Nhà có thợ sửa nước, anh Tuyên nhờ vợ ra ngõ mua giúp mấy phụ kiện còn thiếu. Anh ở nhà, vừa trông nom thợ, vừa xem đỡ đần được chút nào hay chút ấy. 30 phút, 45 phút, một tiếng vẫn chưa thấy bà xã về. Anh Tuyên bắt đầu sốt ruột.
Chị Liên – vợ anh vốn hay quên, bắt anh ghi ra giấy từng thứ cần mua, nếu đi nhanh, cộng với thời gian mua bán chắc chỉ hết tổng cộng 20 phút. Thợ nước sắp hoàn thành, chỉ chờ lắp nốt vài phụ kiện nữa là xong, bực nỗi bà xã lại không đem theo điện thoại nên anh Tuyên đành để khách ngỗi chờ, còn mình phóng xe đi tìm vợ. Ra tới đầu ngõ, anh thấy chị đang đứng buôn dưa lê với mấy bà trong ngõ, già có, trẻ có, ai cũng thi nhau liến thoáng, chốc chốc lại cười rú lên như có điều gì thú vị lắm. Cố gắng giữ bình tĩnh, anh Tuyên gọi:
- Liên, em đã mua đồ anh nhờ chưa?
- Ơ, anh à, em mua đầy đủ rồi đấy. Mải nói chuyện với các bác cùng xóm mà em quên mất. Đây, anh mang về đi, chốc em mua thêm ít thức ăn rồi về sau…
- Thôi, em về nhà luôn đi, nhà đang có việc. Về giúp anh một tay.
- Được rồi, anh cứ đi trước đi…
Chị Liên miễn cưỡng rời đám bạn cùng xóm, vừa đi vừa ngoái lại “buôn” nốt câu chuyện đang dở, xem chừng tiếc nuối chưa muốn dứt ra. Tới nhà, chị thao thao kể cho anh về những chuyện vừa “hóng” được, từ việc con bà Hà nghiện, vừa “nã” của bố mẹ mấy trăm triệu tiền bán đất, tới việc ông Tùng sắp gả con gái cho một người đàn ông gần bằng tuổi mình, “kiểu này ngồi ăn cùng mâm có khi con rể gọi bố vợ bằng ông - tôi anh nhỉ”, chị Liên phấn khích bình luận. Chị không để ý tới vẻ mặt hằm hằm của chồng và thái độ như không nghe thấy gì của anh. Mấy ngày sau đó, anh Tuyên vẫn không thể mở lời ra với vợ, để chị Liên băn khoăn mãi không tìm ra lý do chính đáng.
Đến hôm cuối tuần, có người bạn sang chơi, anh Tuyên mới trút bỏ được những bức xúc đang chất chứa trong lòng: “Nhà có việc, mới nhờ tới cô ấy. Hơn một tiếng đồng hồ, vừa làm, vừa chờ vợ về. Giờ đường xá đông đúc, lo việc nhà, nhưng cũng lo vợ đi đường không biết có làm sao không. Trong khi bà xã thì vô tư không chịu nổi”.
Anh Hoàng cũng nhiều phen bực mình với vợ khi chị thích “hướng ngoại” hơn chăm lo cho gia đình. Viện cớ chồng đi sớm, về muộn, một mình chị đưa đón con, cơm nước nên chị Hoa “phân công” cho anh đảm trách phần việc cuối ngày là cho con ăn và rửa bát. Vì vậy, tối nào ăn cơm xong, chị cũng “tót” sang nhà hàng xóm buôn dưa với cô bạn ít hơn vài tuổi nhưng cùng sở thích và “hợp gu”. Những hôm con khỏe, ăn nhanh thì không sao, anh Hoàng có thể vừa trông con ăn vừa tranh thủ rửa bát. Nhưng nhiều hôm thằng bé mệt, lười ăn, mè nheo mà mẹ nó vẫn rảnh rang đi “buôn” khiến anh Hoàng bực lắm. Không ít lần anh thể hiện bằng thái độ khó chịu nhưng chị Hoa vẫn “tửng từng tưng”. Bởi chị có cái lý của chị: “Cả ngày mẹ đã “vật lộn” với con rồi. Tối là phần việc của bố. Nếu bố muốn mẹ giúp thì phải nhờ cho cẩn thận”.
Giọt nước tràn ly khi anh Hoàng đang vất vả cho con ăn, mà nó cứ “phun” ra – tiếng khóc của con, tiếng nịnh nọt rồi quát nạt của bố vang khắp xóm, mà mẹ vẫn vô tư nói cười ở nhà hàng xóm. Nhịn không nổi, anh Hoàng chạy sang quát vợ trước sự ngỡ ngàng của mọi người: “Hoa, cô có về nhà không? Hay tối nay ăn ngủ luôn ở ngoài cho sướng, để nghe cho hết chuyện trên trời dưới đất”. Hoa vẫn lỳ, cô nán lại nhà bạn tới gần nửa tiếng sau mới về. Lát sau, cả khi xóm không lấy làm lạ khi nghe thấy tiếng bát vỡ, xoong chảo rơi loảng xoảng, xen lẫn tiếng khóc của trẻ con, tiếng cãi cọ nhau của hai vợ chồng Hoàng – Hoa.
Thực ra, phụ nữ có nhu cầu được chia sẻ, tâm sự nhiều hơn nam giới. Nhất là với những chị em ở nhà cả ngày không đi làm thì khi rảnh rỗi được sang hàng xóm buôn dưa lê là thú vui. Phụ nữ có cái lý của họ, rằng con người không phải là cỗ máy trong nhà mà còn phải có những phút giải lao thư giãn ngoài xã hội. Tuy nhiên, nếu không biết giữ mồm giữ miệng, chị em dễ “bộc toạc” những câu chuyện thầm kín của gia đình, biến nó thành trò cười của mọi người; hoặc trở thành người đưa chuyện, lắm điều, thành kẻ ngồi lê đôi mách xấu xa.
Nếu thấy vợ có gì “quá đà”, người chồng nên thẳng thắn góp ý một cách trực tiếp để vợ biết đường mà sửa. Không nên đá thúng đụng nia, mặt lạnh mày nhẹ với vợ để “chuyện nọ xọ chuyện kia” như trường hợp của anh Hoàng, chị Hoa.
Box: Theo các chuyên gia tâm lý, lí do người ta thích “buôn dưa lê” để cảm thấy mình là trung tâm, hoặc muốn thể hiện mình là "người biết tuốt", hay đơn giản là thấy mệt mỏi và muốn giải tỏa. Nhưng ít ai nghĩ được xa hơn việc "buôn dưa lê" này thực sự là con dao hai lưỡi ảnh hưởng đến cả "người buôn" lẫn "nạn nhân". "Buôn dưa lê" còn khiến không ít gia đình lao đao lục đục.