Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, tính đến trưa ngày 22/7, toàn tỉnh có 24 đơn vị cấp xã, phường bị thiệt hại do ảnh hưởng cơn bão số 3. Mưa kèm lốc xoáy đã làm hai người bị thương, 76 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 3 căn bị hư hỏng hoàn toàn.
Nhiều cây xanh gãy đổ, hệ thống bảng hiệu và cổng chào tại một số địa phương bị hư hỏng. Ngoài ra, có 18 trụ điện bị gãy đổ, 3 ô tô bị cây đè hư hỏng nặng, hơn 19,7ha nhà lưới, nhà kính bị tốc mái, 1,17ha rau màu và 5ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại nặng.

Người dân đang cưa cây thông cổ thụ để giải phóng xe tô tô bị đè bẹp tại phường Xuân Hương vào sáng 21/7. Ảnh: ĐK.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các xã, phường đã huy động lực lượng tại chỗ, gồm công an, dân quân, đoàn thể hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Hệ thống giao thông bị cản trở bởi cây ngã đã được giải tỏa, các sự cố mất điện do cây đè vào đường dây cũng được khắc phục nhanh chóng. Điển hình là sự cố tại khu vực đường 3 Tháng 4 và đường Trần Phú, phường Xuân Hương được Điện lực Lâm Đồng xử lý dứt điểm trong ngày 21/7.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các xã, phường tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, triển khai nghiêm túc phương châm “bốn tại chỗ” và không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đặc biệt, ưu tiên rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập úng để sơ tán dân kịp thời, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng người dân.

Bão số 3 làm 30 ngôi nhà của Lâm Đồng bị hư hỏng, có nhiều ngôi nhà mái tôn bị tốc gần hết. Ảnh: DT.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng cũng cho biết, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện như Đắk Rồ, hồ hạ Gia Nghĩa, Trà Tân, sông Lũy, sông Phan... đã được chủ động điều tiết xả lũ hợp lý. Hiện toàn bộ các hồ đập trên địa bàn vẫn đảm bảo an toàn, không xảy ra sự cố.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng, lượng mưa ghi nhận ngày 20/7 phổ biến từ 25–35mm, cục bộ có nơi trên 50mm. Gió giật mạnh cấp 4–5 tại khu vực Bảo Lộc, Liên Khương, Đà Lạt. Vùng biển có gió Tây Nam cấp 5–6, giật cấp 7–8, sóng cao từ 1,5–2m. Đáng lưu ý, dự báo từ ngày 22 - 23/7, toàn tỉnh tiếp tục chịu ảnh hưởng của mưa lớn, với tổng lượng mưa phổ biến từ 50–110mm, có nơi trên 150mm.

Cây thông cổ thụ đổ sập xuống ngôi nhà gây hư hỏng phần lớn kết cấu mái nhà tại Phường Xuân Hương. Ảnh: DT.
Đài Khí tượng Thủy văn Lâm Đồng cảnh báo, cần đề phòng nguy cơ ngập úng tại các vùng trũng thấp, sạt lở đất ở khu vực đồi núi, đặc biệt ở những nơi nền đất yếu hoặc đã có mưa lớn kéo dài. Ngoài ra, hiện tượng lốc xoáy, sét, mưa đá, gió mạnh có thể tiếp tục xảy ra gây thiệt hại cho người và tài sản.

Các lực lượng chức năng phối hợp với người dân dọn dẹp cây xanh bị đổ ngã để nhanh chóng giúp các phương tiện tham gia giao thông lưu thông bình thường trở lại. Ảnh: DT.
Hiện các địa phương đang tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân gia cố nhà cửa, chủ động phòng tránh thiên tai. Lực lượng xung kích tại các xã, phường đã được kích hoạt chế độ ứng trực 24/24h. Công tác kiểm tra hệ thống điện, các điểm có nguy cơ cây đổ, trụ điện gãy đang được rà soát để phòng ngừa sự cố trong các đợt mưa tới.
Với diễn biến thời tiết còn phức tạp trong những ngày tới, tỉnh Lâm Đồng xác định việc chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời là giải pháp then chốt nhằm giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ an toàn cho người dân và sản xuất.