Đóng cửa mỏ không chỉ là yêu cầu bắt buộc tuân thủ quy định pháp luật mà còn mở ra cơ hội tái cấu trúc kinh tế - môi trường vùng mỏ theo hướng bền vững. Trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro sau đóng cửa mỏ, cần có giải pháp tích hợp nhằm tối ưu hóa lợi ích dài hạn cho địa phương sau khai thác, đồng thời giảm thiểu các tác động rủi ro môi trường.

TS. Nguyễn Văn Luyện, giảng viên chính, Viện nghiên cứu tài nguyên và biến đổi khí hậu, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Ảnh: Mai Anh.
TS. Nguyễn Văn Luyện, giảng viên chính, Viện nghiên cứu tài nguyên và biến đổi khí hậu, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã trao đổi với PV Báo NN-MT về các giải pháp giảm thiểu những rủi ro môi trường sau khai thác khoáng sản.
Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp sau khi dừng khai thác chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm đóng cửa mỏ, khiến khu vực khai thác bị xáo trộn nghiêm trọng về cấu trúc và cảnh quan. Theo ông, đâu là giải pháp cần thiết để khắc phục và ngăn chặn tình trạng này tái diễn?
Một trong những giải pháp quan trọng là quy hoạch liên vùng và tái định hướng sử dụng đất sau khai khoáng. Lồng ghép cải tạo phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ vào các quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp vùng là việc làm cần thiết. Với các khu vực có nhiều mỏ liền kề, nên thiết lập thành vùng chuyển tiếp sau khai thác để có phương án sử dụng đất thống nhất, tránh manh mún.
Ví dụ, một cụm mỏ than lộ thiên sau đóng cửa ở Hòn Gai - Cẩm Phả (Quảng Ninh) có thể quy hoạch thành tổ hợp công viên địa chất, hồ sinh thái và khu đô thị mới kết nối liên hoàn, thay vì từng mỏ nhỏ lẻ phục hồi không đồng bộ.

Moong khai thác titan tại Bình Thuận tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ mỏ. Ảnh: Văn Luyện.
Việc quy hoạch liên vùng giúp tránh lãng phí tài nguyên đất, đồng thời phòng ngừa xung đột lợi ích (như tránh bố trí khu dân cư sát khu vực còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở sụt lún, hay tránh quy hoạch phát triển nông nghiệp trên đất chưa được xử lý ô nhiễm). Nhà nước nên có chính sách ưu tiên chuyển đổi những khu mỏ đóng cửa sang các mục đích hữu ích như: khu bảo tồn thiên nhiên, năng lượng tái tạo (trang trại điện mặt trời trên mỏ), khu du lịch mỏ, hoặc khu công nghiệp (nếu nền đất ổn định) tùy điều kiện từng nơi.
Việc quy hoạch liên vùng sau khai thác được ông nhấn mạnh như một giải pháp quan trọng nhằm sử dụng hiệu quả đất đai và phòng ngừa các rủi ro môi trường. Vậy theo ông, ngoài quy hoạch, liệu có cần thêm các cơ chế tài chính, như quỹ đóng cửa mỏ hay quỹ phát triển vùng mỏ, để hỗ trợ quá trình này hiệu quả và bền vững hơn không?
Đây là giải pháp hợp lý. Quỹ đóng cửa mỏ hoặc quỹ phát triển vùng mỏ ở mỗi địa phương tập trung khoáng sản có thể được trích một phần nhỏ từ doanh thu hoặc lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp khai khoáng (thay vì chỉ trích tiền ký quỹ khi bắt đầu dự án).
Mục đích quỹ nhằm đầu tư, hỗ trợ phát triển cho cộng đồng địa phương sau khai thác: hỗ trợ đào tạo nghề mới cho công nhân mỏ, xây dựng cơ sở hạ tầng (đường sá, điện, nước) để thu hút ngành khác thay thế, hoặc tài trợ các mô hình sinh kế bền vững như trồng rừng, nuôi trồng thủy sản hay phát triển du lịch cộng đồng…
Mô hình này tương tự như các quỹ chuyển đổi năng lượng ở vùng mỏ than trên thế giới, như Quỹ chuyển đổi công bằng. Quỹ nên được quản lý minh bạch với sự tham gia của chính quyền, doanh nghiệp và đại diện dân cư, đảm bảo sử dụng đúng mục đích và mang lại lợi ích thực chất cho vùng mỏ sau khai thác.
Ngoài quy hoạch và cơ chế tài chính, việc đóng cửa mỏ còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Thưa ông, cần thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành và huy động sự tham gia của cộng đồng ra sao để đảm bảo quá trình này diễn ra hiệu quả, đồng bộ và bền vững?
Công tác đóng cửa mỏ không chỉ là trách nhiệm của ngành tài nguyên khoáng sản mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực: quy hoạch xây dựng, nông nghiệp, môi trường, tài nguyên nước, an sinh xã hội… Do đó, cần thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, sở ban ngành ở địa phương khi phê duyệt và thực hiện đề án đóng cửa mỏ.

Đoàn kiểm tra thực địa của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) kiểm tra nội dung đánh giá tác động môi trường của dự án khai thác đá ở Khánh Hòa (năm 2019). Ảnh: Văn Luyện.
Mỗi đơn vị chuyên môn có thể tham gia đánh giá nội dung liên quan theo đúng chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình. Ví dụ, Bộ/Sở Xây dựng có thể tham gia thẩm định phương án cải tạo địa hình để đảm bảo an toàn công trình; Bộ/Sở Nông nghiệp và Môi trường góp ý về phương án trồng cây phục hồi (giống cây, loại cây…); Bộ/Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động ngành mỏ...
Bên cạnh đó, cộng đồng địa phương như đại diện người dân, chính quyền xã/phường cần được tham vấn từ giai đoạn lập kế hoạch, bao gồm việc lấy ý kiến về nhu cầu sử dụng đất sau khai thác, phổ biến thông tin về các rủi ro môi trường còn lại và cùng tổ chức giám sát việc triển khai cải tạo phục hồi môi trường. Cách tiếp cận này không chỉ nâng cao tính minh bạch mà còn góp phần thực hiện dân chủ cơ sở và giảm thiểu tranh chấp tiềm ẩn.
Cơ chế phối hợp liên ngành và người dân có thể được thể chế hóa bằng việc thành lập Hội đồng đóng cửa mỏ với sự tham gia đầy đủ các thành phần liên quan và một số chuyên gia độc lập, nhằm đánh giá và giám sát độc lập quá trình này.
Bên cạnh giải pháp về quy hoạch, tài chính và cơ chế phối hợp đa ngành, theo ông, còn cần bổ sung yếu tố nào để việc đóng cửa mỏ thực sự hiệu quả và hướng tới phát triển bền vững cho vùng sau khai thác?
Một xu hướng không thể bỏ qua là ứng dụng công nghệ số trong giám sát hậu khai thác mỏ. Việc sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS), viễn thám và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp theo dõi biến động môi trường một cách hiệu quả trên phạm vi rộng và trong thời gian dài.
Cụ thể, các dữ liệu viễn thám (như ảnh vệ tinh từ Landsat, Sentinel) có thể được thu thập định kỳ để theo dõi sự thay đổi của lớp phủ thực vật ở vùng mỏ sau đóng cửa, phát hiện sớm khu vực nào phục hồi chậm (vẫn trơ trụi sau vài năm) để chấn chỉnh. Công nghệ GIS giúp tích hợp các lớp bản đồ: địa hình trước và sau khai thác, hiện trạng sử dụng đất, phân bố khu dân cư, mạng lưới thủy văn... Từ đó có thể mô phỏng các kịch bản sử dụng đất tối ưu và đánh giá mức độ phù hợp đất cho từng mục đích cụ thể.
Cùng với đó, công nghệ AI và học máy có thể hỗ trợ dự báo rủi ro môi trường - xã hội như mô hình học máy dự đoán khả năng sạt lở dựa trên lượng mưa, độ dốc, độ phủ của thảm thực vật; hoặc phân tích dữ liệu kinh tế - xã hội để dự báo xu hướng thất nghiệp sau khai thác.
Những mô hình này có thể giúp chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp và định hướng chuyển đổi kinh tế. Việc ứng dụng công nghệ số không thay thế được hoàn toàn kiểm tra thực địa, nhưng sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp nhà quản lý nhìn rõ bức tranh toàn cảnh sau đóng cửa mỏ và kịp thời ra quyết định.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!