Khu đất trên 1.000 m2 được xây dựng công trình tạm phục vụ sản xuất nông nghiệp
Tại kỳ họp thứ 25 vừa qua, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố.
Theo nghị quyết, việc sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm phải đáp ứng điều kiện đang quản lý, sử dụng đất hợp pháp hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Người dân khu vực bãi đá sông Hồng, phường Hồng Hà, Hà Nội có các hoạt động gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với phục vụ du lịch. Ảnh: Xuân Vũ.
Đối với sản xuất nông nghiệp trên bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê, người dân được sử dụng một phần diện tích để xây dựng công trình tạm phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Điều kiện được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng, lắp dựng công trình tạm phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp là khu đất phải có diện tích từ 1.000m2 trở lên.
Vị trí xây dựng, lắp dựng công trình nằm ngoài phạm vi bảo vệ đê, không thuộc khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, không thường xuyên chịu ảnh hưởng ngập, lụt. Người dân cam kết không san lấp, tự tháo dỡ công trình và không được bồi thường khi cơ quan nhà nước thu hồi, thực hiện các dự án.
Khu đất có quy mô từ 1.000m2 đến 5.000m2, được xây dựng công trình có diện tích tối đa 10m2; đối với khu đất rộng trên 10.000m2, được xây dựng công trình có diện tích tối đa 20m2.
Công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp chỉ được xây dựng 1 tầng, cao không quá 4m và không có tầng hầm.
Cho phép khai thác đất bãi sông làm du lịch
Tổ chức, cá nhân sử dụng khu đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi để sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ.
Điều kiện là tổng diện tích khu đất từ 10.000m2 trở lên, có phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích để sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm đã được chấp nhận.

Khu vực ven sông Hồng, đoạn qua Hà Nội còn nhiều đất đai có thể kết hợp sản xuất nông nghiệp và phục vụ du lịch sinh thái. Ảnh: Xuân Vũ.
Vị trí xây dựng, lắp dựng công trình nằm ngoài phạm vi bảo vệ đê điều, không thuộc khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở và phù hợp với quy định về sử dụng bãi sông theo quy hoạch phòng, chống lũ.
Tổng diện tích xây dựng các công trình không vượt quá 5% phần diện tích khu đất nằm ngoài chỉ giới hành lang thoát lũ đối với hệ thống sông Đáy, hoặc thuộc khu vực bãi sông được nghiên cứu xây dựng đối với hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Kết cấu công trình bán kiên cố, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường, dễ dàng tháo dỡ. Kết cấu công trình một tầng, chiều cao không quá 6 m, không có tầng hầm, cần sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, dễ tháo dỡ.
Tổ chức, cá nhân cam kết không san lấp, tôn cao bãi sông hiện có, không được bồi thường khi hết thời gian tồn tại hoặc cơ quan nhà nước thu hồi thực hiện các dự án. Hết thời hạn sử dụng, người dân cần khôi phục lại đất theo mục đích sử dụng ban đầu. UBND cấp xã có thẩm quyền cấp phép xây dựng, lắp dựng công trình trên đất đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, lập hồ sơ theo dõi việc sử dụng.