| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác Việt Nam - Nam Phi: Hình mẫu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học

Thứ Ba 15/04/2025 , 15:51 (GMT+7)

Nam Phi cam kết cùng Việt Nam nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, chuyển dịch năng lượng công bằng, quản lý vùng biển và phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Hội nghị P4G (Hà Nội, 15-17/4/2025), với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”, là sự kiện cấp cao đa phương về tăng trưởng xanh có quy mô lớn nhất do Việt Nam đăng cai tổ chức trong giai đoạn 2021-2026. Báo Nông nghiệp và Môi trường sẽ cập nhật xuyên suốt những cam kết mạnh mẽ, vai trò chủ động và trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị P4G.

Chiều 15/4, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT), Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp, Thủy sản và Môi trường Nam Phi, ông Narend Singh đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị. Nội dung trao đổi nhằm hướng tới ký kết Bản ghi nhớ song phương giữa Chính phủ Cộng hòa Nam Phi và Chính phủ Việt Nam về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cũng như thực thi pháp luật về động vật hoang dã.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị tiếp đoàn công tác Bộ Lâm nghiệp, Thủy sản và Môi trường Nam Phi, do Thứ trưởng Narend Singh làm trưởng đoàn. Ảnh: Kiều Chi.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị tiếp đoàn công tác Bộ Lâm nghiệp, Thủy sản và Môi trường Nam Phi, do Thứ trưởng Narend Singh làm trưởng đoàn. Ảnh: Kiều Chi.

Tăng cường trao đổi kinh nghiệm bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững

Tại cuộc gặp, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh, Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác nhiều mặt với Nam Phi, bao gồm lĩnh vực bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, thực thi pháp luật về động vật hoang dã. Lãnh đạo Bộ NN-MT tin tưởng, với cam kết và hành động thiết thực, hai bên sẽ cùng nhau đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị thông tin, đất dành cho sản xuất nông, lâm, thủy sản chiếm khoảng 80% diện tích lãnh thổ Việt Nam. Tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam ở mức tương đối cao, tuy nhiên, đất nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu. 

Thứ trưởng Bộ NN-MT Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Kiều Chi. 

Thứ trưởng Bộ NN-MT Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Kiều Chi. 

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề xuất, hai bên sẽ đẩy nhanh tiến độ thiết lập mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực: Quản lý, bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học; Quản lý tài nguyên thiên nhiên; Quản lý buôn bán động vật hoang dã; Quản lý khu bảo tồn; Phát triển cộng đồng, sinh kế bền vững; Quản lý vùng ven biển; Bảo vệ hàng hải; Nuôi trồng thủy sản; Biến đổi khí hậu. 

Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Nam Phi là một trong ít số nước trên thế giới có Luật về Đa dạng sinh và những sáng kiến thực thi những cam kết về bảo tồn đa dạng sinh học - Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF). Quốc gia này cũng có những kinh nghiệm đáng kể phát triển du lịch sinh thái, quản lý loài ngoại lai xâm hại; nuôi, tái thả các loài động vật nguy cấp; giám sát và quan trắc sinh học; các vấn đề về nguồn gen. Việt Nam rất mong được cùng chia sẻ những kinh nghiệm này với Bộ Lâm nghiệp, Thủy sản và Môi trường Nam Phi trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Thứ trưởng Narend Singh ấn tượng trước những thành tựu nổi bật của ngành nông nghiệp và môi trường Việt Nam. Ảnh: Kiều Chi. 

Thứ trưởng Narend Singh ấn tượng trước những thành tựu nổi bật của ngành nông nghiệp và môi trường Việt Nam. Ảnh: Kiều Chi. 

Đáp lời, Thứ trưởng Narend Singh bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu nổi bật của ngành nông nghiệp và môi trường Việt Nam, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,5%. Trong bối cảnh Nam Phi đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, Thứ trưởng Narend Singh kỳ vọng sẽ có cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác giữa hai nước.

Từ 2015-2025, Nam Phi đã xây dựng và triển khai Tuyên bố chính trị về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), giảm thiểu các tác động tổn hại tới môi trường. 

Tiến tới ký kết bản ghi nhớ hợp tác đa lĩnh vực trong tháng 7

Thứ trưởng Narend Singh kiến nghị, hai bên sẽ cần tái ký Biên bản ghi nhớ hợp tác mới, tiếp nối Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nam Phi về bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học thực thi từ năm 2012.

Việt Nam và Nam Phi sẽ mở rộng hợp tác sâu rộng trên các lĩnh vực: chuyển dịch năng lượng công bằng, phát triển bền vững, nuôi trồng thủy sản, quản lý vùng ven biển, bảo vệ biển và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Kiều Chi.

Việt Nam và Nam Phi sẽ mở rộng hợp tác sâu rộng trên các lĩnh vực: chuyển dịch năng lượng công bằng, phát triển bền vững, nuôi trồng thủy sản, quản lý vùng ven biển, bảo vệ biển và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Kiều Chi.

Nội dung tập trung tăng cường trao đổi thông tin về các quy định pháp luật mới của mỗi nước, các vụ bắt giữ và mẫu vật phục vụ công tác giám định pháp y (ADN), đặc biệt là mẫu vật sừng tê giác; tăng cường các cuộc họp song phương, đa phương về vấn đề bảo vệ, bảo tồn cũng như chống buôn bán trái pháp luật động, thực vật hoang dã.

Hai bên sẽ thực hiện các hoạt động tuyên truyền cho người Việt Nam tại Nam Phi về phòng, chống buôn bán trái pháp luật động, thực vật hoang dã.

Thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin, hệ thống cảnh báo sớm nhằm ngăn chặn nạn buôn bán trái pháp luật động, thực vật hoang dã từ Nam Phi đến hoặc quá cảnh tại Việt Nam; tăng cường các hoạt động tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Nam Phi liên quan đến lĩnh vực trên.

Bà Vuyiswa Tulelo, Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam, chia sẻ, kết quả hợp tác giữa Việt Nam - Nam Phi trước đây là nền tảng để hai quốc gia cùng tiến đến một Bản ghi nhớ hợp tác sâu rộng trên các lĩnh vực khác như chuyển dịch năng lượng công bằng, phát triển bền vững, nuôi trồng thủy sản, quản lý vùng ven biển, bảo vệ biển, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Kết thúc cuộc gặp, hai Thứ trưởng đồng ý sẽ cùng xem xét các điều khoản, thỏa thuận trong Biên bản hợp tác ghi nhớ và tiến đến ký kết vào cuối tháng 7/2025. 

Xem thêm
Tạo động lực cho khoa học và đổi mới sáng tạo từ hành lang pháp lý

Xây dựng một đạo luật gốc nhằm kiến tạo một không gian phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.