìa pháp luật. Không biển hiệu, không bảng giá, không kiểm soát. Nhưng tất cả đều “vào nếp”, như một thứ luật bất thành văn. Và những người như Hoàn, chính là những người viết ra thứ “luật lệ ngoài sổ sách” ấy, giữa bóng tối của chợ đầu mối Minh Khai.
Không ít tiểu thương cho biết, thậm chí họ chọn buôn bán ngoài lề đường để tránh các khoản phí trong chợ, nhưng rồi vẫn bị thu bởi một “hệ thống khác” không kém phần kín kẽ. Cánh tài xế cũng truyền tai nhau, rằng cứ có quen biết và đóng tiền cho “anh Hoàn”, thì chỗ đỗ sẽ được ưu tiên, ít bị đuổi.
Một chợ đầu mối, nhưng vận hành như một “ma trận”. Những đồng tiền lặng lẽ chảy ra từ mồ hôi người lao động, rồi hòa tan trong bóng tối. Và người ta vẫn tiếp tục đóng, như một thứ “thuế thân” để tồn tại mỗi đêm giữa chợ Minh Khai.